Sau khi cúng tất niên, lễ cúng giao thừa được thực hiện vào nửa đêm 30, rạng sáng mùng một Tết.
Vì sao cúng đêm giao thừa?
Theo nhà nghiên cứu Minh Đường nhấn mạnh lễ giao thừa là lễ quan trọng nhất trong dịp Tết Nguyên đán. Đó là lễ dâng hương vào giây phút chuyển giao giữa giờ khắc cuối cùng (giờ Hợi) của năm cũ và giờ khởi đầu (giờ Tý) của năm mới.
Người ta tin rằng mọi điềm hay, dở xảy ra vào giây phút này có liên quan tới mọi sự hay, dở của tất cả thành viên gia đình trong năm mới. Trong giây phút thiêng liêng ấy, mọi người đều quên đi tất cả những điều không hay trong năm cũ. Mọi sự kiêng kỵ được thực hiện triệt để từ giây phút giao thừa tới sáng sớm mùng 1 Tết.
Người Việt xưa tin rằng mỗi năm có một vị thần Hành khiển coi việc nhân gian gọi chung là Đương niên chi thần, ngoài ra, mỗi vị có tên riêng với vương hiệu và có một vị phụ tá là Phán quan. Mười hai vị Hành khiển luân phiên từ năm Tý đến Hợi. Sau khi hết lượt mười hai năm, năm Tý quay trở lại với vị Hành khiển của năm ấy.
Lễ cúng giao thừa được chia làm 2 phần chính: Cúng giao thừa ngoài trời và trong nhà. Riêng nghi lễ cúng giao thừa ngoài trời quay về hướng nào, tại sao không thể thiếu gạo muối là điều mà không phải ai cũng biết.
Lễ giao thừa hay còn gọi là lễ Trừ Tịch được tiến hành vào thời khắc kết thúc năm cũ và chuyển sang năm mới.
Thời khắc giao thừa 2019 rơi vào đúng giờ Tý (23h-1h), chuyển giao giữa năm cũ (đêm 30) và chuyển sang năm mới (sáng mùng 1 Tết).
Muối gạo cúng đêm giao thừa
Tùy theo phong tục tập quán của các địa phương mà việc sắm lễ vật, chuẩn bị mâm cỗ cúng giao thừa ngoài trời khác nhau.
Tuy nhiên, đa phần có gạo và muối là 2 thứ không thể thiếu trên mâm cỗ cúng giao thừa. Sau khi cúng xong, nhiều nơi rắc gạo muối quanh nhà.
Lý giải điều này là do đây là 2 vật phẩm luôn gắn liền với cuộc sống của con người.
Nếu như gạo là thực phẩm chính của con người thì muối lại tham gia vào việc điều chỉnh độ chứa nước của cơ thể (cân bằng chất lỏng). Vị mặn của muối cũng là một trong những vị cơ bản.
Ngoài ra, có quan niệm cho rằng, gạo và muối là một vật phẩm phong thủy mang lại may mắn, sức khỏe và tài lộc cho con người.
Bởi thế dân gian mới có câu: “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”. Trên mâm cỗ cúng giao thừa ngoài trời không thể thiếu gạo muối là điều dễ hiểu.
Bài văn khấn cúng giao thừa ngoài trời
Dưới đây là bài văn khấn giao thừa ngoài trời đúng chuẩn văn khấn cổ truyền Việt Nam.
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Kính lạy :
– Đức Đương lai hạ sinh Di Lặc Tôn Phật
– Hoàng Thiên, Hậu Thổ, chư vị Tôn Thần.
– Ngài Cựu Niên Sở Vương hành khiển, Biểu Tào phán quan.
– Tân niên Ngô Vương hành khiển; Hứa Tào phán quan năm………
– Bản xứ Thổ địa phúc đức chính thần, Ngũ phương long mạch điền chủ tiếp dẫn tài thần
Nay là phút giao thừa giữa năm …(VD: Ất Mùi) và năm… (VD: Bính Thân).
Chúng con là…………….., Tuổi:………..
Ngụ tại ………………………………………….
Phút thiêng giao thừa vừa tới, năm cũ qua đi, đón mừng năm mới, tam dương khai thái, vạn tượng canh tân. Nay Ngài Thái Tuế tôn thần trên vâng lệnh Thượng Đế giám sát vạn dân, dưới bảo hộ sinh linh tảo trừ yêu nghiệt. Quan cũ về triều đế khuyết, lưu phúc lưu ân. Quan mới xuống thay, thể đức hiếu sinh, ban tài tiếp lộc. Nhân buổi tân xuân, tín chủ chúng con thành tâm sửa biện hương hoa phẩm vật, nghi lễ cung trần, dâng lên trước án. Cúng dâng Phật Thánh, dâng hiến Tôn Thần, đốt nén tâm hương, dốc lòng bái thỉnh.
Chúng con kính mời: Ngài Cựu niên Đương cai, Ngài Tân niên Đương cai Thái Tuế Chí đức Tôn thần, Ngài Bản cảnh Thành Hoàng, Chư vị Đại Vương, Ngài Bản xứ Thần Linh Thổ Địa, Phúc Đức Chính Thần, các Ngài Ngũ phương, Ngũ thổ, Long mạch Tài Thần, Bản gia Táo Quân và chư vị Thần Linh cai quản ở trong xứ này. Cúi xin giáng lâm trước án thụ hưởng lễ vật.
Nguyện cho tín chủ: Minh niên khang thái, trú dạ cát tường. Thời thời được chữ bình an, gia đạo hưng long thịnh vượng.
Giãi tấm lòng thành, cúi xin chứng giám.
Nam mô Bồ tát Ma ha tát đại chứng minh.
(Lạy 3 lạy)
Bài viết chỉ mang tính chiêm nghiệm!
Trúc Chi t/h