Cuối tháng 8 đầu tháng 9 là thời điểm những thửa ruộng lúa nếp trên những cánh đồng ở xã Ngọc Chiến (huyện Mường La, Sơn La) bắt đầu vào mùa chín mang những vẻ đẹp như tranh vẽ.
Cách thành phố Sơn La khoảng 80km, ở độ cao trung bình hơn 1.800m so với mực nước biển, Ngọc Chiến được coi là vùng đất cao nhất của huyện Mường La (Sơn La), quanh năm khí hậu trong lành, mát mẻ, vào lúc sáng sớm hay trời chiều có sương mù phủ kín, nét đặc trưng riêng có của vùng đất cao nguyên lộng gió này.
Cánh đồng lúa chín vàng trên cao nguyên Ngọc Chiến đang được người dân bắt đầu thu hoạch. Những hạt lúa nếp tan này sẽ được sử dụng làm xôi, hoặc các loại bánh trong lễ hội cơm mới.
Ông Lò Văn Pháng, Chủ tịch UBND xã Ngọc Chiến, cho biết: “Ngọc Chiến được biết đến là vùng đất có thứ gạo đặc sản nổi tiếng là gạo nếp tan (hay còn gọi là nếp tan cổ). Đây là thứ đặc sản ăn rất thơm ngon, dẻo, ăn một lần nhớ mãi không quên”.
Theo ông Pháng, cánh đồng lúa nếp của Ngọc Chiến rộng trên 665 ha, sản lượng đạt trên trên 4.000 tấn. Trên cánh đồng trồng 2 loại lúa nếp là giống nếp 87 và giống nếp tan địa phương được người dân nơi đây trồng từ rất lâu.
Vì hợp với đặc điểm khí hậu, đất nên nếp tan nơi đây nên giống nếp tan cổ này có vị ngon đặc trưng, hơn hẳn các giống lúa nếp thường.
Từ trên cao nhìn xuống cánh đồng lúa chín vàng rực rỡ, đẹp như tranh vẽ.
Nếp tan Ngọc Chiến được đánh gái là loại nếp ngon hơn hẳn các nếp khác, bởi nơi đây có khí hậu, đất, nguồn nước sạch, quanh năm mát mẻ.
Nếp tan ngoài việc để ăn còn để làm bánh chưng, đặc biệt trong lễ hội cơm mới không thể thiếu thứ gạo nếp này được.
Đầu tháng 9 hàng năm khi bước vào mùa gặt lúa, bà con dùng thứ gạo nếp tan này để tổ chức lễ mừng cơm mới.
Theo Dân Việt