Từ thú rừng thông thường đến các loài quý hiếm nằm trong sách đỏ, khi qua tay cơ sở chuyên lột da này đã “biến” thành những con thú nhồi bông bắt mắt. Điều kỳ quặc là cơ sở này hoạt động ngay cạnh một trạm kiểm lâm nhưng không bị phát giác.
Cơ sở chuyên lột da, nhồi bông thú rừng trên nằm ở xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa. Trước lúc đến đây, Đ. có giới thiệu qua về cơ sở này, rằng bất kể con gì từ 0 chân đến 4 chân, ông chủ L. đều lột da, nhồi bông được và đảm bảo rất chất lượng. Rằng ở huyện Hướng Hóa đây là cơ sở duy nhất lột da thú rừng uy tín, rẻ và tồn tại nhiều năm nay. “Từ trăn, rắn cho đến chồn, hươu, voọc, khỉ… cơ sở này đều lột da, nhồi bông được tất, giá cả dao động từ 300- 1000000 đồng/con. Muốn đặt thú rừng đã nhồi bông thì đến cơ sở này, ông L. sẽ thu xếp nếu có thể”, Đ nói.
Ông L. giao thú rừng đã lột da, nhồi bông cho khách
Trong cơ sở của ông L. chưng rất nhiều thú rừng đã được lột da, nhồi bông. Đáng nói là, ngay cả những động vật thuộc loại quý hiếm như: Voọc chà vá chân nâu, mang, chồn hương, mèo rừng… cũng được ông L. nhận làm cho khách. Ông L. giải thích giá cả để lột da, nhồi bông một con thú rừng còn tươi tùy thuộc vào cân nặng và chủng loại. Ví như loài mang rừng, tùy theo cân nặng sẽ được nhận thuộc với giá từ 600- 1000000 đồng/con; chồn, mèo rừng từ 300- 500 ngàn/con; trăn, rắn từ 400- 800 ngàn/con… Thời gian để hoàn thành một thú rừng đã nhồi bông khoảng từ 1- 4 tháng, tùy theo kích cỡ và độ khó trong quá trình “giải phẩu”. Ông L. Cho biết thêm, ở huyện Hướng Hóa chỉ có gia đình ông làm nghề này. Ngoài ra, có một số cơ sở hành nghề này ở các huyện miền xuôi Quảng Trị. Hôm đó, ông L. giao cho Đ. một bao gai chứa 1 con mang, 2 con chồn và 1 con mèo rừng (số thú rừng này Đ. mang đến) đã lột da, nhồi bông với giá một triệu rưỡi, không thêm bớt.
Theo Đ., loại thú rừng mang đi lột da, nhồi bông thường trong tình trạng bị thương, chết do mắc bẫy và quá trình vận chuyển. Loại thú như vậy được các thương lái, thợ săn bán với giá rất rẻ so với lúc chúng còn sống. Đ. thường mua thú rừng mang đi lột da, nhồi bông từ các thương lái đường rừng và những thợ săn thú trên đỉnh Trường Sơn. “Đa số những người mang động vật rừng đi lột da, nhồi bông đều đem về chưng cất ở nhà hoặc biếu xén, chứ không bày bán. Từ khâu mua động vật rừng cho đến lúc mang đến cơ sở này đều phải kín đáo, không thì sẽ bị lực lượng chức năng tịch thu, xử phạt. Đối với những động vật quý hiếm nếu bị lộ thì vào tù “bốc lịch” như chơi”, Đ. nói một cách từng trải.
Một cá thể Voọc chà vá chân nâu bị lột da, nhồi bông.
Điều làm chúng tôi băn khoăn là cơ sở chuyên lột da, nhồi bông động vật rừng này lại nằm cách Trạm kiểm lâm Hướng Tân, huyện Hướng Hóa khoảng… 70 mét. Qua tiếp xúc, nhiều người dân tỏ ra bức xúc đặt câu hỏi liệu có sự tiếp tay của cán bộ kiểm lâm trong việc này hay không? Nếu không có thì tại sao cơ sở này lại tồn tại, hoạt động ngay sát nách trạm kiểm lâm lâu nay nhưng không bị phát hiện?
Chúng tôi mang theo những câu hỏi của người dân để đặt lên bàn làm việc của ông Võ Văn Sử, Trưởng Hạt Kiểm lâm Hướng Hoá. Ông Sử cho hay, trên địa bàn hiện không có tình trạng này, trước kia thì có nghe anh em báo cáo có một người nhận làm thuê việc này (tức lột da, nhồi bông thú rừng), nhưng do không có nguồn hàng, nên đã nghỉ nghề hơn 3 năm nay. Sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh từ chúng tôi, ông Sử nói: “Trước tình hình này, tôi sẽ yêu cầu đơn vị tăng cường kiểm tra, giám sát, nếu phát hiện những hành vi tàng trữ, mua bán động vật trái phép chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Còn nếu phát hiện có tình trạng tiếp tay, sẽ xử lý kỷ luật ngay”.