Nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng tự tử ở trẻ vị thành niên là lo âu, trầm cảm. Đây là độ tuổi rất nhạy cảm do những thay đổi về tâm sinh lý.
Giận cha mẹ, con trẻ tự tử
Ngày 29/9, bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM) cho biết vừa cứu kịp thời bé gái T.T.L.Q. (11 tuổi, ngụ tỉnh Tiền Giang) uống thuốc ngủ tự tử. Thời điểm nhập viện, bé Q. hôn mê, chức năng gan thận bị ảnh hưởng bởi độc chất liều cao của thuốc ngủ.
Sau nhiều lần tra tên thuốc dựa theo gợi nhớ của gia đình và thực hiện các xét nghiệm định tính máu và nước tiểu, các bác sĩ xác định dạng thuốc ngủ bé Q. uống có hoạt chất từ phenobarbital – thuốc ức chế thần kinh và chống co giật thường gặp.
Chia sẻ với các bác sĩ, bé Q. cho biết bản thân rất buồn vì cha mẹ không tổ chức sinh nhật và em gái út được thương nhiều hơn. Ở trường, bé bị các bạn chọc ghẹo và cô lập. Trong lúc chán nản, bệnh nhi đã mua hộp thuốc ngủ với giá 700.000 đồng bằng tiền tiêu vặt để dành.
Đây không phải trường hợp đầu tiên trẻ uống thuốc ngủ, trừ sau để tự tử. Vào tháng 7/2020, một bé nam 13 tuổi ở Hậu Giang đã uống thuốc trừ sau để tự tử và được đưa đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.
Theo gia đình, do giận cha không mua cho điện thoại khi vừa kết thúc năm học như đã hứa, bệnh nhi uống thuốc trừ sâu Pertrang 55.5 EC (Cypermethrin + Chlorpyrifos Ethyl). Em cho biết bản thân đã uống khoảng 200 cc thuốc trừ sâu.
Cuối tháng 6/2020, một bé gái 13 tuổi tự tử bằng cách uống thuốc trừ sâu. May mắn, bệnh nhi được phát hiện sớm và đưa đến bệnh viện để cấp cứu kịp thời.
Sự việc xảy ra trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, bệnh nhi theo học chương trình online của nhà trường nên thường xuyên ở nhà. Ngoài thời gian học, bé hay vào mạng xem phim ảnh và mạng xã hội. Vì vậy, mẹ bé lo lắng và yêu cầu con phải thường xuyên mở cửa phòng để mọi người giám sát.
Bệnh nhi cảm thấy đau đớn về thể xác và tinh thần, tủi thân khi những người thân trong gia đình không chia sẻ với mình. Vì vậy, bé đã mua thuốc trừ sâu uống để tự tử.
Cách nào để ngăn ngừa trẻ tự tử?
Vietnamnet dẫn chia sẻ của PGS.TS tâm lý Trần Thành Nam, Trường Đại học giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, trước khi đưa ra những quyết định, trẻ sẽ có những biểu hiện như: mất hứng thú với mọi hoạt động; mất năng lượng và thu mình lại; thay đổi nhịp ăn ngủ…
Ngoài ra, cha mẹ cũng cần rất chú ý đến các câu nói, biểu hiện hành vi nguy cơ dẫn đến tự tử. Những câu nói như “thà chết đi còn hơn”, “chẳng còn quan trọng gì” hay những hành động thu xếp, trả ơn bố mẹ; cho đi những vật quý… đều phải được nhìn nhận với con mắt thận trọng.
Chung quan điểm này, TS Vũ Thu Hương – giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, nếu cha mẹ phát hiện trẻ có ý định tự tử, để ngăn chặn kịp thời, điều cần thiết là ở bên con ngay lập tức. Thay vì trách móc, cha mẹ hãy nói chuyện để con bỏ ý định xấu.
Đối với trường hợp con tự tử không thành bởi sự can thiệp của những người xung quanh, sau một thời gian, cha mẹ cần cần khuyến khích để con đề cập nguyên nhân, hành động, từ đó tháo gỡ tận gốc rễ.
Ngoài ra, cha mẹ cũng cần thay đổi cách giáo dục và cư xử để con cảm nhận được mọi điều tốt đẹp và yêu cuộc sống. Cho các bé tham gia nhiều hoạt động như thể thao, sinh hoạt tập thể, hoạt động xã hội để thấy cuộc đời nhiều ý nghĩa.
Trả lời phỏng vấn Đài KING5, Lauren Davis, chuyên gia người Mỹ về phòng chống tự tử, cho biết: “Tỷ lệ tự tử cao rơi vào thanh thiếu niên ở độ tuổi 12 – 14. Các em trải qua thời kỳ tâm lý bất ổn, dễ suy sụp và lựa chọn cách giải quyết tiêu cực. Nguyên nhân tự tử thường là kết quả học tập không như mong muốn và bị bạn bè bắt nạt hoặc cô lập ở trường. Vì thế, phụ huynh, giáo viên cần quan tâm các em, phát hiện kịp thời những dấu hiệu của ý định tự tử.
Ngoài ra, các bậc cha mẹ không nên quá chủ quan khi thấy con có kết quả học tập tốt. Nhiều em chịu áp lực lớn từ gia đình, luôn nỗ lực để thành công theo ý bố mẹ. Áp lực tâm lý ngày càng tăng dẫn đến bệnh trầm cảm. Căng thẳng kéo dài, chỉ cần một chuyện nhỏ cũng có thể gây tác động lớn khiến các em tự tử”.