“Có thể, khi đến đây, thề thốt trước bàn dân thiên hạ, nhiều người sẽ chột dạ, ngượng miệng, không tự tin vì bản thân mình cũng có những điều không trong sạch”, TS.Nguyễn Hoàng Điệp nói.
Vào ngày 14 tháng Giêng hàng năm, xã Thuận Thiên (huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng) lại tổ chức lễ khai hội Minh Thề (thề không tham nhũng) tại khu di tích lịch sử cấp quốc gia đình chùa Hòa Liễu (thôn Hòa Liệu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy).
Khác hẳn với lễ hội diễn ra cùng thời điểm là khai ấn Đền Trần, số lượng người tới tham gia lễ hội Minh Thề khá thưa thớt, đặc biệt là thiếu vắng sự xuất hiện của các vị “quan lớn”. Theo ghi nhận của PV VTC News, các vị lãnh đạo huyện, xã và một số nhà văn hóa, sử học chỉ về dự mà không tham gia nghi thức ‘thề không tham nhũng’ ở lễ hội Minh Thề.
Bàn luận về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Điệp – Chuyên gia nghiên cứu về văn hóa phương Đông đã có những chia sẻ rất thẳng thắn với độc giả của VTC News.
– Thưa ông, tại sao lễ hội Minh Thề tổ chức ở Kiến Thụy – Hải Phòng lại ít thu hút được khách thập phương tới tham gia, đặc biệt là những vị quan chức?
Tôi được biết, Hịch Minh Thề trong lễ hội Minh Thề không chỉ là những lời đanh thép thể hiện quyết tâm lòng trong, tâm sáng của các vị công vụ đương chức trong làng mà còn là sự gửi gắm lòng dân mong muốn về sự chí công vô tư.
Thế nhưng, chúng ta đang sống trong một xã hội kinh tế thị trường, giá trị mà con người hướng tới là vật chất nhiều hơn tinh thần. Bởi vậy, người ta sống bằng mọi cách phải có tiền, phải kiếm được nhiều tiền và cầu cho mình được nhiều lợi lộc trong cuộc sống, chỉ được chứ không mất, chỉ có vào mà chẳng có ra. Những gì thiên về giá trị tinh thần sẽ ít được con người quan tâm. Vì vậy, lễ hội “thề không tham nhũng” rất ít người quan tâm.
Lễ hội Minh Thề có ít quan chức tham dự vì nhiều lý do. Có thể, khi đến đây, thề thốt trước bàn dân thiên hạ, nhiều người sợ chột dạ, ngượng miệng, không tự tin vì bản thân mình cũng có những điều không trong sạch.
Có thể, khi đến đây, thề thốt trước bàn dân thiên hạ, nhiều người sẽ chột dạ, ngượng miệng, không tự tin vì bản thân mình cũng có những điều không trong sạch.
TS. Nguyễn Hoàng Điệp
Ai đi chùa, đi lễ hội cũng cầu cho mình được lợi lộc, có tham ô tham nhũng thì cũng cầu được tai qua nạn khỏi chứ chẳng ai đến để thề không lấy của ai. Đứng trước thần linh, đôi khi người ta không dám thề bởi e sợ thề rồi mà làm ngược lại biết đâu nó vận vào thân. Cho nên, hội Minh Thề thưa thớt, vắng bóng các vị quan chức là điều tất yếu, không có gì lạ.
– Hội Minh Thề vắng bóng ‘quan lớn’ là điều tất yếu vậy lễ hội cầu thăng quan tiến chức ở nhiều nơi khác đông đúc là lẽ đương nhiên?
Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm có câu rất hay: “Được thì thân thích đem chân đến/Thất thế hương lư ngoảnh mặt đi”. Tức là, trong cái quan hệ giữa con người với con người khi mà người ta hưng thịnh, người ta có quan trường thì nhiều người đến, nhiều người ở lại. Còn cái người đã thất thế, nghèo đói thì ít người quan tâm đến.
Cũng từng có câu là: “Bần cư trung thị vô nhân vấn/ Phú tại sơn lâm hữu khách tầm”. Tức là, người nghèo thì ở giữa phố thị đông người cũng chẳng ai hỏi thăm nhưng giàu có, sang trọng có chức có quyền thì dù ở nơi rừng xanh, núi đỏ cũng có người tìm đến.
Video: Lễ hội Minh Thề ở Hải Phòng vắng bóng “quan lớn”
Việc Lễ hội Minh Thề vắng khách còn lễ hội cầu thăng quan tiến chức đông người tham gia nó vừa vặn với ý trên. Việc thờ cúng ở nơi không đem lại lợi lộc thì ít người lui tới cầu cẩn. Bởi vì những người bản tính thực dụng, thích lợi lộc ưa vinh hoa chẳng ai lại đến cầu cho mình “thanh liêm, trong sạch” cả.
– Để hướng tới những giá trị “thanh liêm, trong sạch” và bớt những “sân si, tính toán, ích kỉ cá nhân” trong xã hội, phải chăng chúng ta nên bỏ bớt những lễ hội tranh cướp nhau như hiện nay mà tăng cường tổ chức rộng rãi những lễ hội như Minh Thề?
Việc khuyên người ta nên bỏ lễ hội này lễ hội kia để tập trung vào những lễ hội Minh Thề là rất khó. Những quan niệm, thói quen của người Việt đã trở thành “thâm căn cố đế” qua nhiều thời đại, nhiều giai đoạn lịch sử, không dễ gì thay đổi được.
Tín ngưỡng, tâm linh phải do lòng của con người tự giác và tự nguyện hướng đến. Những biện pháp cấm đoán hay hủy bỏ là không khả thi. Mình chỉ còn cách uốn nắn, răn đe chứ không nên cấm đoán.
Tôi thấy những lễ hội mang tính chất phản cảm như chém lợn, treo trâu thì nên cấm còn những lễ hội như khai ấn Đền Trần, Đền Gióng… đều là những món ăn tinh thần của người dân rồi, không thể bỏ được.
– Vậy có cách nào để những lễ hội ý nghĩa lớn lao như Minh Thề thu hút được nhiều quan chức cũng như khách thập phương tới tham dự?
Ngày xưa, sau loạn Tam Vương, nhà Lý có lập ra một cái đền có tên Đồng Cổ để yêu cầu tất cả các quan hàng tỉnh mang đất tỉnh mình cai trị về thờ.
Trong đền thờ có ghi rõ: “Làm tôi phải trung với vua, làm con phải hiếu với cha mẹ. Ai làm sai lời trời chu đất diệt” để giáo huấn quan lại. Đấy là đền thờ có ý nghĩa lớn về lịch sử. Phải chăng, ta nên chỉ dừng ở mức độ “giáo huấn” đấy thôi thì mới có nhiều quan chức đến viếng thăm lễ hội Minh Thề.