Chuyện hô biến 20.000 đồng thành 500.000 đồng để lừa người khác là có thật chứ không còn là lời đồn đại như trên mạng lâu nay.
Trước đây, dân mạng đã từng xôn xao với chiêu lừa hô biến 20.000 đồng thành 500.000 đồng khiến không ít người lo ngại, nhiều người không tin.
Cắt, ghép để được tiền gấp đôi
Từ năm 2014, một fanpage trên Facebook từng có cảnh báo chiêu lừa dùng hai tờ tiền 20.000 đồng và 500.000 đồng cắt đôi rồi ghép nửa tờ này vào nửa tờ kia và ngược lại để sử dụng mua bán, trao đổi lừa người khác.
Với thủ thuật tinh vi này, người thực hiện chỉ bỏ ra 520.000 đồng sẽ được 1 triệu đồng. Tuy nhiên, có một số người không tin và cho rằng điều đó không thể xảy ra vì kích cỡ hai tờ mệnh giá này khác nhau, khi ghép lại sẽ không trùng khớp.
Hiện tại, điều đó đã được khẳng định là có thật bởi công an vừa bắt giữ một người thực hiện hành vi cắt, ghép tiền như trên.
Theo cơ quan công an thì bà Khẩn đã nghiên cứu và nắm rõ quy luật hoạt động của máy đếm tiền, cách đếm tiền của giao dịch viên các ngân hàng, doanh nghiệp. Vì thế, trong thời gian qua, bà Khẩn đã cắt hai tờ tiền mệnh giá khác nhau này đem trộn lẫn vào cọc tiền đều có mệnh giá 500.000 đồng đến ngân hàng hoặc các doanh nghiệp có dịch vụ chuyển tiền gửi vào tài khoản của chính mình.Cụ thể, ngày 22-12, Công an huyện Di Linh (Lâm Đồng) đang làm rõ hành vi cắt, ghép giữa hai tờ tiền mệnh giá 500.000 đồng và 20.000 đồng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Nguyễn Thị Khẩn (44 tuổi), ngụ xã Gia Hiệp, huyện Di Linh.
Lực lượng chức năng còn phát hiện nhiều tờ tiền cắt ghép từ tờ 20.000 đồng và 500.000 đồng khác được kẹp trong cọc tiền 500.000 đồng giấu trong cốp xe và ví cá nhân của đối tượng.
Nhiều tờ tiền bị cắt, ghép được phát hiện trong cốp xe của Nguyễn Thị Khẩn.
Phân biệt bằng tay và mắt
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, cố vấn cấp cao Ngân hàng TMCP Quốc Dân, cho rằng hành vi cắt, ghép tờ tiền mệnh giá cao hơn để đánh lừa người kháclà vi phạm pháp luật. Chiêu này thường được dùng vào những lúc trời chạng vạng nên người dùng nếu không cẩn trọng hoặc chỉ nhìn thoáng qua thì dễ sập bẫy.
Để người dân không bị lừa trước chiêu trên, TS Nguyễn Trí Hiếu hướng dẫn các cách nhận biết tiền thật và tiền cắt, ghép để tránh bị lừa.
“Nhiều người có thói quen cầm một cọc tiền lấy ngón tay đếm chỉ một mặt, động thái này chưa đủ để phát hiện được tiền cắt, ghép. Thông thường người dân nên tách ra và dùng hai tay, một tay cầm cọc tiền, tay còn lại vuốt ra. Cách tốt nhất khi cầm tiền trên tay thì nên dùng tay vuốt cả mặt tiền ra và nhìn thêm mặt còn lại để nhận biết được tiền cắt, ghép hay tiền thật” – TS Hiếu khuyên.
Bên cạnh đó, để phân biệt tiền thật và tiền giả, TS Hiếu cho rằng có nhiều cách để nhận biết tiền thật bằng mắt thường hoặc bằng tay. Tất cả tờ tiền thật khi vuốt lên thì hình và chữ sẽ có bề nổi. Cụ thể, khi ta vuốt nhẹ các yếu tố như chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh; quốc huy; mệnh giá bằng số và bằng chữ;… in lõm sẽ cảm nhận được độ nổi. Đồng tiền giả thì khi ta vuốt nhẹ tay chỉ có cảm giác trơn lì, không nhám, ráp như ở tiền thật hoặc có cảm giác gợn tay do vết dập trên nền giấy, không phải do độ nổi của nét in.
Hủy hoại tiền không còn bị xử lý hình sự
Trước đây, tại Điều 98 BLHS 1985 quy định hành vi phá hủy tiền tệ có mức phạt tù 5-15 năm và nếu phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù 12-20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Tuy nhiên, từ ngày 1-7-2000, BLHS 1999 chính thức có hiệu lực thay thế cho BLHS 1985 và các lần sửa đổi trở về sau không còn đề cập đến tội phá hủy tiền tệ nữa.
Hiện nay, theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Quyết định 130/2003/TTg của Thủ tướng Chính phủ thì hành vi hủy hoại tiền Việt Nam bằng bất kỳ hình thức nào đều bị nghiêm cấm và có chế tài. Khoản 3 Điều 31 Nghị định 96/2014 quy định phạt tiền 10-15 triệu đồng đối với hành vi phá hoại, hủy hoại tiền Việt Nam trái pháp luật.
Theo Cao Diên – Nguyễn Hiền
Pháp luật TPHCM