Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về kháng nghị phúc thẩm hình sự
Viện Phúc thẩm 3, Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Kháng nghị phúc thẩm là quyền năng pháp lý được Nhà nước giao cho Viện kiểm sát nhân dân để kháng nghị đối với những bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của Toà án cùng cấp và cấp dưới trực tiếp khi phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng để yêu cầu Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại theo thủ tục phúc thẩm nhằm bảo đảm việc xét xử đúng pháp luật, nghiêm minh và kịp thời.
1. Một số vấn đề lý luận về kháng nghị phúc thẩm hình sự
1.1. Khái niệm về kháng nghị phúc thẩm hình sự
Kháng nghị phúc thẩm hình sự là quyền năng pháp lý xuất phát từ chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự của Viện kiểm sát nhân dân và xuất phát từ nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hình sự nước ta đó là bảo đảm hai cấp xét xử.
Tại Điều 232 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 (BLTTHS) quy định: “Viện kiểm sát cùng cấp và Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp có quyền kháng nghị những bản án hoặc quyết định sơ thẩm”. Điều 36 BLTTHS quy định: “…2. Khi thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tố tụng đối với vụ án hình sự, Viện trưởng Viện kiểm sát có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:…
i) Kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm các bản án, quyết định của Toà án;…”.
Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002 quy định: “Khi thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, Viện kiểm sát nhân dân có quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án, quyết định của Toà án nhân dân theo quy định của pháp luật” (Điều 19).
Như vậy, pháp luật quy định, Viện kiểm sát cùng cấp và cấp trên trực tiếp có thẩm quyền kháng nghị phúc thẩm đối với những bản án và quyết định sơ thẩm khi xét thấy vi phạm nghiêm trọng trong hoạt động xét xử của Tòa án.
Kháng nghị (của Viện kiểm sát) không phải là khái niệm duy nhất chỉ có trong trình tự phúc thẩm mà nó còn là căn cứ để xét xử giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Nếu kháng nghị là căn cứ để xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm thì gọi là kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, nếu là căn cứ để xét xử tái thẩm thì gọi là kháng nghị theo thủ tục tái thẩm, nếu kháng nghị là căn cứ để xét xử theo thủ tục phúc thẩm thì gọi là kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.
Khi Viện kiểm sát nhân dân thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp tại phiên toà sơ thẩm hình sự, nếu xét thấy bản án và quyết định của Tòa án vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hoặc sai phạm nghiêm trọng trong áp dụng pháp luật hình sự, xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, xã hội và mọi quyền, lợi ích hợp pháp của những người tham gia tố tụng thì Viện kiểm sát phải có trách nhiệm yêu cầu đưa vụ án lên Toà án cấp trên trực tiếp xét xử lại bằng quyền năng pháp lý do luật định đó là kháng nghị phúc thẩm.
Từ đó, có thể định nghĩa: Kháng nghị phúc thẩm là quyền năng pháp lý được Nhà nước giao cho Viện kiểm sát nhân dân để kháng nghị những bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của Toà án cùng cấp và cấp dưới trực tiếp khi phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng để yêu cầu Toà án cấp trên trực tiếp xét xử lại theo thủ tục phúc thẩm nhằm bảo đảm việc xét xử đúng pháp luật, nghiêm minh và kịp thời.
1.2. Cơ sở pháp lý của kháng nghị phúc thẩm hình sự
Căn cứ pháp lý để Viện kiểm sát nhân dân kháng nghị phúc thẩm được quy định trong BLTTHS, trong Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và được hướng dẫn cụ thể để thực hiện trong quy chế nghiệp vụ do Viện trưởng VKSND tối cao ban hành.
Điều 232 BLTTHS quy định: “Viện kiểm sát cùng cấp và Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp có quyền kháng nghị bản án hoặc quyết định sơ thẩm”. Tiếp đó, các Điều từ 233 đến Điều 240 BLTTHS đã quy định về thời hạn, thủ tục kháng nghị phúc thẩm.
Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002 quy định tại Điều 6: “Khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, Viện kiểm sát nhân dân có quyền ra quyết định, kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các văn bản đó”. Điều 18 quy định: “Khi thực hiện công tác kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, Viện kiểm sát nhân dân có những nhiệm vụ và quyền hạn … yêu cầu Tòa án nhân dân cùng cấp và cấp dưới chuyển hồ sơ những vụ án hình sự để xem xét, quyết định việc kháng nghị”; tiếp theo, Điều 19 quy định: “Khi thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, Viện kiểm sát nhân dân có quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án, quyết định của Toà án nhân dân theo quy định của pháp luật”.
Quy chế công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự ban hành kèm theo Quyết định số 960/QĐ-VKSTC ngày 17/9/2007 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, tại các điều từ Điều 32 đến Điều 37 đã quy định căn cứ kháng nghị phúc thẩm hình sự và hướng dẫn cụ thể về cách thức thực hiện quyền kháng nghị phúc thẩm.
Trên cơ sở các quy định của pháp luật hiện hành có thể rút ra một số nội dung về đối tượng, chủ thể, cơ sở, thời hạn kháng nghị phúc thẩm của Viện kiểm sát nhân dân như sau:
– Đối tượng của kháng nghị phúc thẩm là các bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật:
Điều 230 BLTTHS năm 2003 quy định: “Xét xử phúc thẩm là việc Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án hoặc xét lại quyết định sơ thẩm mà bản án, quyết định sơ thẩm đối với vụ án đó chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo hoặc kháng nghị” và Điều 232 quy định: “Viện kiểm sát cùng cấp và Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp có quyền kháng nghị những bản án hoặc quyết định sơ thẩm”. Tuy nhiên, theo khoản 2 Điều 255 BLTTHS thì: “Trong trường hợp bị cáo đang bị tạm giam mà Tòa án cấp sơ thẩm quyết định đình chỉ vụ án, không kết tội, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt cho bị cáo, hình phạt không phải là tù giam hoặc phạt tù nhưng cho hưởng án treo hoặc khi thời hạn phạt tù bằng hoặc ngắn hơn thời hạn đã tạm giam thì bản án hoặc quyết định của Tòa án được thi hành ngay, mặc dù vẫn có thể bị kháng nghị, kháng cáo”. Như vậy trong trường hợp này đối tượng kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân có thể là bản án, quyết định sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật. Ngoài ra, theo quy định tại khoản 2 Điều 316 BLTTHS năm 2003 thì “Việc kháng nghị hoặc kháng cáo đối với quyết định của Tòa án về việc áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh được tiến hành như đối với bản án sơ thẩm”. Quy định này cho chúng ta thấy quyết định áp dụng biện pháp chữa bệnh cũng là đối tượng của kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.
– Chủ thể kháng nghị phúc thẩm là Viện kiểm sát cùng cấp và Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp:
Điều 232 BLTTHS quy định: Viện kiểm sát cùng cấp và Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp có quyền kháng nghị những bản án hoặc quyết định sơ thẩm. Theo Điều 36 BLTTHS thì người có thẩm quyền quyết định việc kháng nghị phúc thẩm là Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp.
Điều 32 Quy chế số 960/2007/VKSTC-V3 về công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự nêu cụ thể là: Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện có quyền kháng nghị đối với những bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của Toà án nhân dân cấp huyện; Viện trưởng, Phó viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có quyền kháng nghị phúc thẩm đối với bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của Toà án nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao uỷ quyền cho Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm kháng nghị những bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của Toà án nhân dân cấp tỉnh.
– Căn cứ kháng nghị phúc thẩm hình sự:
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 chưa có quy định cụ thể về những căn cứ để kháng nghị phúc thẩm hình sự. Tuy nhiên, căn cứ vào yêu cầu việc xét xử sơ thẩm và tính đúng đắn của bản án, quyết định sơ thẩm cũng như thực tiễn kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân bảo đảm tính thống nhất và nâng cao hơn nữa chất lượng các bản kháng nghị phúc thẩm hình sự, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Quy chế công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự ban hành kèm theo Quyết định số 960/QĐ-VKSTC ngày 17/9/2007, tại Điều 33 xác định, bản án hoặc quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm khi có một trong những căn cứ sau đây:
+ Việc điều tra, xét hỏi tại phiên tòa phiến diện hoặc không đầy đủ;
+ Kết luận của bản án hoặc quyết định hình sự sơ thẩm không phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án;
+ Có vi phạm trong việc áp dụng Bộ luật Hình sự;
+ Thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm không đúng luật định hoặc có vi phạm nghiêm trọng khác về thủ tục tố tụng.
– Thời hạn kháng nghị phúc thẩm hình sự:
Điều 234 và Điều 239 BLTTHS quy định thời hạn kháng nghị phúc thẩm: Đối với bản án sơ thẩm, thời hạn kháng nghị phúc thẩm của Viện kiểm sát cùng cấp là 15 ngày; thời hạn kháng nghị phúc thẩm của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 30 ngày. Đối với quyết định sơ thẩm, thời hạn kháng nghị phúc thẩm của Viện kiểm sát cùng cấp là 7 ngày; thời hạn kháng nghị phúc thẩm của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 15 ngày.
Ngoài ra, Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao quy định về thời hạn kháng nghị như sau: Thời hạn là ngày tiếp theo từ ngày tuyên án hoặc ra quyết định và thời điểm kết thúc là ngày cuối cùng của thời hạn. Nếu là ngày nghỉ cuối tuần hoặc nghỉ lễ thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày làm việc đầu tiên tiếp theo ngày nghỉ đó.
– Thủ tục bổ sung, thay đổi, rút kháng nghị phúc thẩm hình sự:
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 quy định cho Viện kiểm sát quyền kháng nghị đồng thời luật cũng quy định cho Viện kiểm sát được bổ sung, thay đổi, rút kháng nghị là nhằm tạo điều kiện để Viện kiểm sát nghiên cứu, cân nhắc, đảm bảo kháng nghị đúng pháp luật, có chất lượng. Vì vậy, mặc dù Viện kiểm sát đã kháng nghị và gửi cho Toà án cấp phúc thẩm nhưng trong thời gian chờ mở phiên toà phúc thẩm Viện kiểm sát có thể xem xét để bổ sung, thay đổi, rút kháng nghị nhưng việc thay đổi này phải tuân theo những thủ tục, trình tự sau:
+ Bổ sung, thay đổi kháng nghị:
Theo quy định tại Điều 238 BLTTHS, thì trước khi bắt đầu hoặc tại phiên toà phúc thẩm Viện kiểm sát có quyền bổ sung, thay đổi kháng nghị nhưng không được làm xấu hơn tình trạng của bị cáo; rút một phần hoặc toàn bộ kháng nghị. Thẩm quyền rút kháng nghị không chỉ có Viện trưởng Viện kiểm sát đã kháng nghị mà còn do Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên cũng có quyền rút kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát cấp dưới. Nếu việc bổ sung, thay đổi kháng nghị đối với một phần hoặc toàn bộ bản án được thực hiện trong thời điểm mà thời hạn kháng nghị vẫn còn thì theo nguyên tắc có thể bổ sung, thay đổi kháng nghị theo cả hướng có lợi hoặc không có lợi cho bị cáo; kể cả trường hợp Viện kiểm sát đã rút một phần hoặc toàn bộ bản kháng nghị nhưng sau đó lại kháng nghị lại thì vẫn được chấp nhận để xét xử phúc thẩm. Trong trường hợp đã hết thời hạn kháng nghị, trước khi bắt đầu hoặc tại phiên toà phúc thẩm, Viện kiểm sát có quyền bổ sung, thay đổi kháng nghị nhưng chỉ theo hướng không làm xấu đi tình trạng của bị cáo. Quy định như vậy là nhằm bảo đảm quyền và lợi ích của bị cáo.
+ Trường hợp rút kháng nghị:
Việc rút kháng nghị của Viện kiểm sát có thể thực hiện bất cứ lúc nào, rút một phần hay toàn bộ kháng nghị. Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp có quyền rút một phần hoặc toàn bộ kháng nghị của Viện kiểm sát cấp dưới. Theo quy định của BLTTHS năm 2003 thì chỉ khi bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật mà bị kháng nghị, kháng cáo thì Toà cấp trên phải mở phiên toà phúc thẩm để xem xét lại. Vì thế, khi Viện kiểm sát đã kháng nghị mà rút toàn bộ kháng nghị thì việc xét xử phúc thẩm phải được đình chỉ. Nếu việc rút kháng nghị trước khi mở phiên tòa thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm, còn rút tại phiên toà thì Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử.
2. Khái quát về thực trạng và kết quả công tác kháng nghị phúc thẩm
Quán triệt, thực hiện Chỉ thị số 03/2008/CT-VKSTC-VPT1 ngày 19/6/2008 về “Tăng cường công tác kháng nghị phúc thẩm hình sự” của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, trong thời gian qua, công tác kháng nghị phúc thẩm (KNPT) của Viện kiểm sát các cấp đã đạt được những kết quả nhất định.
2.1. Một số kết quả chủ yếu
Trong 05 năm qua (2008 -2013), số lượng KNPT đã tăng lên rõ rệt; các đơn vị trong toàn ngành đã ban hành 5.110 kháng nghị phúc thẩm, tính trung bình mỗi năm ban hành 1.022 KNPT, so sánh với số liệu sơ kết 03 năm (từ 01/7/2008 đến 30/6/2011 trung bình 964,6 kháng nghị/năm) và so sánh với thời điểm trước khi có Chỉ thị thì số kháng nghị phúc thẩm mỗi năm đã tăng đáng kể. Số bị cáo bị kháng nghị chiếm khoảng 10% đến 10,5% số bị cáo đưa ra giải quyết ở cấp phúc thẩm; trong khi tỉ lệ phần trăm trung bình trong các năm trước khi có Chỉ thị 03/2008/CT-VKSTC-VPT1 giữa số bị cáo bị kháng nghị đưa ra xét xử so với tổng số bị cáo đã xét xử phúc thẩm là xấp xỉ gần 7,2% (năm 2004 là 6,3%; năm 2005 là 7%; năm 2006 là 7,3%; năm 2007 là 7,4%; năm 2008 là 8,3%).
Trong 05 năm, Tòa án và Viện kiểm sát cấp tỉnh, cấp trung ương đã giải quyết theo thủ tục phúc thẩm đối với 8.460 bị cáo có kháng nghị (trong đó phúc thẩm cấp tỉnh giải quyết 6.929 bị cáo, phúc thẩm cấp trung ương giải quyết 1531 bị cáo). Kết quả: Viện kiểm sát cấp phúc thẩm đã rút kháng nghị 1.291/8.460 bị cáo = 15,26%. Viện kiểm sát cấp phúc thẩm bảo vệ kháng nghị là 7.169 /8.460 bị cáo = 84,74 %. Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận kháng nghị đối với 5.524/7.169 bị cáo = 77%. Tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng nghị đối với 1.645/7.169 bị cáo = 22,9%.
Số kháng nghị phúc thẩm trên một cấp cũng tăng nhiều so với trước khi thực hiện chỉ thị. Trong 3 năm (2004-2006), trước khi có Chỉ thị số 03, số kháng nghị phúc thẩm trên cấp trong toàn ngành là 636 bị cáo, chiếm khoảng 22% tổng số bị cáo có kháng nghị. Sơ kết 03 năm 2008-2011, số bị cáo kháng nghị phúc thẩm trên cấp là 1.703/4.830 bị cáo bị kháng nghị, chiếm tỉ lệ 35 %. Theo số liệu tổng kết đánh giá 05 năm thì có 3.016 bị cáo bị kháng nghị trên cấp/8.460 bị cáo bị kháng nghị, chiếm tỉ lệ 35,65%. Các số liệu so sánh 03 năm, thống kê 05 năm về công tác kháng nghị phúc thẩm cho thấy số kháng nghị phúc thẩm của 2 cấp kiểm sát đã tăng đáng kể, đặc biệt là kháng nghị phúc thẩm trên một cấp.
Chất lượng kháng nghị đã có chuyển biến rõ rệt. Hình thức, bố cục các bản kháng nghị cơ bản tuân thủ theo quy định tại Mẫu 138 ban hành kèm theo Quyết định số 960/2007/QĐ-VKSTC ngày 17/9/2007. Các bản kháng nghị đã phát hiện đúng, viện dẫn chính xác căn cứ pháp luật. Cách viết kháng nghị đã tốt hơn, lập luận rõ ràng, chặt chẽ hơn, do vậy những thiếu sót, hạn chế về mặt hình thức, tính thiếu căn cứ trong các bản kháng nghị dẫn đến bị cấp trên rút kháng nghị đã dần được hạn chế. So sánh với kết quả giải quyết án có phúc thẩm trong 3 năm 2004 – 2006 (số bị cáo được Viện kiểm sát bảo vệ là 3.091/4.004 bị cáo = 77,2%, số bị cáo được Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận là 2105/4004 bị cáo = 52,6%), thấy rằng tỉ lệ kháng nghị được Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận trong toàn ngành đã tăng lên rõ rệt, từ 52,6% lên 77%.
2.2. Những hạn chế trong công tác kháng nghị phúc thẩm
– Số lượng kháng nghị vẫn chiếm tỉ lệ thấp:
Trong khoảng thời gian từ 01/7/2008 đến 30/6/2013, trên toàn quốc, Tòa án xét xử sơ thẩm 284.274 vụ án. Viện kiểm sát đã ban hành 5.110 kháng nghị cùng cấp và trên một cấp, chiếm tỉ lệ không lớn so với số vụ án bị hủy, sửa trong cả nước. Mặc dù việc hủy, cải sửa án sơ thẩm ở cấp phúc thẩm có thể do phát sinh tình tiết mới hoặc do chuyển biến của tình hình nhưng chủ yếu vẫn do sai sót trong việc đánh giá chứng cứ, việc áp dụng pháp luật của cấp sơ thẩm. Số lượng kháng nghị phúc thẩm ban hành còn ít không phải hoàn toàn do chất lượng án sơ thẩm đã nâng lên, mà có phần do vi phạm của án sơ thẩm chưa được Viện kiểm sát các cấp phát hiện. Số liệu sơ kết 05 năm, số kháng nghị phúc thẩm cùng cấp tuy có tăng hơn (3.456/5.110 kháng nghị, chiếm 67%), nhưng so với số lượng án sơ thẩm đã giải quyết và số án thụ lý bị hủy, sửa ở cấp phúc thẩm thì con số này vẫn còn hết sức khiêm tốn. Đáng lưu ý là vẫn còn những “vùng trắng” trong công tác kháng nghị phúc thẩm. Qua sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị 03/2008/CT-VKSTC-PT1 vẫn còn 9 tỉnh không có kháng nghị cùng cấp và có 278 huyện thuộc 53 tỉnh, thành phố không có kháng nghị cùng cấp. Nhiều đơn vị cấp huyện trong 05 năm không có kháng nghị phúc thẩm.
– Chất lượng nhiều bản kháng nghị phúc thẩm còn chưa cao:
Sau khi Chỉ thị 03 được ban hành, chất lượng, số lượng kháng nghị cơ bản đã được nâng lên, song vẫn còn một số bản kháng nghị chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra, tỉ lệ kháng nghị bị cấp phúc thẩm rút, kháng nghị không được Tòa án chấp nhận vẫn còn cao. Trong 05 năm qua, Viện kiểm sát cấp phúc thẩm rút 1.291/8.460 bị cáo, chiếm tỉ lệ 15,2%, Tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng nghị 1.645/7.169 kháng nghị, chiếm tỉ lệ 22,9%.
Kỹ năng xây dựng kháng nghị chưa tốt cũng ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả kháng nghị. Nhiều kháng nghị chưa phân tích rõ vi phạm của án sơ thẩm, một số kháng nghị, phần quyết định không phù hợp với phần phân tích, nhận định hoặc kháng nghị chỉ đề cập đến vi phạm của bản án một cách chung chung.
2.3. Nguyên nhân của những hạn chế, thiếu sót
Nguyên nhân của những hạn chế, thiếu sót có nhiều nhưng tập trung ở những nguyên nhân cơ bản sau:
– Nguyên nhân khách quan:
Nguyên nhân khách quan cơ bản nhất, gây ra khó khăn, làm hạn chế công tác kháng nghị phúc thẩm hình sự của Viện kiểm sát đó là hệ thống pháp luật liên quan đến kháng nghị phúc thẩm chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ và nhiều quy định chưa rõ ràng, cụ thể nhưng không được giải thích nên không tạo được sự thống nhất trong nhận thức và áp dụng pháp luật; trong đó hai bộ luật ảnh hưởng trực tiếp là BLTTHS và BLHS.
Bên cạnh nguyên nhân khách quan nêu trên, kết quả hạn chế của kháng nghị còn bắt nguồn từ những nguyên nhân chủ quan như: Một là, tổ chức quán triệt nội dụng Chỉ thị 03/2008/CT-VKSTC-VPT1 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác kháng nghị phúc thẩm của các Viện kiểm sát địa phương chưa đầy đủ và sâu sắc, việc tổ chức chỉ đạo chưa thường xuyên và kịp thời; hai là, trình độ, năng lực và trách nhiệm của một số cán bộ và Kiểm sát viên còn hạn chế; ba là, công tác tổ chức cán bộ, phân công phân nhiệm chưa tốt, chưa hợp lý; bốn là, điều kiện, phương tiện làm việc và chế độ, chính sách đố với cán bộ, Kiểm sát viên chưa bảo đảm; năm là, sự phối hợp trong công tác này giữa VKSND các cấp còn hạn chế.
3. Các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng kháng nghị phúc thẩm hình sự của Viện kiểm sát nhân dân
3.1. Hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động kháng nghị phúc thẩm của Viện kiểm sát nhân dân
Thực trạng cho thấy, công tác kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân các cấp còn ít về số lượng và hạn chế về chất lượng, một phần là do hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện. Vì vậy, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật sẽ góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác kháng nghị phúc thẩm của Viện kiểm sát nhân dân. Nên trước hết cần nghiên cứu và bổ sung một số điều của BLTTHS để bảo đảm có cơ sở pháp lý cho hoạt động kháng nghị phúc thẩm của Viện kiểm sát các cấp, theo chúng tôi trước mắt cần tập trung tháo gỡ những vấn đề cơ bản sau:
– Bổ sung quy định về căn cứ kháng nghị phúc thẩm hình sự:
Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành chỉ quy định về thẩm quyền, thời hạn, thủ tục nhưng không quy định căn cứ kháng nghị. Tại khoản 2 Điều 233 BLTTHS chỉ quy định: “Viện kiểm sát cùng cấp hoặc cấp trên trực tiếp kháng nghị bằng văn bản, có nêu rõ lý do”, có thể hiểu lý do kháng nghị chính là căn cứ để kháng nghị phúc thẩm, nhưng BLTTHS không quy định căn cứ để kháng nghị. Theo Quy chế về công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự (ban hành kèm theo Quyết định số 960/QĐ-VKSTC ngày 17/9/2007 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao) tại Điều 33 xác định 4 căn cứ để kháng nghị (xem phần 1.2 của phần 1)
Tuy nhiên, đó chỉ là hướng dẫn mang tính nội bộ của ngành Kiểm sát. Vì vậy, BLTTHS cần bổ sung, quy định rõ bản án, quyết định cấp sơ thẩm vi phạm những nội dung gì và mức độ đến đâu để bị coi là nghiêm trọng, bị kháng nghị phúc thẩm.
– Quy định cơ chế bảo đảm cho kháng nghị phúc thẩm hình sự:
Theo Điều 234 BLTTHS, thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp là 15 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 30 ngày, kể từ ngày tuyên án. Theo Điều 229 BLTTHS thì thời hạn giao bản án cho Viện kiểm sát cùng cấp là trong thời hạn 10 ngày và không giao bản án cho Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp.
Với quy định trên, trong trường hợp Tòa sơ thẩm gửi bản án đúng thời hạn là 10 ngày thì Viện kiểm sát chỉ còn 5 ngày nghiên cứu bản án và hồ sơ vụ án để quyết định kháng nghị là khó khăn. Tuy nhiên, trên thực tế, Tòa án gửi bản án đa số là trễ hạn và quá hạn luật định. Do vậy, việc phát hiện vi phạm của các bản án sơ thẩm để kháng nghị gặp nhiều trở ngại. Đối với Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp càng khó khăn hơn vì đa số án văn Viện kiểm sát cấp dưới chuyển lên đều hết thời hiệu kháng nghị phúc thẩm. Do vậy, để bảo đảm cho công tác kháng nghị của Viện kiểm sát được thuận lợi, cần bổ sung Điều 229
BLTTHS: Tòa sơ thẩm gửi bản án, quyết định cho Viện kiểm sát cùng cấp và Viện kiểm sát nhân dân cấp trên trực tiếp. Sửa Điều 234 và Điều 236 BLTTHS theo hướng quy định thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp và Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp kể từ khi nhận được bản án hoặc quyết định sơ thẩm.
– Quy định rõ hơn về việc bổ sung, thay đổi, rút kháng nghị:
Tại Điều 238 BLTTHS quy định: “1. Trước khi bắt đầu hoặc tại phiên tòa phúc thẩm, người kháng cáo hoặc Viện kiểm sát có quyền bổ sung, thay đổi kháng cáo, kháng nghị nhưng không được làm xấu hơn tình trạng của bị cáo”. Với điều luật trên cũng còn một số người trong cơ quan tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng chưa thống nhất, cho rằng trước khi xét xử phúc thẩm thì mọi việc bổ sung, thay đổi kháng nghị đều không được làm xấu tình trạng của bị cáo. Thực tế, đã có một số thẩm phán của Tòa phúc thẩm đã bác kháng nghị bổ sung của Viện phúc thẩm 3 khi Viện phúc thẩm kháng nghị bổ sung kháng nghị của Viện kiểm sát tỉnh còn trong hạn luật định do hiểu chưa đầy đủ điều luật, trong đó cũng do điều luật (Điều 238 BLTTHS như đã nêu trên) quy định chưa rõ ràng.
Do đó, cần bổ sung khoản 1 Điều 238 BLTTHS 2003 như sau: “Người kháng cáo và Viện kiểm sát có quyền bổ sung, thay đổi kháng cáo, kháng nghị, rút một phần hoặc toàn bộ kháng cáo, kháng nghị theo luật định, nhưng không làm xấu hơn tình trạng của bị cáo, nếu thời hạn kháng cáo, kháng nghị đã hết.
3.2. Thực hiện tốt công tác cán bộ của ngành Kiểm sát nhân dân
Để bảo đảm thực hiện tốt yêu cầu về cải cách tư pháp và nhiệm vụ đặt ra trong
BLTTHS đối với Viện kiểm sát nhân dân, đòi hỏi phải có sự đổi mới, cải cách mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện chức năng; một trong đổi mới, cải cách đó chính là tổ chức, sắp xếp, bố trí hợp lý và khoa học công tác tổ chức cán bộ phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra, phù hợp với khả năng, trình độ của đội ngũ Kiểm sát viên.
Hoạt động công tố và kiểm sát lĩnh vực hình sự nói chung; thực hành công tố và kiểm sát xét xử nói riêng là khâu công tác rất quan trọng vì là khâu quyết định của cả quá trình tố tụng, bởi lẽ quá trình tố tụng hình sự hiệu quả hay không, tốt hay không tốt, chất lượng công tố đạt hay không đạt phải thông qua xét xử công khai, tranh tụng công khai tại phiên tòa hình sự và phải thông qua phán quyết của Tòa án.
Thực tế cho thấy không phải tất cả Kiểm sát viên đều có thể làm tốt nhiệm vụ thực hành quyền công tố tại phiên tòa. Công tác này đòi hỏi Kiểm sát viên phải có năng lực thực sự, không chỉ giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ mà cả về kiến thức xã hội lẫn khả năng hùng biện mới có thể tham gia phiên tòa một cách hiệu quả. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao, bản lĩnh chính trị vững vàng, khả năng viết, nói là những yếu tố hội tụ bắt buộc phải có của một Kiểm sát viên tham gia phiên tòa. Chất lượng công tố tại phiên tòa có ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của ngành nên cần lựa chọn cán bộ có trình độ và khả năng để bố trí vào công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử. Để có đội ngũ Kiểm sát viên hội tụ đủ các yếu tố cần thiết nêu trên phải có sự điều chỉnh mạnh mẽ, khẩn trương, tích cực trong công tác tổ chức cán bộ. Phải mạnh dạn và kiên quyết điều chuyển những cán bộ có năng lực thực sự để bổ sung cho khâu công tác này, đây phải được xác định là hướng ưu tiên trong quá trình đổi mới tổ chức và hoạt động của ngành kiểm sát. Đồng thời, thường xuyên chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nhằm nâng cao trình độ nghiệp vụ nói chung và kỹ năng thực hiện kháng nghị nói riêng.
3.3 Tăng cường công tác lãnh đạo của Viện kiểm sát các cấp trong công tác kháng nghị phúc thẩm hình sự
Chỉ thị tăng cường công tác kháng nghị hình sự của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã chỉ rõ: “Trong những năm qua, công tác kháng nghị phúc thẩm đối với bản án, quyết định sơ thẩm hình sự của Tòa án nhân dân (sau đây gọi tắt là bản án, quyết định sơ thẩm) đã có những cố gắng nhất định. Viện kiểm sát đã chú trọng phát hiện vi phạm để kháng nghị phúc thẩm. Chất lượng kháng nghị đã từng bước được nâng lên; nhìn chung đã đảm bảo về hình thức, nội dung có căn cứ pháp lý; nhiều kháng nghị được Viện kiểm sát cấp phúc thẩm bảo vệ, số kháng nghị Tòa án chấp nhận được nâng lên rõ rệt. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác kháng nghị phúc thẩm hình sự còn không ít những bất cập. Những tồn tại, thiếu sót trên đây có nhiều, trong đó chủ yếu do năng lực và trách nhiệm của Kiểm sát viên, lãnh đạo ở một số đơn vị chưa cao” . Do vậy, Lãnh đạo VKSND các cấp cần quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị số 03 của Viện trưởng VKSND tối cao. Đồng thời, phải chú trọng công tác sơ kết, tổng kết, theo dõi giám sát, khen thưởng động viên, bảo đảm các chế độ chính sách cho cán bộ, Kiểm sát viên nhất là điều kiện phương tiện, kỹ thuật để làm việc cũng như chế độ đãi ngộ thỏa đáng.
3.4 Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các Viện Phúc thẩm với các Viện kiểm sát địa phương trong công tác kháng nghị phúc thẩm hình sự
Theo quy định của BLTTHS, Viện kiểm sát cùng cấp và Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp có quyền kháng nghị những bản án hoặc quyết định sơ thẩm của Tòa án nhân dân. Đây là một quyền năng pháp lý quan trọng nhằm đảm bảo cho bản án, quyết định của Tòa án có căn cứ, đúng pháp luật.
Do vậy, Chỉ thị số 03/2008/CT-VKSTC-VPT1 khẳng định: “Coi trọng công tác kháng nghị phúc thẩm, coi đây là một trong những công việc trọng tâm của công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp. Các Viện Phúc thẩm phối hợp với các Viện kiểm sát địa phương nghiên cứu vấn đề liên quan đến kháng nghị phúc thẩm…”. Theo đó, để công tác kháng nghị phúc thẩm đạt kết quả tốt đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa Viện kiểm sát địa phương và các Viện Phúc thẩm của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Cụ thể là:
– Đối với các Viện kiểm sát địa phương:
+ Phải thực hiện đúng Quy chế công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự; Quy chế về chức trách nhiệm vụ và chế độ làm việc của các Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc gửi bản án, quyết định sơ thẩm, báo cáo xét xử sơ thẩm, kháng nghị phúc thẩm cho Viện kiểm sát cấp phúc thẩm.
+ Gửi bản án, quyết định sơ thẩm cho Viện kiểm sát cấp phúc thẩm phải có phiếu kiểm sát bản án, quyết định sơ thẩm theo đúng mẫu quy định.
+ Tăng cường công tác thông tin báo cáo về trường hợp cần kháng nghị phúc thẩm. Trong trường hợp vụ việc phức tạp còn nhiều ý kiến khác nhau có thể tranh thủ ý kiến của Viện kiểm sát cấp trên. Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, thành khi phát hiện bản án, quyết định sơ thẩm có vi phạm pháp luật, nếu không còn đủ thời gian để kháng nghị thì báo cáo ngay Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp để xem xét kháng nghị theo thẩm quyền. Trong báo cáo phải nêu đầy đủ lý do, cơ sở của đề xuất kháng nghị.
+ Khi có các kháng nghị có nội dung tốt, Viện Phúc thẩm thông báo cho các Viện kiểm sát địa phương cùng tham khảo.
+ Hàng năm các Viện Phúc thẩm thông qua hoạt động xét xử phúc thẩm trong khu vực cần tổng hợp để rút kinh nghiệm chung theo địa bàn về công tác kháng nghị phúc thẩm, và cùng phối hợp với Vụ 3 Viện kiểm sát nhân dân tối cao tổng hợp rút kinh nghiệm trong toàn ngành.