Vụ phó Vụ Nuôi trồng thuỷ sản nhận định, phải có độc tố rất mạnh mới làm cá chết nhiều như vậy.
Sợ ngộ độc không dám ăn
Chị Nguyễn Thị Mai (SN 1987) ở tiểu khu 4, phường Nam Lý, TP Đồng Hới (Quảng Bình) kể: “Mấy ngày nay tôi ốm, không đi chợ được nên nhờ mẹ đi. Bà mua cả cân cá phèn về nhưng tôi phải mang đi đổ, không dám ăn vì sợ ngộ độc”.
Cá chết trôi dạt vào biển Vũng Chùa, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình |
Vừa gom những con cá chết trôi dạt vào bờ biển Nhật Lệ, chị Nguyễn Thị Mỹ (55 tuổi) nhân viên môi trường thuộc các bãi tắm TP Đồng Hới cho hay, chị làm nghề này đã nhiều năm nhưng chưa bao giờ phải dọn dẹp nhiều cá chết như những ngày gần đây.
“Những ngày đầu, thấy cá lờ đờ gần bờ nên chồng tôi có vớt về ăn, sau đó còn đem muối. Nhưng được một ngày thì thấy con cá tím đen lại, sợ quá nên lại đem đổ đi”, chị Mỹ nói.
Ngày thường, chợ cá Đồng Hới tấp nập kẻ bán người mua nhưng nay không ai ngó ngàng. Cá chất đống, màu bợt bợt.
“Đã mấy ngày rồi không bán được, cuối buổi chợ đành phải mang đổ đi. Nguồn sống của nhà tôi là ở cái hàng cá này, giờ nghỉ thì lấy gì mà sống” – chị bán cá Trần Thị Hoa rầu rĩ.
Ngày thường, mú đỏ, mú đen có giá gần 200 ngàn/kg, giờ hạ xuống 50-60 ngàn cũng không ai mua.
Chợ cá người bán nhiều hơn người mua |
Khổ nhất vẫn là ngư dân. Thay vì ra biển đánh cá như mọi ngày, anh Trần Quang Dương ở xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch đang sửa sang lại phương tiện đánh bắt.
“Làm nghề biển mấy chục năm nay nhưng chưa bao giờ tôi thấy cá chết nhiều như thế này. Tôi cũng không đi đánh cá nữa, vì đánh về chẳng ai mua. Không đi biển, tôi cũng không biết làm gì để nuôi sống gia đình” – anh nói.
Vượt ngoài tầm 1 tỉnh
Trước hiện tượng chưa từng có – cá chết trắng bờ biển một loạt tỉnh miền Trung – Bộ TN&MT và Bộ NN&PTNT đã lập các đoàn kiểm tra.
Nhân viên môi trường dọn dẹp cá chết ở bờ biển Nhật Lệ |
Hà Tĩnh là nơi xuất hiện cá chết đầu tiên, sau đó lan tới Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế. Hà Tĩnh cũng là nơi có khu kinh tế Vũng Áng với nhiều nhà máy hoạt động, bị nghi là nguồn cơn sự việc.
Tại cuộc làm việc với đại diện Vụ Nuôi trồng thuỷ sản (Bộ NN&PTNT) chiều qua, lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Tĩnh cho biết: Hiện các kết quả quan trắc của các cơ quan chức năng đã có kết quả ban đầu, tuy nhiên sự việc này đã vượt ngoài tầm của 1 ngành, 1 tỉnh.
“Trung tâm Quan trắc môi trường và bệnh thủy sản miền Bắc (thuộc Bộ NN&PTNT) cho rằng, hiện tượng cá chết hàng loạt, trôi dạt vào bờ biển và do ‘nguồn nước bị nhiễm độc’ chứ không phải do vi khuẩn gây bệnh. Tuy nhiên độc tố đó là gì thì vẫn chưa rõ. Hiện chúng tôi đang chờ kết quả từ Viện Hàn lâm khoa học VN, phải biết chính xác độc tố gì thì mới tìm ra nguyên nhân sự việc”, lãnh đạo Sở NN&PTNT cho biết.
Ông Phạm Khánh Ly, Vụ phó Vụ Nuôi trồng thuỷ sản (Bộ NN&PTNT) cho biết: “Theo thông tin chúng tôi nắm được, thuỷ hải sản chết tập trung vào thời điểm thuỷ triều lên, thế nên việc không lấy được mẫu nước tại thời điểm đó để quan trắc, xét nghiệm thì khó có thể tìm ra nguyên nhân chính xác. Phải có độc tố gì đó rất mạnh mới làm cá chết nhiều và ảnh hưởng tới nhiều tỉnh như vậy”.