Nhiều quy định về lương hưu sẽ bị bãi bỏ từ ngày 1/1/2021 nếu chiếu theo Nghị định 135/2020/NĐ-CP Chính phủ vừa ban hành về tuổi nghỉ hưu của người lao động.
Theo đó, Điều 8 Nghị định 135/2020 nêu rõ, nhiều quy định liên quan đến lương hưu sẽ hết hiệu lực từ ngày 01/01/2021, cụ thể:
Một là, quy định về điều kiện hưởng lương hưu nêu tại Điều 6 Nghị định 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ;
Hai là, quy định về mốc tuổi để tính số năm nghỉ hưu trước tuổi làm cơ sở tính giảm tỷ lệ hưởng lương hưu tại khoản 3 Điều 7 Nghị định 115/2015;
Ba là, quy định về chế độ hưu trí với người lao động nêu tại khoản 2 Điều 11 Nghị định 115/2015;
Bốn là, quy định tại điểm a khoản 2 Điều 5 của Nghị định 134/2015 về điều kiện hưởng lương hưu của người tham gia BHXH tự nguyện;
Năm là, quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 8 Nghị định 33/2016/NĐ-CP về đối tượng và điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng của Quân nhân, Công an nhân dân;
Sáu là, quy định tại khoản 3 Điều 9 Nghị định 33/2016 về mốc tuổi để tính số năm nghỉ hưu trước tuổi làm cơ sở tính giảm tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu của Quân nhân, Công an nhân dân;
Cuối cùng, quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định 33/2016 về chế độ hưu trí với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ và sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật Công an nhân dân… trước đó có đóng BHXH tự nguyện.
Thông tin thêm, kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và cứ mỗi năm tăng thêm 04 tháng đối với lao động nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.