Bộ GD&ĐT thừa nhận công tác quản lý của bộ còn nhiều bất cập tuy nhiên không buông lỏng quản lý, tạo kẽ hở cho sai phạm của đại học Đông Đô.
Liên quan đến những sai phạm của đại học Đông Đô và trách nhiệm của bộ GD&ĐT trong vụ việc này, tối 29/11, bộ đã có thông tin trả lời.
ĐH Đông Đô tự thêm chỉ tiêu văn bằng 2
Thời gian qua, có một số thông tin cho rằng dù đại học Đông Đô chưa được bộ GD&ĐT cho phép đào tạo văn bằng 2 nhưng từ năm 2015, các đơn vị của bộ đã thông báo chỉ tiêu tuyển sinh và cho đăng tải đề án tuyển sinh của trường lên Cổng thông tin tuyển sinh của bộ. Trong đó có cả chỉ tiêu hệ văn bằng 2 chính quy.
Trả lời vấn đề này, bộ GD&ĐT cho biết việc đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học và thông báo xác nhận chỉ tiêu tuyển sinh của bộ GD&ĐT nằm trong quy trình báo cáo và xây dựng kế hoạch nhiệm vụ hàng năm.
Từ năm 2017 trở về trước, vụ Kế hoạch – Tài chính (bộ GD&ĐT) được giao nhiệm vụ rà soát, kiểm tra năng lực đào tạo và thông báo xác nhận tổng chỉ tiêu năng lực tuyển sinh của các trường (gồm tổng chỉ tiêu đào tạo và chỉ tiêu năng lực theo khối ngành và hình thức đào tạo), đảm bảo phù hợp với năng lực đào tạo theo 2 tiêu chí được quy định (đội ngũ cán bộ, diện tích).
Do đây là việc rà soát năng lực đào tạo nên quy định và thông báo không chi tiết đến từng ngành đào tạo. Cụ thể đối với đại học Đông Đô, vụ Kế hoạch – Tài chính chưa năm nào thông báo chỉ tiêu của ngành Ngôn ngữ Anh. Hoạt động rà soát được thực hiện trước khi các trường công bố đề án tuyển sinh, độc lập với việc mở ngành, mở chương trình đào tạo mới; tại thời điểm tuyển sinh các trường phải căn cứ quy chế tuyển sinh để xác định chỉ tiêu cho từng ngành, từng hình thức đào tạo.
Thực tế, nhiều trường sau khi được thông báo xác nhận tổng chỉ tiêu tuyển sinh mới quyết định mở tuyển sinh một chương trình mới hoặc đăng ký đào tạo văn bằng 2 cho một ngành cụ thể. Trường hợp đại học Đông Đô, từ năm 2015 đến 2019 trường đều đăng ký chỉ tiêu văn bằng 2 trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh, nhưng không thực hiện đầy đủ thủ tục đăng ký đào tạo văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh theo quy định, mặc dù trường đã được đào tạo chính quy văn bằng 1 ngành này từ năm 1995.
Việc công khai đề án tuyển sinh được thực hiện từ năm 2017 theo quy chế tuyển sinh hệ đại học chính quy nhằm thực hiện quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình công khai, minh bạch của các trường đại học. vụ Giáo dục Đại học (bộ GD&ĐT) hỗ trợ về mặt kỹ thuật giúp các trường đăng tải đề án lên Cổng thông tin tuyển sinh chung tạo điều kiện cho thí sinh toàn quốc dễ dàng truy cập. Theo quy chế các trường phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về nội dung của đề án.
Từ năm 2019 trở về trước, mẫu đề án của bộ GD&ĐT chỉ quy định cho tuyển sinh đại học chính quy đối với học sinh tốt nghiệp THPT và tương đương, nhưng đại học Đông Đô đã tự đưa chỉ tiêu tuyển sinh văn bằng 2 vào phụ lục của đề án.
Bộ GD&ĐT khẳng định hoàn toàn không có việc các đơn vị của bộ GD&ĐT đưa thông tin không có trong đề án, không do trường cung cấp lên Cổng thông tin tuyển sinh.
Trách nhiệm của những đơn vị có liên quan thuộc bộ GD&ĐT
Bộ GD&ĐT thông tin đến thời điểm này, cơ quan điều tra mới ra kết luận điều tra đối với việc vi phạm pháp luật của đại học Đông Đô mà chưa có kết luận cụ thể đối với những nội dung liên quan tới trách nhiệm của bộ GD&ĐT. Sau khi cơ quan điều tra có kết luận chính thức, bộ GD&ĐT sẽ xem xét cụ thể trách nhiệm đối với những đơn vị, những cá nhân có liên quan nếu có sai sót, vi phạm.
Thời gian qua, cùng với việc các cơ sở giáo dục đại học được mở rộng quyền tự chủ, đã có tình trạng lạm dụng để làm sai.
“Mặt khác, công tác quản lý nhà nước của bộ GD&ĐT trước đây cũng còn một số vấn đề bất cập, cần được tiếp tục chấn chỉnh, hoàn thiện. Tuy nhiên, trong vụ việc này không có việc bộ buông lỏng quản lý để tạo kẽ hở cho trường sai phạm”, bộ GD&ĐT khẳng định.
Thu hồi, hủy bỏ toàn bộ văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh do ĐH Đông Đô cấp
Bộ GD&ĐT cũng cho biết đến này vẫn chưa nhận được danh sách các trường hợp đã được ĐH Đông Đô cấp văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh. Quan điểm của bộ là kiên quyết xử lý những trường hợp sử dụng văn bằng được cấp sai quy định; thu hồi và hủy bỏ những văn bằng này. Lãnh đạo bộ GD&ĐT đã giao cục Quản lý chất lượng làm việc với ĐH Đông Đô và có văn bản yêu cầu ĐH Đông Đô nghiêm túc thực hiện việc rà soát, thu hồi, hủy bỏ các văn bằng được cấp sai quy định.
Bộ GD&ĐT cũng đã yêu cầu các các cơ sở đào tạo khẩn trương rà soát, báo cáo danh sách những người đã sử dụng văn bằng 2 ngoại ngữ của ĐH Đông Đô và đề xuất phương án xử lý cụ thể cho từng trường hợp.
Đối với trường hợp sử dụng bằng không hợp pháp làm điều kiện đầu vào hoặc điều kiện bảo vệ luận án tiến sĩ, cơ sở đào tạo sẽ căn cứ tính chất và mức độ để có hình thức xử lý phù hợp theo quy định, như dừng học hoặc thu hồi bằng tiến sĩ đã cấp.
Đặc biệt, bộ nhấn mạnh các cơ quan, đơn
vị quản lý cán bộ sẽ rà soát và phân loại những trường hợp người học biết hoặc không biết rõ về việc đào tạo và cấp bằng sai quy định của ĐH Đông Đô để có biện pháp xử lý phù hợp, đúng bản chất. Việc công khai hay không công khai danh tính những cá nhân sử dụng văn bằng không hợp pháp sẽ do cơ quan có thẩm quyền xem xét theo quy định của pháp luật.
Sai phạm của đại học Đông Đô được bộ xem là bài học cho toàn ngành. Trong hai năm gần đây, bộ GD&ĐT cũng đã tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở giáo dục đại học, nhất là trong các hoạt động đào tạo liên thông, liên kết, văn bằng 2.