Mua sắm tập trung đã và đang được áp dụng ở nhiều địa phương bởi có thể tiết kiệm thời gian, chi phí, đầu mối tổ chức đấu thầu… Song, việc không thống nhất mức giá các loại hàng hóa giữa các đơn vị chịu trách nhiệm MSTT đang gây ra những bất cập không hề nhỏ.
Tại Việt Nam, mua sắm tập trung (MSTT) lần đầu được đề cập tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X. Đến nay, hình thức mua sắm này đã dần được hoàn thiện về mặt cơ chế chính sách và thực tế đã triển khai thí điểm và đạt được những hiệu quả tích cực.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, nếu triển khai phương thức MSTT phù hợp trên phạm vi toàn quốc, số tiền Nhà nước tiết kiệm được sẽ chiếm tỷ lệ 15% tổng giá trị mua sắm (tương đương 30.200 tỷ đồng/năm). Trong đó, việc giảm chi cho bộ máy và biên chế trong mua sắm công là rất lớn.
Tuy nhiên, trước yêu cầu thắt chặt chi tiêu công gắn với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí của Đảng và Nhà nước, Luật Đấu thầu năm 2013 đã có một mục quy định về MSTT để áp dụng rộng rãi. Mục đích là nhằm bảo đảm việc chi tiêu bằng nguồn vốn nhà nước có hiệu quả, cắt giảm chi phí, thời gian, đầu mối tổ chức lựa chọn nhà thầu cũng như tăng cường tính chuyên nghiệp trong đấu thầu. Đây được xem là bước chuyển từ cơ chế “thí điểm” sang bắt buộc của công tác MSTT.
Thế nhưng, thực tế MSTT cũng đang tồn tại một số vấn đề, chẳng hạn như không thống nhất về giá cả hàng hóa giữa các đơn vị chịu trách nhiệm MSTT. Điều này gây ra thiệt hại không nhỏ. Việc chênh lệch vài triệu đồng cũng đủ làm cho gói thầu tập trung giá trị vài chục tỷ đồng thiệt hại con số tính đến nhiều tỷ.
Cùng MSTT, giá trúng thầu mỗi nơi một khác
Đơn cử như ở Bắc Giang, năm 2020 Sở Tài chính tỉnh này tổ chức 5 gói thầu MSTT chủ yếu là trang thiết bị văn phòng và điều hoà nhiệt độ. Tổng giá trị 5 gói thầu gần 50 tỷ đồng.
Tại gói thầu Mua sắm tập trung tài sản nhà nước tỉnh Bắc Giang năm 2020 (Máy tính, máy in) có giá trúng thầu 24.670.872.500 VNĐ. Trong đó, ở mục 13 của gói thầu này ghi rõ: Máy in Canon LBP 226 DW có giá mua sắm 10.240.000 VNĐ. Trong khi đó, cũng với sản phẩm tương tự nhưng Sở Tài chính tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức đấu thầu MSTT lại chỉ có giá 7.700.000 VNĐ. Như vậy, mức chênh lệch gần 3 triệu đồng. Con số này tuy không lớn, nhưng khi nhân với số lượng 27 chiếc thì quả phải nhỏ.
Tương tự, các mẫu máy in Canon MF 244DW, Canon 6230DN,… được Sở tài chính Bắc Giang mua sắm đều cao hơn 30-40% so với gói thầu “Mua sắm tập trung máy in và máy fax” của Sở tài chính Vĩnh Phúc.
Chưa dừng lại, tại Gói thầu Mua sắm tập trung tài sản nhà nước tỉnh Bắc Giang năm 2020 (Máy chiếu, máy Photocopy) của Sở Tài chính tỉnh này cũng thể hiện hàng loạt những điểm “phá giá”. Đơn cử, như máy Photocopy MP 2501SP (RICOH) được mua với giá lên tới 90.000.000 VNĐ, trong khi Công ty thuỷ điện Hoà Bình chỉ mua giá 59.820.000 VNĐ khi đấu thầu gói: Cung cấp bổ sung trang thiết bị phục vụ sản xuất năm 2020.
Một loại máy photocopy khác là Fuji Xerox DocuCentre S2520 cũng được Sở Tài chính Bắc Giang mua với mức giá khá đắt đỏ (59.000.000 VNĐ) so với 40.990.000 VNĐ của Trung tâm Tư vấn và dịch vụ Tài chính công Ninh Bình. Mức chênh lệch cho 11 chiếc máy tương tự xấp xỉ lên tới 200 triệu đồng.
Trên đây chỉ là một vài so sánh nhỏ từ những dữ liệu công khai mua sắm giữa các đơn vị công lập cùng sử dụng nguồn vốn chi tiêu ngân sách. So với mức giá hiện hành trên thị trường còn gây ra không ít bất ngờ, thậm chí sửng sốt.
Theo đó, thực tế các mặt hàng máy tính, máy in hay máy photocopy đều không phải là mặt hàng hiếm trên thị trường. Do đó không thiếu các doanh nghiệp, trung tâm điện máy cung cấp mặt hàng này và có giá cả niêm yết sẵn trên website. Chẳng hạn, Máy in HP LaserJet Pro M404DN trên thị trường có giá dao động chỉ từ 4-6 triệu đồng (hàng mới 100%), trong khi mức giá MSTT tại Sở Tài chính Bắc Giang lại lên tới 8.090.000 VNĐ, và 9.335.000 VNĐ .
Đại diện sở Tài chính tỉnh Bắc Giang nói gì?
Trước những thắc mắc về việc tổ chức MSTT của tỉnh Bắc Giang có giá cao hơn hẳn giá MSTT của tỉnh Vĩnh Phúc, ông Hoàng Tiến Trọng – Phòng Quản lý Giá và Công sản cho biết: “ Việc MSTT tại tỉnh Bắc Giang do căn cứ nhu cầu mua sắm của từng đơn vị sẽ đăng ký với Sở Tài chính, Sở đứng ra tổ chức đấu thầu còn ngân sách sẽ do tổ chức đăng ký mua sắm chi. Sau đấu thầu, đơn vị có nhu cầu mua sắm có thể thống nhất lại về giá với nhà thầu theo thoả thuận khung, giá thiết bị đấu thầu là giá tối đa. Việc thẩm định đơn giá thiết bị đã được các đơn vị liên quan phê duyệt dựa trên báo giá của một số đại lý “độc quyền”.”
Ông Trọng thông tin thêm, việc so sánh giá giữa các đơn vị mua sắm công là “khập khiễng” và “đương nhiên là không thể giống nhau” do chính sách bán hàng của từng nhà thầu với từng thị trường. Tuy nhiên, khi đặt câu hỏi về việc giá trị mua sắm thực của từng đơn vị so với đơn giá thoả thuận khung có gì khác nhau không thì vị đại diện Sở Tài chính Bắc Giang không trả lời được do chưa tổng hợp báo cáo.
Có thể thấy rằng, MSTT là phù hợp với nhu cầu hiện nay, có thể tiết kiệm được chi phí, hạng m
ục công việc nhưng nếu việc giá cả mua sắm mỗi nơi một khác thì việc MSTT không còn nhiều ý nghĩa.
Thiết nghĩ, các đơn vị được giao thực hiện mua sắm tài sản công cần phải sâu sát hơn khi thực hiện MSTT, đặc biệt là khâu thẩm định giá hàng hoá, đừng để những đồng tiền thuế sử dụng một cách lãng phí. Nếu giá trị từng món hàng hoá bị tăng lên 30%, thì con số thiệt hại từ những thiết bị nhỏ cũng có thể lên tới cả chục tỷ đồng.
Lê Tuấn – Duy Trung