Nhà thờ Lớn Hà Nội nằm giao giữa 3 tuyến phố Nhà Chung, Nhà Thờ và Lý Quốc Sư, là một trong những địa điểm quan trọng nhất của người Công giáo Hà Nội.
Nhà thờ Lớn Hà Nội được xây dựng trong 4 năm đã hoàn thành (1884-1887)
Được xây dựng trên một phần đất của ngôi chùa đặc biệt
Nhà thờ Lớn Hà Nội được xây dựng trên một phần đất của chùa Báo Thiên xưa, một trong những ngôi chùa nổi tiếng bậc nhất của lịch sử phong kiến Việt Nam. Vì sao Báo Thiên một ngôi chùa rất đặc biệt.
Thứ nhất, nó là một ngôi chùa có niên đại xây dựng nhất sớm, thời Vua Lý Thánh Tông năm 1057, khi nhà vua chiến thắng từ phương Nam trở về. Đây là một điều rất đáng chú ý vì nước Việt thời phong kiến ít khi có các công trình xây dựng để ăn mừng chiến thắng, một kiểu như Khải Hoàn Môn. Và ngôi chùa được xây dựng rất gần hồ Gươm thì mang ý nghĩa như vậy.
Và để gia tăng sự uy nghi vĩ đại của công trình, một đỉnh tháp lớn bằng đồng được xây dựng. Người ta quen gọi là Tháp Báo Thiên nhưng tên đầy đủ của ngọn tháp là “Đại thắng tư thiên bảo tháp” và được xưng tụng là một trong “An nam tứ đại khí” (4 thứ kim khí lớn của nước Việt). Gọi là tứ đại khí vì những công trình này dùng nhiều đồng và có kích cỡ rất lớn.
Trong 4 bảo vật của nước Việt này, đứng đầu là Tượng phật chùa Quỳnh Lâm, Đông Triều (nay thuộc thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh); thứ nhì là Tháp Báo Thiên nói ở trên; thứ ba là chuông Quy Điền (chuông chùa Một Cột) và thứ tư là Vạc Phổ Minh (chùa Phổ Minh, huyện Thiên Trường, Nam Định). Rất tiếc 4 bảo vật quý này đều bị giặc Minh khi xâm lược đã cho đúc chảy làm súng đạn.
Quang cảnh bên trong Nhà thờ Lớn Hà Nội
Những kỷ lục đáng nhớ
Tiếp tục lịch sử chùa Báo Thiên xưa, chùa được xây xong vào thời Lý nhưng đến thời Trần và thời Hồ chùa đã bị hư hại nhiều lần bởi thiên tai, hỏa hoạn và có lúc như hoang phế. Khuôn viên chùa sau đó bao gồm cả một khu chợ và thậm chí là một bãi pháp trường.
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất của mình “Hồ Quý Ly” đã dành hẳn một chương để miêu tả cảnh hành hình mà Hồ Quý Ly dành cho các đối thủ của mình về tội phản ngịch. Bãi xử trảm đó ngay gần với khu chợ và phế tích của chùa Báo Thiên năm xưa.
Mang trong trầm tích một lịch sử khác thường, Nhà thờ Lớn Hà Nội cũng có những kỷ lục đáng nhớ. Đây là nhà thờ Công giáo được xây dựng đầu tiên trên đất Hà Nội và cũng là nhà thờ lớn nhất, đẹp nhất. Khi đó ngoại trừ cột cờ Hà Nội thì nhà thờ lớn là công trình cao nhất lúc đó ở Hà Nội.
Nhà thờ dài 64,5m, rộng 20,5m và hai tháp chuông cao lớn 31m. Điều đặc biệt là nhà thờ được xây dựng rất nhanh, chỉ 4 năm đã hoàn thành (1884-1887). Trong khi, các nhà thờ bên châu Âu xây dựng rất chậm, có khi cả mấy chục năm đến cả trăm năm mới hoàn thành vì đợi công sức quyên góp của người dân.
Nhà thờ Lớn Hà Nội được xây dựng bởi kinh phí của 2 đợt quyên góp xổ số lớn. Người có công xây dựng nhà thờ là Giám mục Puginier (1835-1892). Nhà thờ được xây dựng bằng các nguyên liệu sẵn có trong nước như gạch nung và trát bằng giấy bổi, một số nguyên liệu quan trọng được đưa từ bên Pháp sang như hệ thống kính màu, các quả chuông, tượng thánh…
Nhà thờ được xây dựng theo kiến trúc gô-tích, phỏng theo kiến trúc Nhà thờ Đức Bà Paris ở nước Pháp. Có ai nhớ tới một nhân vật nào không? Đó chính là thằng gù Quasimodo trong cuốn tiểu thuyết lừng danh của đại văn hào Victor Hugo. Thằng gù ấy làm việc vặt ở nhà thờ và nhiệm vụ chính của nó là kéo chuông.
Quả chuông ở nhà thờ Công giáo khác với quả chuông ở các chùa, nó dùng để báo giờ hành lễ, báo tin đám cưới, người mất, làm lễ thánh…, và tốc độ kéo chuông nhanh chậm tùy thuộc vào sự kiện. Thằng gù kéo chuông nhiều và to đến nỗi tai của nó gần như điếc đặc…
Nói như thế vì bởi khi nhìn gác chuông cổ kính cao vọi của Nhà thờ Lớn Hà Nội, tôi lại nhớ đến một đoạn nhà văn Victor Hugo miêu tả thằng gù Quasimodo đã nhiều lần leo lên gác chuông cao vòi vọi ấy mà không theo lối cầu thang khiến cho người đọc phải nín thở.
Và chính trên cái gác chuông cao lừng lững ấy, thằng gù đã giết chết tình địch và cũng và cha nuôi của mình bởi tình yêu vĩ đại của hắn với một cô gái xinh đẹp làm nghề hát rong. Victor Hugo và thằng gù đã biến Nhà thờ Đức Bà Paris thành bất tử và nổi tiếng trên toàn thế giới và chúng ta vẫn chờ đợi một nhân vật văn học bước ra từ Nhà thờ Lớn Hà Nội.
Nhà thờ Lớn Hà Nội năm 1906
Thánh nữ duy nhất của Việt Nam tử vì đạo
Nhưng trong nhà thờ này cũng đã điểm danh một số nhân vật đáng chú ý. Trong nền của nhà thờ là nơi an nghỉ của 3 vị Hồng y. Đó là Hồng y Trịnh Như Khuê, Hồng y Phạm Đình Tụng và Hồng y Trịnh Văn Căn. Và điều đặc biệt nhà thờ có tượng thánh tử vì đạo Anê Lê Thị Thành.
Anê Lê Thị Thành (1781-1841) thường gọi là bà Đê, là một người theo đạo Công giáo trong thời kỳ đạo Ki tô vẫn bị cấm đoán cực kỳ hà khắc. Bà đã bị chính quyền nhà Nguyễn bắt giam khi đã trực tiếp giúp đỡ cho Công giáo bằng cách che giấu các linh mục bị nhà Nguyễn truy lùng. Bà bị bắt và bị ép buộc từ bỏ đức tin của mình bằng những biện pháp tàn khốc nhưng bà quyết không chịu khuất phục. Sau bà bị chết trong thời gian
bị cầm tù.
Năm 1909, bà được Giáo hoàng Piô X phong là bậc “Chân phước” và đến năm 1988 bà được Giáo hoàng John Paul II phong bà lên bậc “Hiển thánh”. Điều đặc biệt là trong 118 Á thánh và Hiển thánh tử vì đạo của Việt Nam, Anê Lê Thị Thành là Thánh nữ duy nhất.
Hiện nay Nhà thờ Lớn vẫn là một trong những nhà thờ quan trọng nhất của Hà Nội. Nơi này vừa là địa điểm tôn giáo, vừa là công trình kiến trúc có lịch sử lâu đời và là điểm tham quan hấp dẫn đối với khách du lịch. Những buổi chiều, buối tối nghe tiếng chuông nhà thờ vang vọng là niềm ưa thích của nhiều du khách khi tới Hà Nội.