Các thị trấn một thời phát triển thịnh vượng đã trở nên hoang phế do những biến cố khác nhau.
Kayakoy, Thổ Nhĩ Kỳ: Bị bỏ hoang từ năm 1923, thị trấn Kayakoy được lựa chọn làm bối cảnh cho bộ phim The Water Diviner với sự tham gia của diễn viên Russell Crowe vào năm 2014.
Mới đây, các nhà chức trách địa phương đã công bố kế hoạch phát triển lại thành phố bỏ hoang này.
Craco, Italia: Do điều kiện canh tác nông nghiệp khắc nghiệt cùng với lở đất, lũ lụt và động đất, thị trấn vùng núi này hiện đã trở thành vùng đất hoang. Mặc dù vậy, nó trở thành bối cảnh cho nhiều bộ phim như Cuộc khổ nạn của Chúa và Định mức khuây khỏa.
Kolmanskop, Namibia: Cách thành phố cảng Lüderitz vài km, Kolmanskop đã trở thành một thị trấn khai thác mỏ tấp nập sau khi công nhân tên Zacharias Lewala phát hiện kim cương ở đây vào năm 1908. Nhưng nó đã rơi vào quên lãng trở nên hoang phế vào năm 1954 khi nguồn kim cương cạn kiệt.
Oradour-sur-Glane, Pháp: Đây từng là thị trấn thanh bình với những lâu đài cổ, đồng cỏ rộng lớn và rừng xanh tốt. Nhưng cuộc thảm sát vào tháng 10.1944 đã khiến 642 người thiệt mạng, trong khi những người dân sống sót cũng chạy trốn khiến thị trấn bị bỏ hoang.
Epecuén, Argentina: Trận lụt kinh hoàng vào năm 1985 đã nhấn chìm và phá hủy thị trấn Epecuén, khiến toàn bộ cư dân phải sơ tán và biến nơi đây thành một biển nước. Cho đến năm 2009, toàn thị trấn vẫn bị ngập dưới 9m nước.
Belchite, Tây Ban Nha: Đây là địa điểm diễn ra cuộc chiến ác liệt vào năm 1937 giữa quân đội của Tướng Franco và quân Cộng hòa Tây Ban Nha. Một ngôi làng mới được xây dựng vài năm sau đó không xa thị trấn cũ bị bỏ hoang.
Prypiat, Ukraine: Được xây dựng vào năm 1970, thị trấn Prypiat từng là nơi sinh sống của các công nhân làm việc tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl. Nhưng nó đã bị bỏ hoang từ năm 1986 khi thảm họa hạt nhân xảy ra. Ngay nay, du khách bắt đầu trở lại để tham quan bể bơi, lớp học hay những ngôi nhà hoang phế ở đây.
Okpo Land, Hàn Quốc: Giống như một công viên giải trí bỏ hoang hơn là thị trấn “ma”, Okpo Land đã phải đóng cửa sau khi 2 tai nạn gây chết người xảy ra tại đây vào những năm 1990.
Tyneham, Anh: Năm 1943, thị trấn được quân đội Anh sử dụng làm trường bắn cho các tân binh. Người dân địa phương được phép trở lại nhà của họ sau khi chiến tranh kết thúc. Nhưng người dân bị ép buộc phải mua đất, nên không ai trở lại nơi đây và nó trở thành một thị trấn hoang.
Rhyolite, Mỹ: Rhyolite từng là một thị trấn phát triển bùng nổ khi cơ sốt tìm vàng bắt đầu ở đây vào năm 1904. Nhưng thị trấn tụt dốc nhanh không kém lúc bùng nổ. Năm 1916, nơi đây bị bỏ hoang khi những mỏ quặng trống rỗng. Ngày nay, Rhyolite được nhắc đến như thị trấn ma trong những giấc mơ.
Hallsands, Anh: Những thách thức thiên nhiên đã khiến thị trấn Hallsands trên bờ biển vùng Devon trở nên hoang phế. Năm 1900, một phần của tường chắn sóng đã bị cuốn ra biển và vào năm 1917gió mạnh và thủy triều khiến người dân không thể sinh sống ở đây.
Humberstone, Chile: Humberstone là một thị trấn sầm uất vào thế kỷ thứ 19, rồi suy tàn vào đầu thế kỷ 20 trước khi trở nên bỏ hoang hoàn toàn vào năm 1960. Gần 50 năm sau, nơi đây được công nhận là di sản thế giới.
Chaiten, Chile: Khi một ngọn núi lửa gần đó hoạt động vào tháng 5.2008, toàn bộ người dân tại thị trấn Chaiten được sơ tán. Thị trấn sau đó bị bao phủ bởi dòng dung nham và khiến sông Blanco vỡ bờ. Kế hoạch tại định cư và đền bù cho người dân ở đây vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi.
Arltunga, Australia: Thị trấn này được xây dựng dành cho những người khai thác vàng, nhưng môi trường độc hại đã cướp đi nhiều sinh mạng của cư dân ở đây. Ngày nay, thị trấn trở thành một địa điểm đáng sợ với những khu mỏ hoang và nghĩa trang lạnh lẽo.
Silverton, Australia: Silverton từng là một thị trấn khai thác mỏ nhộn nhịp vào nửa cuối thế kỷ 19. Khi nguồn tài nguyên cạn kiệt, nơi đây được cải tạo thành khu giải trí nhưng không thu hút được nhiều du khách. Một số bộ phim đã sử dụng nơi đây làm bối cảnh.
Bodie, Mỹ: Thị trấn Bodie từng khu khai thác mỏ với 2.000 tòa nhà và hơn 7.000 sinh sống. Nhưng khi ngành công nghiệp khai thác mỏ suy giảm, thị trấn này dần vắng bóng người và trở nên hoang phế vào những năm 1940.
Kangbashi, Nội Mông: Các nhà chức trách dự định dây dựng thành phố hiện đại này dành cho khoảng 1 triệu người. Nhưng cách đây vài năm, một bài báo trên tờ Time tiết lộ chỉ khoảng 20.000 đến 30.000 người sinh sống ở đây.
Đảo Hashima, Nhật Bản: Đây là khu mỏ khai thác than từ năm 1887 đến 1974, với dân số lúc đỉnh điểm lên tới 5.259 người vào năm 1959. Sau khi xăng được sử dụng thay thế than ở Nhật Bản vào những năm 1960, đảo Hashima bị bỏ hoang hoàn toàn.
Varosha, Đảo Síp: Varosha từng là địa điểm du lịch hấp dẫn trước khi Thổ Nhĩ Kỳ xâm chiếm Đảo Síp. Các cư dân ở Varosha phải bỏ chạy và không bao giờ trở lại, khiến các khách sạn và bãi biển ở đây bị bỏ hoang.
Theo Dân Việt