Cồn Sơn nằm giữa sông Hậu với không gian yên tĩnh được bao bọc bởi bốn bề sông nước. Người dân chân tình, giản dị, mang tính cộng đồng rất cao nên đông đảo du khách tìm đến đây.
Ở cồn Sơn (phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy), người dân chỉ đi bộ, xe đạp hoặc bơi xuồng, nhà này cách nhà kia khá xa. Ðường bê tông lẫn đường đất và cầu khỉ giữa mướt xanh hoang sơ trên bờ, dưới nước. Diện tích cồn khoảng 70 ha, có 20 ha ao nuôi cá, còn lại vườn cây trái quanh năm.
Ðẹp ở tình người
“Hôm nay có đoàn khách trên 200 người đặt ăn buffet bánh dân gian. Bây giờ làm du lịch đã lắm, không còn lo lắng như trước. Hiện tại trung bình mỗi ngày kiếm vài trăm ngàn sống khỏe re”, bà Bảy Muôn, nhà vườn ở cồn Sơn, nói.
Bà Bảy Muôn kể, khoảng giữa năm 2015, được chính quyền địa phương vận động làm du lịch nhưng lúc đó chất lúa đặc sệt nên mắc cỡ. “Lần đầu đem dĩa bánh ra bàn cho khách để xuống bàn kêu cái “rổn”, khách trố mắt nhìn, rồi tôi nhanh chân lẻn vô nhà sau trốn, nhưng may khi đó có các chị làm du lịch động viên rồi từ từ quen”, bà Bảy Muôn nhớ lại lần đầu phục vụ. Bà nói tiếp: “Từ nhỏ đến giờ ở quanh quẩn trên cồn chứ có đi đâu xa, hơn nữa ăn thì chỉ có trong nhà, cùng lắm là hàng xóm đến chơi mỗi khi đám tiệc, chứ đâu có tiếp nhiều khách lạ”.
Chị Phan Thị Kim Lợi là Bí thư chi đoàn khu vực 1. Nhà chị Lợi cũng làm du lịch ở cồn Sơn. Chị Lợi tự tin: “Ở cồn còn hoang sơ, người dân chân tình, giản dị và mang tính cộng đồng rất cao. Ðó chính là sự khác biệt để thu hút khách so với nhiều nơi khác”. Chị dẫn chứng, tính cộng đồng thể hiện ở chỗ khi khách đến ăn tại nhà dân, không phải một nhà làm ra đủ các món mà mỗi nhà làm một món rồi mang đến. Nhà chị Lợi nấu lẩu cua đồng, cá lóc nướng chui; nhà vườn Năm Công nấu lẩu ốc, bồ câu nước dừa; nhà vườn Cô Ba nấu chao; Cô Tám làm bánh xèo, bánh khọt… Ðến nay đã có gần 20 gia đình hợp tác với nhau, phát huy thế mạnh từng nhà để phục vụ theo đơn hàng.
Một trong những người sáng lập du lịch Cồn Sơn, nghệ nhân bánh dân gian Lê Thị Bé Bảy, nói rằng, Cồn Sơn nằm giữa sông Hậu nhưng còn mang nét Nam bộ xưa, nơi mang giá trị tâm hồn, sự yêu thương, đoàn kết đến với du khách. “Nơi đây còn hội tụ cách sống yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, câu nói mộc mạc “Chèn ơi” gắn kết nhau đã tạo nên một cồn Sơn không thể lẫn vào đâu được”, nghệ nhân Bảy nói. Theo bà Bảy, du lịch cồn Sơn là mắt xích của nhau, không thể thiếu bè cá của ông Bảy Bon, bánh dân gian bà Bảy. Nếu có bánh của bà Bảy thì không thể thiếu được món cá tai tượng của bà Năm…
Ðến cồn Sơn, khách nghe toàn giọng Nam bộ xưa của người dân “Í chèn ơi, mới qua đó hả, ăn uống gì chưa”. Bà Loan, chủ cửa hàng ẩm thực ở California (Mỹ), trong lần đến cồn Sơn cảm thấy thú vị khi nghe lại câu này. Bà cho biết, mấy chục năm trở về quê hương mới có cảm giác thoải mái, yên bình khi về với ruộng đồng, vườn cây và tình người ở đây. “Ðó là cách mình đang bán cảm xúc cho người tiếp nhận. Chính điều đó mới giữ khách đến cồn Sơn”, nghệ nhân Bảy nói rồi dẫn chứng có lần cô Natali người Colombia hay anh Việt kiều New Zealend đến cồn Sơn ngủ lại và tìm hiểu cuộc sống, trải nghiệm làm bánh, sinh hoạt… cùng người dân. Sau đó, mỗi lần đi công tác đến Cần Thơ, hai người lại đến cồn Sơn. “Cồn Sơn không đẹp như người ta tưởng mà đẹp ở tình người. Hơn nữa, chỉ có con người mới kéo họ đến nhiều như thế chứ chỉ đẹp về thiên nhiên thì họ đến một lần là thôi”, nghệ nhân Bảy nói.
Bản sắc sông nước
Nhà báo Vũ Thống Nhất, Phó chủ tịch Hội Nhà văn TP Cần Thơ, nói rằng, muốn có văn minh đô thị sông nước, Cần Thơ cần đặc biệt quan tâm bảo tồn, phát huy hồn sông nước. Ðó chính là cồn. “Mất cồn là mất bản sắc sông nước Cần Thơ”, ông Nhất nói. Theo ông, đô thị Cần Thơ rất đặc biệt, ngoài khoảng 60 km chiều dài sông Hậu chảy qua, còn có nhiều cồn đất lớn: cồn Tân Lộc, cồn Sơn, cồn Khương, cồn Cái Khế, cồn Ấu. Ðó là “báu vật sông nước” của Cần Thơ. “Giá trị của nó từng được một nhà đầu tư Nhật thốt lên sau khi tham quan “Chỉ cần bán không khí cũng hốt bạc”, nhà báo Nhất nói.
Cuộc sống của người dân trên các cồn đều rất yên bình, bà con sống nhân nghĩa, mến khách. Sự ôn hòa cứ truyền hết đời này sang đời khác. Hơn nữa, ý thức sinh tồn biệt lập giữa mênh mang sông nước đã làm cho con người gắn bó, đùm bọc nhau. Cồn là nơi lưu giữ rõ nét nhất, cụ thể nhất văn minh sông nước miệt vườn, điển hình như kỹ thuật lên liếp làm vườn, nuôi cá trên bè. “Cồn Sơn khác hẳn những nơi khác là ở chỗ tính cộng đồng cao. Ðiển hình khi phục vụ bữa cơm cho khách thì nhiều gia đình cùng mang đến, mỗi người mỗi món. Ðó chính là cái hồn của cồn Sơn”, nhà báo Nhất nhấn mạnh.
Soạn giả Nhâm Hùng, nguyên Phó giám đốc Nhà hát Tây Ðô, nhà nghiên cứu văn hóa Nam bộ, nói rằng, sản phẩm ở cồn Sơn là kết quả của quá trình liên kết gắn bó trên tinh thần tình làng nghĩa xóm của nhiều hộ dân. “Họ cùng nhau gìn giữ giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa, văn minh miệt vườn sông nước”, soạn giả Nhâm Hùng cho biết.
Theo ông, Cồn Sơn tiêu biểu cho hệ sinh thái đặc trưng của sông Hậu nên bằng mọi cách phải bảo tồn. Ngoài ra, ngay cả người dân trên cồn làm du lịch cũng không nên can thiệp bằng bê tông hóa trên các con đường hay lối vào nhà. “Chính sự hoang dã, bùn lầy ở các con đường và chiếc cầu tre đã tạo nên một cồn Sơn giàu sức sống, thân thiện và chứa chan tình người”, soạn giả Nhâm Hùng nói.
Theo Hòa Hội/Tiền Phong