1. Thai 12 tuần phát triển như thế nào?
Khi được 12 tuần tuổi, thai nhi có thể nặng gần 15 gram, dài khoảng 5,5 cm. Xương khớp trở nên cứng cáp và các bộ phận cơ thể đã hoàn thiện hơn. Đây là thời điểm em bé tiếp tục vận động tích cực trong bụng mẹ.
Những tế bào thần kinh và các khớp thần kinh phát triển một cách nhanh chóng trong não em bé.
Tim thai sẽ đập nhanh gấp đôi ba lần người mẹ và dễ dàng nhận ra khi nghe tim thai. Ngón tay, ngón chân đã tách rời và vân tay cũng xuất hiện lờ mờ.
Đáng chú ý nhất khi thai 12 tuần tuổi là các phản xạ. Ngón tay của em bé đã có thể co duỗi, các ngón chân cong lên, mắt khép chặt lại mặc dù miệng của bé đã có thể mút. Thực tế nếu thực hiện động tác gõ nhẹ vào bụng mẹ ta sẽ cảm nhận được cơ thể bé ngọ nguậy.
Các chi tiết về gương mặt thai nhi 12 tuần tuổi đã hoàn chỉnh hơn như hai mắt di chuyển lại gần nhau hơn và tai di chuyển về phía sau.
Cơ quan sinh dục hoàn thiện hơn và có thể xác định được trai hay gái nhưng vẫn chưa rõ ràng. Do đó khi em bé được 12 tuần đi siêu âm xác định giới tính chưa thể chính xác được hoàn toàn chính xác.
Ruột đã phát triển tương đối hoàn chỉnh và thức ăn được tiếp nhận thông qua dây rốn vào khoang ruột của bé. Thận đã bắt đầu bài tiết nước tiểu.
2. Những thay đổi ở cơ thể mẹ
Khi thai nhi 12 tuần tuổi, cơ thể mẹ có sự thay đổi nội tiết tố nên các hormone trong cơ thể mẹ bầu đã bắt đầu ổn định làm giảm triệu chứng ốm nghén. Do đó, tâm trạng của mẹ có thể thoải mái hơn trước.
Ngoại hình của mẹ cũng trở nên đầy đặn hơn và bụng có thể to hơn trước một ít.
Vùng kín luôn có dấu hiệu ẩm ướt do ra nhiều khí hư. Tuy nhiên đây là hiện tượng sinh lý bình thường khi mang thai nên mẹ không cần quá lo lắng. Cần vệ sinh cơ thể thường xuyên phòng chống vi khuẩn hình thành gây nấm mốc.
Một số người thường có cảm giác ợ nóng rất khó chịu do hiện tượng trào ngược dạ dày thực quản. Đặc biệt hơn là cơ thể mẹ có hiện tượng bài tiết sữa non để chuẩn bị cho những giọt sữa cung cấp dinh dưỡng cho em bé sau 6 tháng nữa.
3. Mẹ nên làm gì khi thai nhi 12 tuần tuổi?
- Tuần thứ 12 là khoảng thời gian thích hợp cho siêu âm đo độ mờ da gáy. Dựa vào một lớp chất lỏng dưới da ở mặt sau cổ thai nhi, đối với những bé có nguy cơ mắc Hội chứng Down, lượng chất lỏng này sẽ nhiều hơn hẳn.
- Nếu chỉ số sau khi đo độ mờ da gáy có bất thường, người mẹ có thể làm thêm một số xét nghiệm khác. Siêu âm độ mờ da gáy sẽ cho kết quả chính xác hơn nếu thực hiện với xét nghiệm máu: Đo nồng độ beta-hCG tự do và một protein PAPP-A
- Xét nghiệm Double test là một trong những xét nghiệm sàng lọc trước sinh có độ chính xác tương đối cao giúp tầm soát nguy cơ phát triển hội chứng Down, Edward hoặc Patau. Kỹ thuật này an toàn và đơn giản, chỉ cần lấy mẫu máu mẹ bầu nên không ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và bé.
- Ngoài ra có thể cần thực hiện thêm Triple test để có thể phát hiện nguy cơ dị tật ống thần kinh hoặc thai không não.
- Một xét nghiệm hết sức quan trọng nữa đó là xét nghiệm máu giúp kiểm tra chỉ số hemoglobin, hematocrit và số lượng tiểu cầu. Nếu chỉ số hemoglobin hoặc hematocrit thấp chứng người mẹ có nguy cơ thiếu máu, thiếu sắt cao, ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Trong trường hợp này, cần bổ sung sắt bằng các thực phẩm như trứng gà, các loại hạt ngũ cốc,…
- Xét nghiệm xác định nhóm máu và yếu tố Rh giúp hỗ trợ cho quá trình truyền máu khi sinh đẻ. Đặc biệt đối với những mẹ có nhóm máu Rh- chú ý tiêm Globulin miễn dịch ngăn chặn các kháng thể chống Rh nhằm đảm bảo an toàn cho thai nhi.
- Hiện nay tại một số bệnh viện lớn như Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có chương trình Thai sản trọn gói 12 tuần. Mẹ bầu sẽ được thực hiện đầy đủ các xét nghiệm, theo dõi kiểm tra định kỳ, đặc biệt các mốc thời gian quan trọng như thai nhi 12 tuần tuổi; 22 tuần tuổi và 32 tuần tuổi. Đây là một trong những lựa chọn giúp mẹ yên tâm chăm sóc bản thân và thai nhi, có sự chuẩn bị tốt nhất để chào đón thiên thần chào đời.
Trên đây là những thông tin giúp mẹ biết được thai 12 tuần phát triển như thế nào? Chúc bạn có một thai kỳ khỏe mạnh!