Lịch sử hình thành
Năm 1698, Chúa Nguyễn cử Thống soái Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược đất Phương Nam, khai sinh ra thành phố Sài Gòn. Vào ngày 5 tháng 6 năm 1911, từ Bến Nhà Rồng, người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước. Sau khi đất nước thống nhất, Sài Gòn được đổi tên thành “thành phố Hồ Chí Minh” vào ngày 2-7-1976. Với hơn 300 năm hình thành và phát triển, thành phố có rất nhiều công trình kiến trúc cổ, nhiều di tích và hệ thống bảo tàng phong phú.
Vị trí
Thành phố Hồ Chí Minh nằm trong tọa độ địa lý khoảng 10o 10‘ – 10o 38’ vĩ độ Bắc và 1060 22‘– 106054‘ kinh độ Đông. Phía Bắc giáp tỉnh Bình Dương, Tây Bắc giáp tỉnh Tây Ninh, Đông và Đông Bắc giáp tỉnh Đồng Nai, Đông Nam giáp tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu, Tây và Tây Nam giáp tỉnh Long An và Tiền Giang.
Với tổng diện tích hơn 2.095 km2, thành phố được phân chia thành 19 quận và 5 huyện với 322 phường-xã, thị trấn.
Xã hội
Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 7.123.340 người (theo kết quả điều tra dân số ngày 1/4/2009), gồm 1.812.086 hộ dân, bình quân 3,93 người/hộ; trong đó nam có 3.425.925 người chiếm 48,1%, nữ có 3.697.415 người chiếm 51,9%.
Khí hậu
Nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, thành phố Hồ Chí Minh có hai mùa rõ rệt đó là mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa diễn ra từ tháng 5 đến tháng 11 với lượng mưa bình quân hàng năm là 1.979 mm và mùa khô diễn ra từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau với nhiệt độ trung bình hàng năm là 27,55 0C.
Kinh tế
Trong quá trình phát triển và hội nhập, thành phố Hồ Chí Minh luôn là một trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ của cả nước; là hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, một trong ba vùng kinh tế trọng điểm lớn nhất nước. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, về quy mô thành phố chỉ chiếm 0,6% diện tích và 8,3% dân số nhưng đã đóng góp 20,2% tổng sản phẩm quốc gia, 26,1% giá trị sản xuất công nghiệp và 44% dự án đầu tư nước ngoài.
Thu ngân sách của thành phố đạt 135.362 tỷ đồng năm 2009. Số dự án đầu tư vào thành phố chiếm khoảng 1/3 tổng số dự án đầu tư nước ngoài trên cả nước, có 3.536 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hiệu lực đến cuối năm 2009 với tổng vốn 27.390 triệu USD.
Diamond Plaza |
Ngành thương mại có 28 trung tâm mua sắm, 92 siêu thị và 230 chợ truyền thống. Chợ Bến Thành là biểu tượng về giao lưu thương mại từ xa xưa đến nay của thành phố. Những thập niên gần đây, nhiều trung tâm thương mại hiện đại xuất hiện như Saigon Trade Centre, Diamond Plaza…
Bảo tàng lịch sử VN |
Các địa điểm du lịch của thành phố tương đối đa dạng. Với hệ thống 11 viện bảo tàng, chủ yếu về đề tài lịch sử, thành phố Hồ Chí Minh đứng đầu Việt Nam về số lượng bảo tàng. Bảo tàng lớn nhất và cổ nhất thành phố là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam với 30 nghìn hiện vật. Trong khi phần lớn khách thăm Bảo tàng Chứng tích chiến tranh là người nước ngoài thì bảo tàng thu hút nhiều khách nội địa nhất là Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Có nhiều công trình kiến trúc đẹp, như Trụ sở Ủy ban Nhân dân Thành phố, Nhà hát lớn, Bưu điện trung tâm, Bến Nhà Rồng, Dinh Độc Lập và Thư viện Khoa học Tổng hợp; các cao ốc, khách sạn, trung tâm thương mại như Diamond Plaza, Saigon Trade Centre… Khu vực ngoài trung tâm, Địa đạo Củ Chi, Rừng ngập mặn Cần Giờ, Vườn cò Thủ Đức cũng là những địa điểm du lịch quan trọng.
Rừng Cần Giờ |
Đầm Sen |
Tọa lạc tại số 3 đường Hòa Bình, quận 11 – TPHCM, Công viên Văn hoá Đầm Sen là một trong những khu du lịch lớn đặc sắc nhất nước Việt Nam với kiến trúc được kết hợp nền văn hóa Đông-Tây và một chút vẻ đẹp thời La Mã. Trước năm 1975, mảnh đất này là một khu đầm lầy hoang hoá. Sau chặng đường dài khai thác và phát triển, Đầm Sen ngày nay có diện tích 50 hecta gồm 20% là mặt hồ, 60% là cây xanh và vườn hoa. Ngoài những khu vui chơi, Đầm Sen còn có những nhà hàng, khách sạn và hàng chục các loại hình khác để phục vụ khách du lịch. Đây là nơi vui chơi giải trí rất hấp dẫn cho người trong và ngoài nước.
Thảo Cầm Viên Sài Gòn, người dân quen gọi là Sở thú, là nơi bảo tồn động thực vật có tuổi thọ đứng hàng thứ 8 trên thế giới, tại Việt Nam. hiện tọa lạc ở số 2B Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Bến Nghé, quận 1. Sau hơn 130 năm tồn tại, Thảo Cầm Viên đã trở thành một vườn thú lớn với 590 đầu thú thuộc 125 loài, thực vật có 1.800 cây gỗ thuộc 260 loài, 23 loài lan nội địa, 33 loài xương rồng, 34 loại bon sai..và đang được bổ sung. Ngoài những khu vực nuôi trồng cầm thú, cây cảnh và sưu tập phong lan, Thảo Cầm Viên có khu dành cho trẻ em và người lớn vui chơi, giải trí. Trong Thảo Cầm Viên còn có hai công trình kiến trúc đặc sắc khác, đó là Đền thờ vua Hùng dựng năm 1926 và Bảo tàng Lịch sử Việt Nam – Thành phố Hồ Chí Minh mở cửa từ năm 1929.
Suối Tiên |
Khu Du lịch Văn hóa Suối Tiên là một khu liên hợp vui chơi giải trí tại quận 9. Kiểu cách kiến trúc và các thể loại vui chơi được gắn lồng vào các hình ảnh lịch sử và truyền thuyết Việt Nam như Lạc Long Quân – Âu Cơ, Vua Hùng, sự tích trăm trứng, Sơn Tinh Thủy Tinh, chín tầng địa ngục, tứ linh hội tụ Long – Lân – Quy – Phụng, công viên giải trí dưới nước, đặc biệt là biển Tiên Đồng, biển nhân tạo duy nhất ở Việt Nam. Đây cũng là điểm thu hút khá lớn lượng khách vui chơi giải trí của Thành phố Hồ Chí Minh và các du khách địa phương khác đến.
Khu du lịch Một thoáng Việt Nam |
Khu du lịch “Một Thoáng Việt Nam” là một quần thể làng nghề thủ công truyền thống. có diện tích 22,5 ha đất bưng biền, nằm cạnh rạch Bò Cạp, gần sông Sài Gòn. Đến với Một thoáng Việt Nam, điều đặc biệt ấn tượng với du khách chính là hình ảnh một Việt Nam thu nhỏ, sống động mà những người làm nên công trình này dày công sắp đặt. Khu du lịch bao gồm 30 hạng mục với: đền thờ đất nước, sa bàn nước Việt Nam, lầu vọng, ba khu tiêu biểu cho ba miền đất nước. Bên cạnh là khu văn hóa ẩm thực, đảo nuôi chim thú tự nhiên, khu chợ hàng tiểu thủ công nghiệp, chợ trên sông, vườn cây ăn trái…
Chợ Bến Thành |
Thành phố Hồ Chí Minh còn là một trung tâm mua sắm và giải trí. Bên cạnh các phòng trà ca nhạc, quán bar, vũ trường, sân khấu, thành phố có khá nhiều khu vui chơi như Công viên Đầm Sen, Suối Tiên, Thảo Cầm Viên. Các khu mua sắm, như Chợ Bến Thành, Diamond Plaza… hệ thống các nhà hàng, quán ăn cũng là một thế mạnh của du lịch thành phố.
Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm tài chính ngân hàng lớn nhất Việt Nam. Thành phố dẫn đầu cả nước về số lượng ngân hàng và doanh số quan hệ tài chính – tín dụng. Doanh thu của hệ thống ngân hàng thành phố chiếm khoảng 1/3 tổng doanh thu toàn quốc.
Trong tương lai, thành phố sẽ phát triển mạnh mẽ về mọi mặt, trở thành một thành phố văn minh hiện đại có tầm cỡ ở khu vực Đông Nam Á.