Hà Nội: Tài nguyên “rỉ máu” từ những lò gạch của Công ty Đại Hưng?
“Bí ẩn” bên dưới những gốc chuối!
Được biết, khu vực Nền Lò, xã Trung Mầu, huyện Gia Lâm được Công ty Đại Hưng thuê đất có thời hạn, với mục đích cải tạo ao hồ. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân nơi đây, công ty này đã dựng lên những lò gạch và tận thu tài nguyên bằng việc đào đất tại chỗ để sản xuất gạch.
Rất khó khăn, nhóm PV Đời sống và Pháp luật mới có thể tiếp cận khu vực hoạt động của các lò gạch được cho là của Công ty Đại Hưng. Sở dĩ như vậy, là bởi khu vực này được “bảo mật” rất nghiêm ngặt. Ngoài chủ xe chuyên cung cấp nguyên liệu sản xuất hoặc lấy gạch thì thật khó để người lạ có mặt ở đây
Theo quan sát của PV, tại hiện trường hoạt động khai thác đất gần như xuyên đêm. Những chiếc xe tải, máy múc…hoạt động không chút ngơi nghỉ. Đáng chú ý, khu vực khai thác đất được “ngụy trang” một cách khéo léo bằng những vườn chuối để qua mắt cơ quan chức năng.
Theo tiết lộ của một công nhân làm việc tại đây, Công ty Đại Hưng mua đất từ bên ngoài vào chủ yếu là đất thải để san lấp. Trong khi đó, đất dùng để sản xuất gạch lại là đất khai thác tại chỗ. Anh này cho biết, đất mua bên ngoài chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ trong số đất nguyên liệu dùng để sản xuất gạch.
Vừa nói dứt lời, nam công nhân vội chỉ tay vào chiếc máy múc đất cạnh lò gạch rồi nói tiếp: Chỉ cần quan sát kỹ một chút, anh có thể thấy họ đang múc đất nên lên để đưa vào lò sản xuất. Một thời gian sau, tại vị trí đất đang múc ấy sẽ được san lấp bằng đất thải hoặc gạch vỡ…
“Có những vị trí đất nền sau khi bị “thay ruột” sẽ được che mắt bằng những vườn chuối. Nhưng chỉ cần dùng máy múc đào lớp đất mặt ở vườn chuối kia lên thì sẽ thấy mọi việc. Bên dưới những gốc chuối sâu cả mét kia chỉ là những tảng gạch vụn vỡ và đất thải thay cho lớp đất màu mỡ đã bị rút ruột”, nam công nhân này cho biết thêm.
Chính quyền “ngó lơ”
Để rộng đường dư luận, ngày 11/12/2020, PV Đời sống và Pháp luật đã liên hệ làm việc với UBND xã Trung Mầu về dấu hiệu khai thác tài nguyên đất trái phép của Công ty Đại Hưng. Tuy nhiên, đến nay đã hơn 1 tháng trôi qua, PV vẫn chưa nhận được phúc đáp từ phía chính quyền xã Trung Mầu.
PV tiếp tục liên hệ làm việc với Đội Cảnh sát Kinh tế – Môi trường huyện Gia Lâm. Thế nhưng, việc đóng góp ý kiến của báo chí với chính quyền sở tại dường như bế tắc khi PV chỉ nhận được phản hồi ít ỏi là “Chưa hay biết’, ‘Khó phát hiện!” từ đại diện cơ quan này.
Trong lúc PV đang đợi phúc đáp từ phía chính quyền xã Trung Mầu và cơ quan liên quan, thì hoạt động đào đất tại chỗ để phục vụ cho hoạt động sản xuất gạch của Công ty Đại Hưng vẫn diễn ra.
Phải chăng, “bàn tay” của Công ty Đại Hưng có thể che khuất “bầu trời”? Thiết nghĩ, Phòng Cảnh sát Môi trường – Công an TP Hà Nội (PC05); Chi cục thuế huyện Gia Lâm… cần sớm vào cuộc điều tra làm rõ.
PV Đời sống và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.
Nguyễn Khuê