Bé M. nhập viện trong tình trạng suy hô hấp nặng, da xanh tím, máu có màu nâu do “hội chứng baby blue”.
Chiều 23/9, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết, bệnh viện vừa cứu sống bé N.B.M. (2 tháng tuổi, ngụ Long An) hấp thụ quá nhiều nitrite gây ngộ độc chất methaemoglobineamia hay còn gọi là “hội chứng baby blue”.
Theo đó, bé M. nhập viện trong tình trạng da xanh tím, suy hô hấp nặng, phải thở máy thông số cao, định lượng nồng độ methemoglobinemia lớn hơn 30% (methemoglobin mang oxy theo dòng máu nhưng không vận chuyển đến các tế bào dẫn đến tình trạng không đủ oxy cung cấp cho các tế bào).
Qua khai thác bệnh sử, các bác sĩ nghi ngờ bé M. bị ngộ độc nitrite nên đã thực hiện các xét nghiệm độc tố. Kết quả cho thấy lượng methemoglobinemia trong hồng cầu lớn. Ngay lập tức, bé được truyền methylene xanh để giải độc. Gần 2 tuần bài trừ độc tố, hiện bé đã ổn định sức khỏe và tiếp tục được theo dõi, điều trị viêm phổi tại Khoa Hô hấp của bệnh viện.
BS CKII Lê Vũ Phượng Thy – Trưởng khoa Hồi sức tích cực, chống độc của bệnh viện cho biết, trẻ bị nhiễm độc có thể do uống nước ô nhiễm hoặc nước củ dền, nước hoa quả để qua đêm. Trẻ ngộ độc có da chuyển màu xanh, môi tím, máu có màu nâu sữa.
Theo bác sĩ Thy, dù y văn không có bằng chứng độc tố truyền qua sữa mẹ, nhưng yếu tố nguy cơ mẹ ăn củ dền suốt mấy tháng thai kỳ và sau sinh là điểm nhấn khiến các bác sĩ nghĩ ngay đến bệnh này.
Về lý do trẻ sơ sinh dễ bị ngộ độc nitrite, bác sĩ Thy chia sẻ, vì các bé có độ pH trong dạ dày cao hơn so với trẻ lớn hơn hoặc người lớn, dẫn đến sự gia tăng của vi khuẩn và chuyển đổi nitrate thành nitrite.
Trẻ dưới 6 tháng tuổi có nồng độ fetal hemoglobin (loại hemoglobin có trong bào thai, khác với hemoglobin ở người trưởng thành) cao hơn, nên dễ bị oxy hoá bởi nitrite. Cơ thể các bé cũng ít có khả năng khử methemoglobin về trạng thái bình thường như người lớn.
Theo Viện Nhi khoa Mỹ (AAP) các thực phẩm có chứa rau được chuẩn bị tại nhà nên tránh cho trẻ dưới 3 tháng tuổi hoặc bé lớn hơn dùng để phòng tránh ngộ độc methaemoglobineamia.
AAP cũng kết luận, trẻ sơ sinh bú sữa mẹ không có nguy cơ bị ngộ độc nitrite, thậm chí khi cơ thể mẹ hấp thụ lượng nitrate cao. Các hiệp hội lớn cũng khuyến cáo ngoài sữa mẹ, sữa công thức đúng chỉ định, trẻ em trước độ tuổi tập ăn dặm không cần bổ sung bất kỳ loại nước uống nào để tránh ngộ độc xảy ra.