Bùi Ngọc Tấn – “Bấm chân xuống đáy đời mà bước”

Một trong những người thuộc thế hệ hậu sinh từng trò chuyện với nhà văn Bùi Ngọc Tấn nói về ông bằng hai chữ “hiền lành và bình lặng”, để chỉ tâm thế sống và cách ông nói năng. Còn trên trang viết lại là chuyện khác.

Bùi Ngọc Tấn qua đời sáng 18/12 ở tuổi 81. Chia sẻ với Thể thao & Văn hóa chiều 18/12, dịch giả – nhà thơ Dương Tường, bạn tri kỷ của Bùi Ngọc Tấn từ thời trẻ, cho biết ông chuẩn bị xuống Hải Phòng để kịp dự tang lễ vào 10h sáng mai (19/12). Nhà văn sẽ an nghỉ tại nghĩa trang Ninh Hải, thành phố Hải Phòng.
Dương Tường cũng là người viết điếu văn cho Bùi Ngọc Tấn. Dương Tường, Phạm Toàn, Nguyễn Xuân Khánh, Phạm Xuân Nguyên… là những bạn văn coi Bùi Ngọc Tấn như người nhà, coi đến thăm nhà ông ở Hải Phòng là “trở về nhà”. Bùi Ngọc Tấn như một “đặc sản văn chương của đất cảng”, cũng như Nguyễn Ngọc Tư là “đặc sản của đất mũi Cà Mau”, theo lời ví von của làng văn lâu nay.
“Tôi là một người chăn kiến”
“Hà ơi, chú là một người chăn kiến” – Bùi Ngọc Tấn đã viết như vậy khi ký sách Người chăn kiến cho Phùng Hà, một độc giả quen biết, khi cô cùng những người bạn ở NXB Kim Đồng đến thăm ông hồi tháng 5/2014. Đi cùng là biên tập viên Nguyễn Thúy Loan và họa sĩ Tô Chiêm, những người rất quý mến, trân trọng ông.
Truyện ngắn Người chăn kiến và nhân vật chính trong đó cũng là những kỷ niệm đặc biệt trong sự nghiệp sáng tác của Bùi Ngọc Tấn. Sau này, truyện được đưa vào tập sách cùng tên do Nhã Nam và NXB Hội Nhà Văn ấn hành năm 2010, NXB Trẻ ấn hành năm 2014.
Nhà văn Bùi Ngọc Tấn. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.

Nhấn để phóng to ảnh

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.

Phải nói thêm rằng, những chuyến thăm như trên không hiếm hoi. Ngôi nhà của Bùi Ngọc Tấn ở Hải Phòng như một điểm đến đón bạn văn và người yêu văn chương, cả quen biết lẫn không quen biết. Lâu lâu, một nhóm nhà văn, nhà thơ từ miền trong ra thăm Hà Nội hoặc từ nước ngoài trở về, rất thường xuyên, họ tổ chức thêm một chuyến đi ngắn nữa: về Hải Phòng thăm Bùi Ngọc Tấn.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nói: “Với tôi, ngôi nhà của anh Tấn và chị Bích (vợ nhà văn – Thể thao & Văn hóa) ở số 10 đường Điện Biên Phủ, quận Hồng Bàng, Hải Phòng như nhà mình vậy. Tôi về đến nơi là anh lôi vào chiếu rượu, cùng uống và chuyện trò”. Đó là địa chỉ cũ, còn khi bệnh nặng từ nửa năm nay, nhà văn và vợ chuyển về sống ở nhà con trai cả ở đường Thiên Lôi, quận Lê Chân.
“Sau năm 2000, nhà ông như một địa chỉ văn hóa, văn chương nghệ thuật. “Xuống Hải Phòng là phải đến nhà anh Tấn” – giới văn chương nhiều người nghĩ thế” – ông Nguyên kể.
“Không hề tự tin cũng không hề tự ti”
Trong cảm nhận của nhiều người, Bùi Ngọc Tấn là hiền lành và bình lặng, xét về cách nói chuyện và tâm thế. Ông hiền lành, từ tốn trong đời sống nhưng sôi nổi quyết liệt trong trang viết.
“Nói thế này có thể hơi cường điệu, nhưng tôi vẫn tin ông là con người hiền lành nhất đất cảng Hải Phòng” – bạn văn nhận xét – “Đất cảng khác với những vùng đất khác, có gì đó hơi giống người Nam bộ trọng nghĩa khinh tài, đầy phóng khoáng. Bùi Ngọc Tấn vừa có những đặc điểm đó, vừa có được sự điềm đạm khiêm nhường của một nhà văn”.
Bùi Ngọc Tấn và bè bạn đến thăm ông vào ngày 16/11/2014. Ảnh do con trai nhà văn chụp.

Nhấn để phóng to ảnh

Bùi Ngọc Tấn và bè bạn đến thăm ông vào ngày 16/11/2014. Ảnh do con trai nhà văn chụp.

Trong nghiệp văn Bùi Ngọc Tấn, có một tác phẩm kiếm được số tiền có thể coi là lớn nhất đời ông, theo lời kể của một bạn văn từng mang nhuận bút đến tận nhà cho ông. Đó là tác phẩm đã được đăng báo dài kỳ được trả 9.600 USD (hơn 130 triệu VNĐ theo tỷ giá hối đoái hồi thập niên trước), và khi in sách được trả thêm 6.000 USD (84 triệu đồng). Tổng cộng hơn 200 triệu, là số tiền khi đó “có thể mua một căn nhà trong ngõ ở Hải Phòng”.
Những năm cuối đời, danh vọng cũng đến với Bùi Ngọc Tấn khi nhiều đầu sách của ông được in và được trao giải thưởng. Đó là giải Henri Queffenlec cho cuốn Biển và chim bói cá tại Liên hoan Sách và biển tại Pháp năm 2012; và các giải trong nước: Hội Nhà văn Việt Nam cho cuốn Rừng xưa xanh lá, Báo Văn nghệ, Tạp chí Văn nghệ Quân đội…
Quan sát ông trong những ngày tháng được vinh danh ấy, bạn văn nhận xét: “Vẫn bình thản, không hề tự tin cũng không hề tự ti”. Nhận xét này rất ý nghĩa, xét trong hoàn cảnh giới văn chương nghệ thuật nhiều người rất tự tin nhưng cũng cực kỳ tự ti.
Nhà văn Lê Minh Hà, tác giả tiểu thuyết Phố vẫn gió, người từng về thăm Bùi Ngọc Tấn vào tháng 10 năm nay, viết về ông: “Bùi Ngọc Tấn không hì hục với kĩ thuật, vật vã với trào lưu. Với một số tác giả, việc đặt được thêm một bước trên tiến trình hiện đại hóa văn chương là toàn bộ ý nghĩa của sáng tác khiến bạn đọc vui mừng. Với Bùi Ngọc Tấn, ý nghĩa của sự trở lại với chữ là nghĩa đời”.
“Nặng lắm. Bởi vì ông là nghệ sĩ, là người chịu cái kiếp phải bấm chân xuống đáy đời này mà bước. Nặng, vì ông là nghệ sĩ Việt Nam. Trong nghĩa đó, viết với Bùi Ngọc Tấn là chuyện viết lại, sống lại”.

Điếu văn cho Bùi Ngọc Tấn của Dương Tường
Nhà thơ Dương Tường là người viết và đọc điếu văn tại tang lễ Bùi Ngọc Tấn vào ngày mai, 19/12.
Trong văn bản gửi cho Thể thao & Văn hóa, ông viết: Hôm nay, đi sau linh cữu Bùi Ngọc Tấn, tôi tin rằng cùng với chúng ta bằng xương bằng thịt, còn có cả một dòng sông vô hình hàng triệu độc giả trong và ngoài nước tiễn biệt nhà văn yêu thương. Và rồi đây, ở nơi yên nghỉ cuối cùng của nhà văn, những ngày tới, những tháng tới, những năm tới, sẽ còn những người tư xa tới đặt hoa tưởng niệm, như khách thập phương hành hương tới Paris vẫn thường tìm đến nghĩa trang Père-Lachaise đặt một bông hồng lên mộ của những Hugo, Balzac, Flaubert…