Chân tay miệng là bệnh không hiếm gặp, thường xảy ra ở trẻ nhỏ, diễn biến có thể nhẹ, nhưng nếu cha mẹ không chú ý cũng có thể gây biến chứng, thậm chí gây tử vong.
Bệnh có thể gây biến chứng nặng
Theo Ths. BS. Lê Lan Anh – Phó trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm thường gặp hơn ở trẻ nhỏ, diễn biến có thể nhẹ nhưng có thể gặp những biến chứng nguy hiểm. Quấy khóc khác thường, sốt cao không hạ và giật mình là triệu chứng rất sớm báo hiệu nguy cơ bệnh tay chân miệng có thể diễn biến nặng lên.
Biểu hiện ban đầu của chân tay miệng là sốt, thông thường sốt nhẹ, có thể không sốt hoặc sốt thoáng qua nhưng có thể sốt rất cao. Tiếp theo xuất hiện các tổn thương ở da niêm mạc. Ở miệng thường có các nốt phỏng nước sau vỡ thành các vết loét, bội nhiễm có mủ, xung quanh miệng có thể có các ban đỏ. Trên lòng bàn tay, bàn chân có các nốt phỏng nước nổi cộm trên mặt da, tổn thương da có thể gặp ở mông, đầu gối…. Ngoài ra trẻ có thể có các biểu hiện nhiễm virus như viêm long đường hô hấp, tiêu chảy ….
Trẻ có thể bị nhiễm bệnh tay chân miệng nhiều lần vì mỗi lần nhiễm, cơ thể chỉ tạo ra kháng thể với một loại vi rút nhất định, trẻ có thể mắc bệnh trở lại nếu bị nhiễm chủng vi rút khác thuộc nhóm enterovirus.
Với các ca bệnh ở thể nhẹ, trẻ sốt nhưng vẫn có kiểm soát được nhiệt độ bằng thuốc hạ nhiệt, trẻ tỉnh táo, vẫn ăn uống được… Tùy từng trường hợp sẽ có thể điều trị tai nhà bằng thuốc hạ sốt, vệ sinh răng miệng bằng các dung dịch sát khuẩn dịu nhẹ, bôi các nốt phỏng bằng các dung dịch sát khuẩn betadin, xanh methylen, uống đủ nước, dinh dưỡng đầy đủ dễ tiêu, tăng cường vitamin bằng hoa quả tươi và thường trẻ sẽ tự khỏi sau 1 tuần mắc bệnh.
Tuy nhiên, nhiều trường hợp có những dấu hiệu cảnh báo bệnh tay chân miệng chuyển sang độ nặng như: sốt cao liên tục, không kiểm soát được nhiệt độ dù đã được dùng thuốc hạ nhiêt, mệt mỏi li bì, giật mình cả khi thức lẫn khi ngủ, quấy khóc liên tục bất thường. Lúc này trẻ cần được đưa đến các cơ sở y tế uy tín để được điều trị.
Ngoài ra một số lưu ý khác được nhiều chuyên gia y tế khuyến cáo, khi trẻ bị nhiễm tay chân miệng phải cần được uống nhiều nước và dùng các thuốc điều trị triệu chứng như: hạ sốt, giảm đau do các vết loét. Cũng có thể giảm nguy cơ lây nhiễm bằng các biện pháp vệ sinh chặt chẽ và can thiệp y tế kịp thời khi trẻ có các triệu chứng bất thường báo hiệu diễn biến nghiêm trọng.
Các biện pháp phòng tránh tay chân miệng
Hiện nay chưa có vacccine phòng bệnh và thuốc đặc trị bệnh tay chân miệng. Do đó, việc vệ sinh đúng cách đặc biệt là trẻ nhỏ đang được xem là cách duy nhất và hiệu quả nhất để phòng tránh bệnh tay chân miệng. Đặc biệt là phụ huynh đanh có con nhỏ thì càng phải đạng biệt chú ý, bao gồm:
Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn cùng với trẻ nhỏ), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.
Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.