Con vật được tìm thấy hồi đầu tháng bởi các nhà khoa học nghiên cứu hóa thạch voi ma mút.
Loạt ảnh chụp một con ngựa bị đóng băng trong lớp băng vĩnh cửu ở Siberia khoảng 40.000 năm trước vừa được công bố, tờ The Sun đưa tin.
Con ngựa hai tháng tuổi vừa được các nhà khoa học giới thiệu cho báo chí ở Yakutsk, thành phố lạnh nhất thế giới nằm ở Siberia.
Nó được đào lên từ hố Batagai, nơi có biệt danh là “cổng địa ngục”, hồi đầu tháng này.
Con ngựa thời tiền sử – thuộc một giống ngựa đã tuyệt chủng – được nhà khoa học nghiên cứu hóa thạch voi ma mút tìm thấy.
Semyon Grigoryev, người đứng đầu Bảo tàng Voi ma mút ở Yakutsk, cho biết: “Toàn bộ xác ngựa đều không bị hư hại, thậm chí lông của nó cũng được bảo tồn – đây là điều hiếm thấy đối với những phát hiện cổ xưa”.
“Con ngựa này thuộc giống Lenskaya, hoặc Lena, có khác biệt về mặt di truyền với những con sống ở Yakutia ngày nay”, chuyên gia cho biết.
Giống ngựa Yakut hiện nay là những con ngựa khỏe nhất thế giới, có thể sống ở nhiệt độ âm 60 độ C trong mùa đông Siberia.
Tổ tiên cổ xưa của chúng đã sống ở Yakutia từ 30.000 đến 40.000 năm trước, chuyên gia nói.
“Chúng tôi sẽ nghiên cứu ruột để hiểu chế độ ăn của con ngựa. Khám nghiệm tử thi sẽ được tiến hành sau đó”, Grigoryev nói.
“Con ngựa được bảo tồn toàn bộ bằng băng vĩnh cửu. Giá trị của phát hiện này là chúng tôi đã thu được các mẫu đất nơi ngựa được bảo tồn. Điều này có nghĩa là chúng tôi sẽ có thể khôi phục lại môi trường bảo tồn ngựa”.
Ngựa có thể đã chết vì rơi vào hồ băng tan chảy, Grigory Savvinov, phó giám đốc Đại học Liên bang Đông Bắc Nga nói, theo tờ The Siberian Times.
Xác của nó nằm dưới hố Batagai khoảng 30 mét. Hố này dài 1 km và rộng khoảng 800 m.
“Con ngựa được bảo tồn hoàn toàn cả lông màu nâu sậm, đuôi và bờm, cũng như tất cả các cơ quan nội tạng”, ông Savvinov nói. “Không có vết thương có thể nhìn thấy trên cơ thể của nó”.
“Đây là lần đầu tiên trên thế giới một con ngựa non thời tiền sử được bảo tồn tuyệt vời như vậy được tìm thấy”.
Người dân địa phương ở vùng Yakutia có quan niệm tâm linh về hố Batagai, coi nó là “cửa vào địa ngục”.
Thực tế, cái hố được hình thành bởi hoạt động phá rừng nhưng ngày càng mở rộng do biến đổi khí hậu, theo các nhà khoa học địa phương.
Theo Dân Trí