Cho rằng mình bị oan và không đồng tình với các quyết định đình chỉ “tréo ngoe” đó, ông Chuẩn liên tục làm đơn kêu oan và yêu cầu bồi thường oan sai gửi đến các cơ quan chức năng từ địa phương đến trung ương. Ông Chuẩn cũng có đơn gửi đến Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu giải oan cho ông.
“Chỉ khởi tố 1 tội nên không ảnh hưởng…”?
Ngày 19/10/2000, Trưởng Công an huyện Thốt Nốt trả lời đơn khiếu nại của ông Chuẩn và cho rằng việc khởi tố, bắt giam bị can là có căn cứ. Đáng lẽ, Công an huyện Thốt Nốt phải ra quyết định thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự, từ tội danh Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN sang tội danh Sử dụng trái phép tài sản XHCN thì mới đúng người, đúng tội.
Tiếp đến, ngày 27/9/2006, Viện trưởng VKSND huyện Thốt Nốt đã trả lời đơn yêu cầu bồi thường oan sai của ông Chuẩn với nội dung: “Việc khởi tố, bắt giam ông Chuẩn về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN là đúng. Sau đó, xét thấy không cần thiết truy cứu trách nhiệm hình sự nên đình chỉ. Việc đình chỉ tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN không đúng với tội danh đã khởi tố là sai tố tụng. Tuy nhiên, thời điểm đó ông Chuẩn chỉ bị khởi tố 1 tội nên không ảnh hưởng đến quyền lợi của ông”…
Từ một lãnh đạo xã trẻ tuổi có cơ hội phát triển, giờ ông Chuẩn đã già nua, bệnh tật phải làm thuê mưu sinh.
Trên cơ sở khiếu nại của ông Chuẩn cùng với nhiều đơn khiếu nại do các cơ quan chức năng chuyển đến, VKSND TP.Cần Thơ đã thận trọng xin chỉ đạo từ Vụ 3 – VKSND Tối cao. Sau đó, Vụ 3 có văn bản trả lời với nội dung: “Việc vay thóc còn chưa trả cho thấy việc khởi tố về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN theo quy định tại Bộ luật Hình sự năm 1985 là có căn cứ”.
“Tôi bị oan và không tham ô hay lạm dụng tín nhiệm”
Nhìn dáng người nhỏ thó, gầy gò, không ai có thể nghĩ rằng ông Chuẩn đã hàng chục năm miệt mài đi gõ cửa khắp nơi để tìm công bằng cho bản thân mình. Ông Chuẩn cho biết, ông quyết đi tìm sự thật cho đến hơi thở cuối cùng, bởi điều đó không chỉ giúp ông thanh thản lúc tuổi già mà còn cho con, cháu đời sau không phải mang điều tiếng. “Không chứng minh được hành vi phạm tội nên họ thả tôi về sau 2 tháng tạm giam. Tôi nhiều lần khiếu nại đến các cơ quan từ địa phương đến trung ương nhưng chưa được giải quyết thấu đáo”, ông Chuẩn ầng ậng nước mắt nói.
Hàng chục năm qua, ông Chuẩn vẫn miệt mài làm thuê kiếm tiền đi khiếu nại, giải oan cho bản thân mình.
Như để chứng minh rằng cơ quan điều tra Công an huyện Thốt Nốt đã làm không đúng khi dựa vào cáo buộc các sai phạm của ông như: Nợ công ty lương thực huyện Thốt Nốt 4,3 triệu đồng; nợ ngân hàng 3,7 triệu đồng, nợ thuế đất lúa khoảng 540 kg; nợ thuế đất hợp đồng 2,5 tấn lúa để khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt giam, ông Chuẩn cung cấp cho PV Người Đưa Tin Pháp Luật các phiếu thu chứng minh ông đã trả xong cho công ty lương thực trước thời gian bị khởi tố.
Riêng về khoản nợ thuế đất thời điểm đó, ông Chuẩn khẳng định, thuế xã chịu với tờ hợp đồng chứng minh ông vẫn còn lưu lại. “Tất cả các giấy tờ liên quan tới nợ, đến nay tôi vẫn còn lưu và cất giữ cẩn thận. Đối với phần nợ ngân hàng thì đây là trách nhiệm dân sự giữa tôi với ngân hàng. Mặt khác, thời điểm đó, phía ngân hàng và tôi chưa có một văn bản làm việc nào”, ông Chuẩn nói.
Nguyên thủ kho Chì Hoàng Việt.
Liên quan đến khoản nợ 23.020 kg lúa mà thủ kho Chì Hoàng Việt đã xuất cho ông Chuẩn mượn như báo cáo của VKSND TP.Cần Thơ nêu, PV đã tìm gặp được thủ kho Chì Hoàng Việt để tìm hiểu thêm thông tin. Tiếp xúc với PV vào ngày 4/7, ông Việt cho biết, đã gần 30 năm trôi qua, giờ ông 60 tuổi nhưng sự việc đó ông vẫn còn nhớ như in. Ông Việt khẳng định vào thời điểm đó ông Chuẩn đã thanh toán xong số lúa mượn nêu trên và chuyển sang tài chính xã.
Cũng theo ông Việt, lúc đó khi mở tủ ra thì các chứng từ đều bị mối mọt ăn hết nội dung, chỉ còn lại dấu mộc đỏ nên không biết số lượng là bao nhiêu. Khi cộng dồn lại các chứng từ bị mối mọt ăn này thì thiếu hụt 18 tấn lúa. Do không quyết toán được, ông Việt cũng bị quy trách nhiệm và sau đó ông bị Công an huyện Thốt Nốt bắt giam 6 tháng. Sau 6 tháng bị bắt giam, ông Việt được trả tự do. Từ đó đến nay, ông phải đi bán bán kem dạo sống lay lắt qua
ngày.
Tờ hợp đồng sản xuất tự túc, “thuế xã chịu” (khoanh tròn).
Ông Việt cho biết thêm, kho lúa nơi ông quản lý là thuộc công ty Lương thực Thốt Nốt và bàn giao cho tài chính xã Thạnh Lộc. Nói về vấn đề này, ông Chuẩn cho rằng nội dung báo cáo, kết luận của VKSND TP.Cần Thơ không đúng sự thật. “Tất cả các khoản nợ, mượn, tôi đều đã thanh toán trước thời gian bị gán tội thì họ dựa vào căn cứ nào để khởi tố, bắt giam tôi? Mặt khác, kho lúa là thuộc công ty Lương thực Thốt Nốt chứ không phải cục Dự trữ Quốc gia đóng trên địa bàn xã Thạnh Lộc. Họ nêu như vậy chỉ nhằm mục đích để tăng mức độ nghiêm trọng của vụ việc”, ông Chuẩn bức xúc.
Ông Chuẩn, hiện thẻ Đảng của ông vẫn còn giữ và ông không nhận được quyết định xử lý nào.
Về việc VKSND TP.Cần Thơ báo cáo đã “Thi hành kỷ luật hình thức khai trừ đối với đồng chí Lê Văn Chuẩn, thuộc chi bộ xã Thạnh Lộc. Chi bộ thu thẻ Đảng nộp về Ban tổ chức Huyện ủy” vào ngày 1/8/1990, ông Chuẩn cũng cho rằng điều này hoàn toàn không đúng.
Giấy xác nhận của ông Trần Vinh Quang – Nguyên chi ủy viên phụ trách công tác tổ chức kiểm tra của chi bộ xã Thạnh Lộc.
Giấy chứng nhận sức khỏe của ông Trần Vinh Quang, chứng tỏ ông này còn minh mẫn.
Theo ông Chuẩn, hiện thẻ Đảng của ông vẫn còn giữ và ông không nhận được quyết định xử lý nào. Bên cạnh đó, ông Trần Vinh Quang, nguyên chi ủy phụ trách công tác tổ chức kiểm tra của chi bộ xã Thạnh Lộc từng có giấy xác nhận vào năm 1990 – 1991, rằng ông không thấy và không nhận quyết định kỷ luật, hoặc họp chi ủy bất thường lần nào để công bố kỷ luật đối với ông Chuẩn. Đồng thời, ông Quang cũng không được phân công thu hồi thẻ Đảng của ông Chuẩn. (Còn nữa)
“Như vậy, tại sao họ lại ra thông báo không đúng như nêu trên? Phải chăng, họ đã làm sai rồi nên tiếp tục làm sai và “né” đối chất đối với tôi?”, ông Chuẩn đặt nghi vấn.