Isle of Dog, bộ phim hoạt hình đem đến cho chúng ta nhiều hơn một sự giải trí. Sản phẩm mới nhất của đạo diễn Wes Anderson.
Đảo của những chú chó bị cách ly.
Thuộc thể loại stop-motion, một thể loại không mới như hoạt hình 3D, nhưng Isle of Dog vẫn làm khán giả xem say sưa trong suốt 102 phút.
1. Bối cảnh được đặt ở Nhật Bản trong tương lai, khi công nghệ phát triển tột bật, kèm theo đó là nạn ô nhiễm môi trường, lãnh cảm trong xã hội. Dịch cúm chó và bệnh mõm chó đang ngày một gia tăng và chưa tìm được huyết thanh chữa trị, dẫn đến chính quyền thành phố phải lưu đày những chú chó bệnh tội nghiệp ra một hòn đảo chứa rác để cách ly.
Tưởng chừng một chế độ độc tài đến cực đoan sẽ làm xói mòn lòng quả cảm. Nhưng tinh thần kiên cường và tình yêu thương động vật của chú bé mồ côi Atari như một điểm sáng xuyên suốt phim.
Cuộc phiêu lưu mà Atari đi tìm người bạn thân nhất của mình, chú chó Spot, đã được xây dựng như một bản hùng ca, vượt bao gian nan, trở ngại cùng với sự đồng hành của 5 chú chó cũng bị bỏ rơi Chief, Duke, King, Rex, Boss. Không có sự giúp sức từ người lớn, không có bất kỳ vũ khí nào, cậu bé 12 tuổi và đàn chó hoang đã bắt đầu cuộc hành trình không hề có sự chuẩn bị trước. Là một cuộc chiến không cân sức giữa mạnh và yếu, giữa nhà cầm quyền và công dân, giữa chính nghĩa và sự đồng hóa, giữa khoa học và niềm tin – liệu cuộc nổi dậy ấy có thành công?
2. Các nhà làm phim phải hiểu và yêu quý động vật lắm thì mới có thể mô phỏng từng cử động đặc trưng của loài chó như ngửi, đào bới, hắt xì, gãi cổ, nhe nanh… đến cả ánh mắt đầy nhân tính. Chó vô cùng nhạy cảm với cảm xúc của con người, không phải chúng ta chọn nó là vật nuôi mà chính nó chọn xem có nên nghe lời ta không. Vật nuôi là bạn, là bình đẳng với người, điều mà “Chief- chó hoang” luôn nhắc đi nhắc lại trong phim.
Cậu bé Atari và những bạn chó bị bỏ rơi.
Tình bạn, tình yêu đồng loại, trách nhiệm, trung thành, quả cảm của những chú chó làm cho ta vừa cảm động vừa tự thấy xấu hổ. Atari – tên nhân vật chính trong phim, tiếng Nhật có nghĩa là “xung quanh” – gửi gắm thông điệp mong muốn con người hãy bước ra khỏi thế giới bị bao bọc của mình mà yêu thương nhiều hơn, quan tâm nhiều hơn đến xã hội và muôn loài, bước lên trên sự ích kỉ bản thân mà nuôi dưỡng sự thiện lương, chính nghĩa.
3. Bạn có thể nhận ra ngay chất phim của Wes Anderson, bởi cách sử dụng màu sắc tương phản chen lẫn đồng nhất, bố cục đăng đối và cảnh tĩnh kéo dài vài giây rất ấn tượng như phim Khách sạn Grand Budapest của ông. Dù cả nhà sản xuất lẫn đạo diễn đều là người Mỹ, nhưng những biểu tượng của Nhật Bản luôn được lồng ghép tinh tế trong mỗi khuôn hình. Những bức bích họa “Phù thế” hình sóng nước (Ukiyo), nghệ thuật ẩm thực sushi, môn thể thao sumo, kiếm đạo samurai, âm thanh trống taiko hùng hồn và thơ haiku… đã làm cho bộ phim mang đậm tinh thần truyền thống mạnh mẽ của đất nước mặt trời mọc.
Đạo diễn Wes Anderson và mô hình nhân vật trong Isle of Dog.
Bên cạnh đó là hình ảnh những toà cao ốc chọc trời, những cỗ máy lạnh lùng, những thiết bị hiện đại được sử dụng để chống lại chính con người, những con chó robot nghe lời nhưng vô cảm, những hòn đảo ngổn ngang rác độc hại… càng khắc họa rõ nét hơn những góc khuất của nước Nhật hiện đại. Bất cứ cảnh nào cũng như một tấm postcard tuyệt đẹp, cộng với kĩ thuật chuyển cảnh liên thông đầy ẩn ý và tinh tế, âm nhạc nhịp nhàng phối hợp sẽ đem đến trải nghiệm thẩm mỹ đích thực cho người xem.
Phim đang được trình chiếu tại cụm rạp Galaxy và CGV trên toàn quốc dưới tựa đề “Đảo của những chú chó”.
Hồng Trang