- 20-09-2019Điều khiển (Controlling) trong quản trị là gì? Nội dung và sự cần thiết của chức năng điều khiển
- 05-09-2019PR nội bộ (Internal Public Relations) là gì? Vai trò của PR nội bộ
- 05-09-2019Hoạch định chiến lược PR (Strategic planning for Public Relations)
- 05-09-2019Quảng cáo (Advertising) là gì? Phân biệt quảng cáo và quan hệ công chúng (PR)
Dư luận (Public opinion)
Định nghĩa
Dư luận trong tiếng Anh là Public opinion.
Trong tập thể lao động mọi người có sự tiếp xúc với nhau thường xuyên, họ trao đổi với nhau về tâm tư, sự hiểu biết, kinh nghiệm, các suy nghĩ…
Trước một sự kiện, hiện tượng nào đó người ta có những nhận xét, phán đoán, người ta đem trao đổi với nhau trên cơ sở đó làm phát sinh dư luận.
Có rất nhiều khái niệm khác nhau về dư luận trong tập thể nhưng chúng ta có thể hiểu dư luận là hiện tượng tâm lí xã hội biểu thị thái độ phán xét, đánh giá của quần chúng về các vấn đề mà họ quan tâm.
Đặc điểm của dư luận
Dư luận có các đặc điểm sau:
– Có tính công chúng
– Liên hệ chặt chẽ với quyền lợi xã hội của cá nhân và nhóm xã hội
– Dễ dàng thay đổi
Các nhân tố tác động tới dư luận
Sự hình thành và phát triển dư luận là quá trình phức tạp, chịu sự ảnh hưởng của nhiều nhân tố chủ quan và khách quan, bao gồm:
(1) Nhân tố khách quan
– Tính chất của hiện tượng, sự kiện gây ra dư luận.
– Số lượng và chất lượng thông tin
Nếu thông tin không đầy đủ rõ ràng thì phán đoán sẽ mơ hồ có thể dẫn đến tin đồn – một sự cường điệu hoặc xuyên tạc sự thật.
(2) Nhân tố chủ quan
– Mức độ chuẩn bị tư tưởng của từng người trước sự kiện đó. Nếu quần chúng được chuẩn bị trước tư tưởng, thái độ thì dư luận sẽ được hình thành nhanh chóng, đúng đắn và ngược lại
– Nếp suy nghĩ của mọi người cũng làm ảnh hưởng đến tính chất của dư luận. Nếp suy nghĩ chủ quan phiến diện dễ đưa tới những phán đoán sai lệch, do đó dẫn tới những dư luận không đúng và ngược lại.
– Trình độ phát triển của tập thể
Nếu tập thể đã phát triển cao là một khối thống nhất về tư tưởng, ý chí và hành động thì hình thành dư luận nhanh chóng, đúng đắn và có hiệu lực giáo dục cao.
Nếu tập thể đang trong thời kì phân hóa chưa thống nhất thường có nhiều luồng dư luận khác nhau, thậm chí là đối lập nhau, như vậy xây dựng một tập thể vững mạnh cũng là một biện pháp quản lí điều khiển dư luận có hiệu quả.
Các giai đoạn hình thành dư luận
Thông thường việc hình thành dư luận trải qua các giai đoạn sau:
– Giai đoạn 1: Xuất hiện những sự kiện, hiện tượng được nhiều người chứng kiến, trao đổi thông tin về nó và nảy sinh các suy nghĩ về nó.
– Giai đoạn 2: Có sự trao đổi giữa người này với người khác về các cảm nghĩ, ý kiến, quan điểm và phán đoán của họ đối với sự kiện xảy ra.
– Giai đoạn 3: Những ý kiến khác nhau được thống nhất lại chung quanh các quan điểm cơ bản. Trên cơ sở đó hình thành nên sự phán xét đánh giá chung (ủng hộ, hoặc phản đối).
– Giai đoạn 4: Là giai đoạn phát triển cao của dư luận.
Có sự thống nhất giữa quan điểm, nhận thức và hành động hình thành dư luận chung.
Một nhà quản trị giỏi cần quan tâm đến dư luận càng sớm càng tốt để định hướng, điều khiển, điều chỉnh dư luận theo hướng có lợi cho mình, tuyệt đối không dập tắt dư luận vì dập tắt dư luận là đối đầu với dư luận.
Chức năng của dư luận
– Chức năng điều tiết các mối quan hệ trong tập thể xã hội
Trên cơ sở đánh giá, phán xét các sự kiện, hiện tượng, dư luận xã hội nêu ra các chuẩn mực hướng dẫn việc nên làm, nên tránh. Nó làm cho các truyền thống, tập quán đã được hình thành phát huy ảnh hưởng của mình trong tập thể.
– Chức năng giáo dục
Dư luận xã hội tác động vào ý thức và chi phối ý thức cá nhân. Dư luận xã hội có thể động viên, khuyến khích hoặc phê phán, công kích những biểu hiện đạo đức hoặc hành vi của cá nhân và các nhóm trong tập thể.
– Chức năng kiểm soát
Dư luận xã hội giám sát các hoạt động của các tổ chức xã hội, lãnh đạo các nhóm và từng cá nhân, tạo sức ép lớn trước các hiện tượng tiêu cực.
– Chức năng tư vấn
Dư luận xã hội còn có chức năng tư vấn, khuyến cáo các nhà quản lí trong việc giải quyết các vấn đề có liên quan đến tập thể. Ví dụ: đề bạt cán bộ…