Dưới góc độ của một người đào tạo giáo viên, tôi thấy có lỗi với học sinh vì chúng tôi đã làm chưa đủ tốt khiến các em phải học hành với những giáo viên không đạt chuẩn năng lực sư phạm.
Hàng loạt vụ việc giáo viên hành xử phản sư phạm, tàn nhẫn với học trò khiến dư luận phẫn nộ: phạt quỳ gối, súc miệng bằng nước lau bảng, lên lớp mà gương mặt lạnh tanh, không giảng bài. Đó chỉ là phần nổi của tảng băng vì thực tế còn nhiều ứng xử không đúng nguyên tắc sư phạm khác của giáo viên mà nhà trường không biết hoặc biết nhưng… cho qua.
Cô giáo phạt quỳ cũng dùng hình phạt nhiều lần với học sinh rồi tới khi phụ huynh phản ứng mới đến tai dư luận. Trong câu chuyện ấy, vì quá phẫn nộ với vị phụ huynh lỡ thách thức cô giáo quỳ mà dư luận cũng lơ đi những lỗi ứng xử của cô với học trò.
Cô giáo không giảng bài suốt mấy tháng mà nhà trường cũng không hay biết. Cứ vậy, những ứng xử phản sư phạm ấy được du di, được bào chữa và… duy trì! Quá rõ những lỗi sai của các giáo viên đó nhưng có những đồng nghiệp của họ không thừa nhận mà chỉ trách móc việc lớp đông, học trò ngày càng lì lợm, phụ huynh thiếu tôn trọng, các cấp quản lý thì đủ kiểu gây áp lực.
Họ tìm mọi cách biện minh cho các hành vi vi phạm pháp luật, quy định ngành lẫn chuẩn mực đạo đức thông thường. Khi giáo viên không thừa nhận lỗi sai mà chỉ đổ thừa hoàn cảnh, dư luận khó có thể trông chờ sự thay đổi ở nhóm giáo viên này. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc sẽ còn nhiều học sinh phải chịu đựng những hình phạt tàn nhẫn.
Em Phạm Song Toàn trong buổi đối thoại tại lớp với cô Trần Thị Minh Châu sau sự việc em phản ánh cô nhiều tháng lên lớp không giảng bài.
Trong số những lý do biện minh, đáng sợ nhất là lý do: nghiêm khắc thì học sinh mới nên người! Thật kỳ quái khi người ta có thể dùng những hình phạt thể chất lẫn tinh thần dưới danh nghĩa tình yêu thương và trách nhiệm! Tôi nghĩ mãi vẫn không thể thông suốt được luận điểm: Yêu thương một người bằng cách gây tổn thương cho người ấy!
Sau những vụ việc trên, sự tổn thương của học sinh quá rõ: có em sợ hãi, không dám đến trường, có em nước mắt lưng tròng giữa hàng trăm người khi bày tỏ sự uất ức vì cô giáo… Các em không hề muốn nhận “yêu thương” theo cách ấy. Tôi choáng váng hơn khi đọc được bình luận của một người rằng: trừng phạt nghiêm khắc để trẻ quen dần với nghịch cảnh.
Là một phụ huynh, tôi từ chối cơ hội “được” cho con rèn luyện với nghịch cảnh theo những kiểu kể trên. Giáo dục vốn dĩ có tính nhân văn tức vì sự phát triển những giá trị tốt đẹp cho con người. Tôi muốn con mình được thẩm thấu những giá trị tôn trọng, bao dung, nhân hậu và hạnh phúc. Tôi không muốn chúng sống trong bầu không khí thù địch hay sợ hãi.
Dưới góc độ của một người đào tạo giáo viên, tôi thấy có lỗi với học sinh vì chúng tôi đã làm chưa đủ tốt khiến các em phải học hành với những giáo viên không đạt chuẩn năng lực sư phạm lẫn thiếu cả lòng yêu nghề, yêu trẻ. Không cố tình biện minh nhưng tôi vẫn muốn khẳng định rằng trong trường sư phạm, chúng tôi luôn dạy sinh viên dùng các phương pháp giáo dục như đàm thoại, kể chuyện, nêu gương, khen thưởng… với học sinh. Trách phạt là phương pháp cuối cùng được dùng khi tất cả các phương pháp khác đã thất bại.
Tuy vậy, dù trách phạt thế nào thì cũng ko được xúc phạm thân thể, nhân phẩm của học sinh, vẫn tin tưởng vào sự tiến bộ của các em. Những bài học ấy có lẽ đã bị cuốn trôi mà thay vào đó là những “chiêu trị học trò” được truyền lại từ những giáo viên chỉ muốn nhìn thấy kết quả giáo dục ngay: học trò sợ mà ngưng hành vi không phù hợp. Họ quên rằng: Sự sợ hãi ấy cùng lắm là khiến học sinh không làm những hành vi không phù hợp trước mặt giáo viên. Sự sợ hãi ấy không làm thay đổi hệ giá trị bên trong học sinh.
Những giáo viên giỏi nghề luôn nhận ra muốn uốn nắn học sinh, phải có năng lực ứng xử sư phạm khéo léo, khả năng quản lý học sinh tốt và trên hết là tình yêu thương sâu sắc học sinh. Hình phạt không bao giờ là biểu tượng cho tình yêu ấy!
Bài viết của cô ThS Nguyễn Thị Thu Huyền (giảng viên khoa khoa học giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP. HCM)
Theo Kênh 14