Nếu trẻ có biểu hiện sốt cao kéo dài trên 2 ngày, bỏ bú, nôn, ngủ li bì, khó thở, thở lõm ngực… cần nhanh chóng đưa trẻ đi cấp cứu.
Gia tăng bệnh lý đường hô hấp
Giao mùa, nhiệt độ thay đổi thất thường khiến số trẻ mắc bệnh viêm phổi hô hấp tăng lên. Trong số đó, có những trẻ do bố mẹ tự ý điều trị hoặc ra hiệu thuốc để người bán thuốc kê đơn nên bệnh trở nặng hơn, dẫn đến biến chứng: viêm phổi nặng, suy hô hấp nặng…
Ngày 16/9 vừa qua, tại hai phòng cấp cứu của khoa hô hấp Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), hàng chục bệnh nhi từ sơ sinh đến 2 tuổi phải thở oxy, thở NCPAP (thở áp lực dương liên tục qua mũi), thậm chí thở máy vì mắc các bệnh lý hô hấp hoặc các biến chứng về hô hấp do bệnh nền gây ra.
Trường hợp của bé L.V.T.N. (7 tháng tuổi, ngụ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) có triệu chứng sốt, ho, thở khò khè, người lừ đừ. Gia đình đưa bé N. đi khám tại phòng khám địa phương với chẩn đoán viêm phổi, được kê thuốc về uống.
Tuy nhiên, bé N. vẫn khó thở, có thêm biểu hiện lõm ngực nên gia đình đưa bé đến Bệnh viện Nhi đồng 1. Qua thăm khám, các bác sĩ kết luận N. bị viêm tiểu phế quản, viêm phổi, phải thở NCPAP. Sau nhiều ngày điều trị tích cực, hiện bé N. thở êm hơn.
Theo BS.Anh Tuấn – trưởng khoa hô hấp Bệnh viện nhi đồng 1, khi trẻ mắc các bệnh hô hấp, đa số sẽ hết bệnh trong vòng 10-14 ngày. Tuy nhiên nếu trẻ có biểu hiện sốt cao kéo dài trên 2 ngày, bỏ bú, nôn, ngủ li bì, khó thở, thở lõm ngực… cần nhanh chóng đưa trẻ đi cấp cứu.
Dấu hiệu trẻ mắc bệnh viêm đường hô hấp cha mẹ cần nhớ
Trẻ sốt: dấu hiệu đầu tiên và quan trọng nhất ở trẻ bị viêm đường hô hấp là sốt. Đặc thù sốt của trẻ diễn tiến nhanh, cấp tính. Kèm theo sốt, trẻ thường nhức đầu, viêm kết mạc mắt, sợ ánh sáng, mắt đỏ, đau, ngứa và chảy nước mắt, hơi thở hôi, đau cơ, mệt mỏi, đau bụng, nôn ói, tiêu chảy…
Trẻ bị ho: Ho cũng là triệu chứng xuất hiện hầu hết trong các bệnh viêm đường hô hấp trên, ho thành cơn hay ho khan, ho có đờm.
Trẻ bị khó thở: Khó thở là một triệu chứng không đặc thù của viêm đường hô hấp. Đây là triệu chứng rất ít gặp nhưng đã gặp thì thường là dấu hiệu của bệnh nặng, bé phải thở rít, thở khò khè…
Chính vì thế, nếu trẻ bị viêm hô hấp cha mẹ cần quan sát thật kỹ lồng ngực của trẻ. Vén áo của con và quan sát nhịp thở, độ co rút của các xương sườn. Nếu trẻ thở đều dễ không đáng lo nhưng trẻ thở nhanh, lõm ngực cần nhanh chóng đưa trẻ tới cơ sở y tế.
Khác với người lớn, khi bị ốm, trẻ nhỏ không thể nói hết triệu chứng nên nếu thấy con khác với bình thường cha mẹ cần đặc biệt lưu ý.
Mùa bệnh viêm đường hô hấp, các bác sĩ khuyến cáo cha mẹ cần chuẩn bị sẵn các loại thuốc cho tủ thuốc gia đình. Những vật dụng không thể thiếu đó là nhiệt kế, thuốc hạ sốt, nước muối sinh lý.
Trong nhà luôn luôn có thuốc hạ sốt. Nên chọn thuốc hạ sốt có thành phần paracetamol. Cha mẹ trang bị thêm nước muối sinh lý để rửa mũi cho trẻ.