Mỹ đã tạm ngưng gói viện trợ quân sự trị giá 3,5 triệu USD cho Thái Lan, động thái đầu tiên trừng phạt quốc gia Đông Nam Á này sau cuộc đảo chính quân sự vừa diễn ra.
Tường trình của Tuổi Trẻ từ điểm nóng đảo chính Thái LanQuân đội Thái bắt giữ cựu thủ tướng YingluckCựu thủ tướng Yingluck Shinawatra đã trình diện quân đội?
Cuộc đảo chính cho thấy Mỹ không có nhiều ảnh hưởng với Thái Lan |
Hãng tin AP dẫn lời người phát ngôn Bộ ngoại giao Mỹ Marie Harf ngày 23-5 nói Bộ Ngoại giao Mỹ cũng sẽ xem xét lại một khoản viện trợ trực tiếp khác trị giá 7 triệu USD cho Thái Lan, và một số khoản hỗ trợ khác chưa được xác định từ các chương trình toàn cầu và khu vực của Mỹ.
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng khuyến cáo người Mỹ xem xét không tới Thái Lan ở thời điểm này nếu không thực sự cần thiết, đặc biệt là Bangkok, do tình trạng bất ổn về chính trị và các lệnh hạn chế đi lại ở đây, bao gồm một lệnh giới nghiêm.
Bộ trưởng ngoại giao Mỹ John Kerry đã thông báo việc cắt viện trợ vài giờ sau cuộc đảo chính quân sự ở Thái Lan, một đồng minh có hiệp ước và đối tác quân sự của Mỹ. Ngày 22-5, ông Kerry cũng đã kêu gọi Thái Lan ngay lập tức khôi phục lại chính quyền dân sự và trở lại với quy trình dân chủ.
Bà Harf nói các chương trình viện trợ bị gián đoạn bao gồm những khoản chi trả cho việc bán vũ khí và huấn luyện sĩ quan cho quân đội Thái Lan. Tham mưu trưởng lục quân Mỹ, tướng Raymond Odierno, đã trao đổi với người đồng cấp Thái Lan, tướng Prayuth Chan-ocha, người đứng đầu cuộc đảo chính, qua điện thoại vào ngày 22-5 và hai phía đã có một “cuộc đối thoại mang tính cách xây dựng”, thư ký báo chí của Lầu năm góc, phó đô đốc John Kirby, nói với AP.
“Tướng Odierno đã làm rõ chúng tôi muốn dân chủ được hồi phục ở Thái Lan càng sớm càng tốt”, Kirby nói. AP bình luận cuộc đảo chính cho thấy khả năng tác động hạn chế của Mỹ với Thái Lan, dù hai nước có quan hệ lâu đời.
Sau khi quân đội Thái Lan tuyên bố tình trạng thiết quân luật vào ngày 20-5, Washington đã hối thúc Thái Lan trở lại với dân chủ và nhanh chóng tổ chức tuyển cử tự do và công bằng, nhưng rồi ông Prayuth đã tiến hành cuộc đảo chính.
Chính quyền quân sự mới thành lập đã có những động thái tăng cường quyền kiểm soát vào ngày 23-5. Các thành viên của chính phủ cũ bị lật đổ đang bị giam giữ tạm thời và quân đội đã giải tán hàng trăm người biểu tình chống đảo chính, đồng thời ban bố lệnh cấm tụ tập đông người.
Sau cuộc đảo chính quân sự ở Thái Lan năm 2006, Mỹ đã ngưng các chương trình viện trợ trị giá tổng cộng hơn 29 triệu USD trong một năm rưỡi.