Một căn phòng nhỏ ngập tràn sắc hoa giữa Thủ đô chính là nơi nuôi dưỡng những xúc cảm nghệ thuật, hô biến muôn loài hoa rực rỡ từ đất sét qua đôi tay khéo léo.
Bàn tay tài hoa của nữ nghệ nhân “gửi tình yêu vào đất”
Tìm đến xưởng Bee Clay Flowers, chúng tôi cảm nhận rõ sự khác biệt với không khí ồn ào, náo nhiệt giữa Thủ đô, căn phòng chỉ vỏn vẹn khoảng 20m² được phủ đầy sắc hoa bởi những đôi tay khéo léo và cần mẫn làm việc một cách tỉ mỉ. Nếu không được chị Lê Thanh Trà (nghệ nhân sáng lập xưởng Bee Clay Flowers) giới thiệu từ trước, ít ai có thể nghĩ những đóa hoa hồng, hoa lan, mẫu đơn, hay cẩm tú cầu… mềm mại, với màu sắc hài hòa, duyên dáng, đang được trưng bày tại đây lại được làm từ… đất sét.
Nhắc đến cơ duyên với công việc tạo hình hoa đất sét, nữ nghệ nhân nhớ lại: “Năm 2007, tôi tình cờ bắt gặp tình yêu với hoa đất sét trong một chuyến công tác nước ngoài. Khi đó, tôi có cơ hội tham dự một buổi workshop tạo hình hoa đất sét và chỉ sau 2 tiếng, tôi cũng bất ngờ khi làm theo hướng dẫn của các nghệ nhân, bản thân có thể tạo được những sản phẩm khá bắt mắt. Tôi thầm yêu thích công việc tỉ mỉ này, nhưng khi trở về Việt Nam, lại không biết phải bắt đầu từ đâu.
Đến năm 2010, tôi mới có điều kiện tiếp xúc với những nghệ nhân chuyên nghiệp, nói chuyện và chia sẻ về tạo hình hoa đất sét. Từ đó, tôi nhen nhóm ý tưởng về một công việc nghiêm túc và dài lâu, nhận thấy mình vẫn “chưa hết duyên”, tôi vẽ tiếp niềm đam mê đang dang dở”.
Ngừng lại một chút, bà chủ nhỏ của xưởng đất sét bày tỏ: “Theo đuổi niềm đam mê nghệ thuật mới, ở Việt Nam, chưa được nhiều người biết đến, tôi cũng gặp không ít khó khăn. Và trở ngại đầu tiên mà tôi vấp phải, chính là thiếu kiến thức, khi đó, tôi phải mày mò, học hỏi trên các diễn đàn quốc tế thông qua mạng xã hội, để tự chắt lọc và sáng tạo. Tôi phải tự tìm kiếm loại đất sét phù hợp, không quá cứng hoặc quá mềm, để tạo hình đẹp mà không bị đứt gãy.
Khó khăn tiếp theo là sau khi tạo hình hoa đất sét, khí hậu nóng ẩm của Việt Nam rất dễ khiến hoa bị bay màu, hay bị bám bụi, ẩm mốc,… tôi lại tiếp tục trăn trở, tìm ra loại đất sét phù hợp để bảo quản những “đứa con tinh thần” được lâu bền nhất”.
“Đây là môn nghệ thuật có nguồn gốc từ Nhật Bản, đòi hỏi sự quan sát tinh tế và sự sáng tạo, khéo léo. Dụng cụ và nguyên liệu để làm hoa đất khá đơn giản, ngoài đất sét, đôi khi, chỉ cần một cái tăm, cái kéo… nhưng quan trọng nhất vẫn là sự khéo léo và tỉ mỉ của những đôi tay.
Cốt lõi của mỗi bông hoa đất làm ra phải thể hiện đúng thần thái của từng loại hoa. Công đoạn khó nhất khi hoàn thiện những tác phẩm hoa đất chính là cách phối màu ở các bộ phận. Khi bắt đầu làm loại hoa nào, tôi thường phải mua hoa thật về, bóc từng lớp cánh hoa, soi từng đường gân lá, để nghiên cứu cấu tạo, sau đó, chọn và pha màu đất sét cho thật giống để tạo hình tự nhiên nhất. Đến khi tác phẩm đã hoàn thiện, thì việc lựa chọn chiếc bình, chiếc chậu nào để trưng hoa cho phù hợp, cũng là một “bài toán” không phải ai cũng làm tốt” – vừa hoàn thiện những công đoạn cuối của một chậu bonsai đào mini, chị Trà vừa chia sẻ.
Nâng tầm đất sét thành tranh nghệ thuật 3D
Không dừng lại ở những bình hoa rực rỡ sắc màu và đầy sức sống như những đóa hoa tươi, từ khối đất sét mộc mạc, qua bàn tay khéo léo, nghệ nhân Lê Thanh Trà còn sáng tạo nên một dòng tranh độc đáo và ấn tượng, đó là tranh đất sét nghệ thuật 3D.
Thoạt nhìn có vẻ đơn giản, nhưng cần đến ít nhất 30 công đoạn để hoàn thành một bức tranh hoa đất nghệ thuật, từ trộn đất, pha màu đất sét thành nhiều cấp độ màu sắc khác nhau, tạo dáng thủ công từng bông hoa để có được vẻ đẹp tự nhiên nhất; đến công đoạn gắn hoa lên phôi tranh đã vẽ sẵn, tạo độ bóng cho tranh… Sau khi gắn hoa đất lên tranh, sản phẩm sẽ được vẽ lại một lần nữa để tranh và hoa tiệp màu với nhau. Cuối cùng là lên khung tranh. Tất cả đều được làm bằng tay, cầu kỳ và tỉ mỉ trong từng chi tiết nhỏ.
“Việc tạo nên những bức tranh sinh động bằng hoa đất sét và lồng khung cũng chính là một trong những giải pháp hữu hiệu để bảo quản những bông hoa đất khỏi bụi bẩn và ẩm mốc. Xuất phát từ suy nghĩ đó, tôi bắt đầu sáng tạo những bức tranh 3D.
Trước đây, tôi từng theo đuổi tranh thêu chữ thập, nên cũng có sẵn chút ít “vốn liếng” về phối màu cho tranh, nhưng khi chuyển thể từ tranh 2D sang 3D cũng là một thách thức không nhỏ. Làm thành công những bông hoa đất riêng lẻ, nhưng công đoạn dùng loại phụ liệu như thế nào để gắn những bông hoa vào bức tranh 2D, để cho hoa nổi lên thành hình 3D một cách hài hòa, lại cần một khoảng trời sáng tạo không giới hạn…” – chị t
óm lược lại những khó khăn trong quãng thời gian sau 2 năm đầu tiên thử nghiệm sản phẩm mới tìm ra cách làm những bức tranh hoa đất của riêng mình.
Là người mở đầu cho một dòng tranh hoa đất nghệ thuật; chị Lê Thanh Trà đã gặp không ít trở ngại trên hành trình đưa tranh đến với khách hàng. Do đặc điểm là hàng thủ công; nên tranh không thể sản xuất hàng loạt với số lượng lớn.
Hiện tại, nghệ thuật làm hoa từ đất sét đang ngày càng phát triển ở Việt Nam và chiếm được cảm tình của người tiêu dùng bởi vẻ đẹp mới lạ, giống như thật mà giá cả phù hợp, thuận tiện bảo quản và sử dụng được lâu bền. Các sản phẩm từ đất sét được người tiêu dùng trưng bày, trang trí không gian sống, phòng làm việc, hoặc dùng làm quà tặng người thân… Bên cạnh đó, những tác phẩm này còn được nhiều cửa hàng xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới như Nhật, Australia, Canada…
Đó cũng chính là lý do khiến xưởng đất sét của chị Lê Thanh Trà ngày càng “hút khách”. Đặc biệt, những ngày “cận Tết”, gian xưởng nhỏ dường như không ngớt khách đến lựa chọn những chậu bonsai mini với đào, mai, lê và quất, đủ hình dáng, kích thước.
Không chỉ là điểm đến của những khách hàng yêu nghệ thuật, xưởng đất sét của nghệ nhân Lê Thanh Trà còn trở thành lớp học lan tỏa tình yêu với bộ môn này. Hằng tuần, mỗi học viên đến với lớp học chỉ cần qua một vài tiếng là đã có thể tham gia vào những bước cơ bản để tạo nên một tác phẩm hoa đất sét hài hòa.
Sau nhiều năm theo đuổi đam mê, ngoài sự tin yêu của khách hàng, thành tựu của người nghệ nhân với thân dáng mảnh mai này còn phải kể đến việc tự làm ra được đất sét phù hợp, chủ dộng nguồn nguyên liệu cho sản xuất, không còn phụ thuộc vào nguồn hàng nhập từ nước ngoài.
Đó cũng là niềm tự hào của chị: “Tự lực trong sản xuất nguyên liệu, những tác phẩm mới ở xưởng đất sét của tôi vẫn không bị ngưng trệ do thiếu đất sét trong suốt thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tôi có thật nhiều thời gian để “đắm chìm” với những tác phẩm của mình, nhưng cũng không quá o ép bản thân, nghệ thuật cần được yêu khi tâm hồn thoải mái nhất, mới có thể thăng hoa!”.
Ấp ủ làng nghề tạo hình đất sét tại Việt Nam
Xem thêm: Một số tác phẩm hoa từ đất sét của nghệ nhân Thanh Trà: