Sau khi cướp giật điện thoại của chị H., tên cướp nhanh tay hack tài khoản zalo của nạn nhân, nhắn tin lừa đảo người thân bạn bè,… thậm chí còn tìm cách liên hệ đòi xin tài khoản iCloud.
- Cướp bóp không tiền, bồi thường 53 triệu đồng
- Cướp đột nhập vào tận phòng ngủ khống chế cướp tài sản nữ chủ nhà
Trước đây nếu có lỡ trộm được di động của ai đó, trộm cũng chỉ đơn giản vứt sim cũ đi rồi nhét cái mới vào xài như đồ của mình.
Nhưng bây giờ, sau khi thỏa mãn nhu cầu cá nhân nhiều đối tượng manh động thậm chí còn quay sang “trêu ngươi” người bị hại, như: dọa tung ảnh cá nhân, nhắn tin lừa tiền, gạ tình,… khiến cuộc sống của nhiều người bị đảo lộn, ảnh hưởng tới danh dự và nhân phẩm.
Cướp iPhone xong còn nhắn tin đòi xin mật khẩu iCloud
Trên đường đi làm về khuya, chị T.H. (Hà Nội) bị một đối tượng bám theo với ý đồ gạ tình. Dù chị H. tỏ thái độ kháng cự, tên này vẫn tiếp tục đeo bám và chờ cơ hội lúc chị nghe điện thoại đã lao lên cướp chiếc iPhone rồi tháo chạy.
“Lúc đó vì xe sắp hết điện nên mình không chạy nhanh được, vì mình đã mở mật khẩu máy nên tên trộm có thể truy cập vào các loại dữ liệu”.
“Mình đã báo công an rồi nhưng vẫn đang chờ xử lý. Hiện người này còn tìm cách liên hệ với mình đe dọa lấy bằng được mật khẩu iCloud. Đây không chỉ là việc cướp giật tài sản nữa mà đã ảnh hưởng đến cuộc sống riêng tư của mình”.
Đặc biệt tên cướp này không phải dạng vừa khi mau lẹ hack mật khẩu Zalo rồi gửi hình bậy bạ với nội dung nhạy cảm, lừa tiền chuyển khoản thậm chí còn bịa chuyện chị H. sẵn sàng… “đi khách”.Sau khi rút sim điện thoại để máy ảo ngoại tuyến khiến chủ nhân không thể định vị được, đối tượng còn nhanh tay gửi album ảnh sang một máy khác, chụp lại số điện thoại người thân của chị H. để phục vụ cho các nhu cầu mờ ám.
Khi iPhone bị khoá iCloud, trộm không thể truy cập vào điện thoại, dù có khôi phục cài đặt gốc, chạy lại phần mềm… Đó là lý do những ngày này đối tượng liên tục có động thái đe dọa nạn nhân hòng lấy bằng được tài khoản iCloud.Được biết iPhone có tính bảo mật cao, mỗi chiếc iPhone được gắn với một tài khoản iCloud của chủ nhân và nó được coi là chứng minh quyền sở hữu với thiết bị này.
Trước tính chất của vụ việc, chị H. đã đăng tải toàn bộ thông lên trang facebook cá nhân nhằm cảnh báo cho bạn bè và người thân. “Nếu bị gọi đến làm phiền hay thông tin gì về H. thì mọi người bỏ qua và lưu ý nhé. Nó là thằng cướp và chuyên tống tiền tống tình đấy”.
Phụ xe buýt nhắn tin gạ gẫm cô gái trẻ vào nhà nghỉ và cho đó chỉ là… trêu đùa!
Trước đó trên mạng xã hội từng xôn xao việc cô gái trẻ bị phụ xe buýt gạ tình nếu muốn lấy lại điện thoại bị mất.
Nam thanh niên tên L.M.N dù chứng kiến toàn bộ cảnh trộm cắp nhưng không can ngăn, thậm chí còn làm ngơ, lợi dụng sự lo lắng của nạn nhân để ngỏ ý xin số điện thoại và hứa ngon hứa ngọt sẽ tìm lại tài sản.
Không dừng lại ở đây, gã thanh niên còn gạ gẫm cô gái trẻ cùng mình đến nhà nghỉ ở Từ Sơn (Bắc Ninh), gặp người đang giữ điện thoại để chuộc lại. Tuy nhiên trong bản tường trình sự việc sau đó, phụ xe cho biết hành động trên chỉ là… trêu đùa!!!
Việc ngụy biện cho hành động có dấu hiệu quấy rối tình dục như này thực sự cần chấm dứt để tránh ảnh hưởng tới tâm lý, tinh thần của các nạn nhân tuổi đời còn trẻ.Và sau việc “trêu đùa” đó, L.M.N đã bị đình chỉ công tác, nhiều người cho rằng hình phạt này chưa thực sự “xứng đáng”, cần phải có biện pháp “mạnh tay” hơn nữa. Chẳng nhẽ cứ thích tiện tay nhắn tin gạ gẫm người khác thì đều được cho là đùa giỡn.
Đây không phải lần đầu tiên xuất hiện việc kẻ trộm sau khi chiếm đoạt tài sản còn quay lại “đòi hỏi” đủ thứ.
Nhẹ nhất cũng chỉ dừng lại ở việc mong muốn có khoản tiền để chuộc lại của cải, nhưng nhiều đối tượng bây giờ cực manh động và tinh vi thường đưa ra những yêu sách khá “trơ trẽn” như gạ tình hay đe dọa tung ảnh cá nhân, giả mạo nạn nhân tiếp tục hành vi lừa đảo.
Một lần nữa hai vụ việc gần đây nhất thực sự là bài học cảnh báo với mọi người, nhất là chị em phụ nữ về sự tung hoành của các nhóm người “vô công rồi nghề”. Nếu không có việc gì gấp nên hạn chế ra ngoài vào ban đêm, hoặc cần thiết những lúc này cần có người đi cùng để hạn chế rủi ro.
Khi di chuyển bằng các phương tiện công cộng như xe buýt, xe khách đường dài, bản thân chúng ta phải tự bảo vệ tài sản của mình. Di động, tiền bạc hay các tài sản có giá cần được cất kỹ trong túi xách, ba lô,…
Nếu trường hợp bị các đối tượng lạ mặt áp sát, hãy hét thật lớn, hô hoán để những người xung quanh có thể chạy tới ứng cứu, ngay sau đó cần thông báo ngay cho lực lượng chức năng.
Quan trọng hơn cần tỉnh táo để tránh những “trò mèo” dụ dỗ lừa các tài khoản gmail, iCloud, Facebook, Zalo,… để tránh thông tin cá nhân bị phát tán lên mạng xã hội.