Nếu bạn đã tuân thủ nghiêm ngặt việc ăn kiêng nhưng vẫn bị béo bụng rất có thể nguyên nhân là do chứng rối loạn nội tiết.
Tình trạng béo bụng thường bắt nguồn từ nhiều thói quen xấu như lười vận động, tiêu thụ nhiều thực phẩm chế biến, ngủ nhiều, … Tuy nhiên vẫn có nhiều chị em dù đã áp dụng mọi chế độ ăn kiêng và tập thể dục đều đặn nhưng vẫn bị tích trữ mỡ vùng bụng. Đây rất có thể là hệ quả của chứng rối loạn nội tiết.
Theo nghiên cứu, rối loạn nội tiết tố nữ estrogen là “thủ phạm” gây mụn cùng nhiều vấn đề sức khỏe khác, đặc biệt là gây gây tăng cân và béo bụng. Nếu không khắc phục sớm sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và vóc dáng.
Dưới đây là các dấu hiệu cho thấy bạn đang bị béo bụng do rối loạn nội tiết tố:
Ăn nhưng không cảm thấy no
Nếu thường xuyên gặp phải tình trạng ăn rất nhiều nhưng vẫn không cảm thấy thỏa mãn thì bạn nên cẩn thận với nguy cơ rối loạn nội tiết tố. Nó đang gián tiếp tác động đến hormone điều chỉnh sự trao đổi chất của cơ thể. Cụ thể khi nội tiết tố nữ estrogen suy giảm sẽ gây ảnh hưởng đến Leptin, hormone ức chế cơn đói và tạo cảm giác no. Khi Leptin ít dần đi, bạn dễ bị béo phì và tích mỡ vùng bụng do ăn mất kiểm soát.
Tích mỡ ở bụng dù có chế độ ăn hợp lý
Dù bạn đã “bóp mồm bóp miệng” và tập thể dục chăm chỉ nhưng bụng vẫn phì nhiêu còn những nơi khác đều săn chắc, thon gọn thì nguyên nhân có thể vì sự suy giảm estrogen. Ví dụ cụ thể là phụ nữ trong giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh có xu hướng béo bụng rõ rệt khi nội tiết tố estrogen sụt giảm.Tình trạng này còn dễ khiến chị em mắc các bệnh liên quan đến tim mạch hơn hẳn.
Thường xuyên thèm đồ ngọt
Theo các chuyên gia, tình trạng kháng insulin có thể ảnh hưởng tới các hormone quan trọng khác, trong đó có Leptin. Nồng độ insulin tăng cao khiến Leptin tăng theo. Dư thừa Leptin trong thời gian dài có thể dẫn đến tình trạng rối loạn chức năng của các thụ thể leptin. Những thụ thể này sẽ ngừng gửi tín hiệu đến não để trì hoãn cơn đói. Khi hormone Leptin mất cân bằng, bạn sẽ luôn ở trong tình trạng thèm ăn, nhất là đồ ăn có lượng đường cao.
Luôn cảm thấy buồn phiền, căng thẳng
Khi stress quá độ, tuyến thượng thận sẽ tiết ra nhiều cortisol hơn. Nếu dư thừa hormone cortisol bạn sẽ mất khả năng kiểm soát cân nặng và tích mỡ bụng.
Căng thẳng quá mức còn khiến chúng ta ăn nhiều hơn để cải thiện tâm trạng xấu, từ đó dẫn đến tăng cân, tích tụ mỡ vùng bụng. Hơn nữa cơ thể sẽ chuyển sang “chế độ sinh tồn”, nghĩa là dự trữ nhiều chất béo hơn khi gặp phải căng thẳng quá mức. Do đó dù trong trường hợp nào chúng ta cũng nên giữ cho bản thân luôn vui vẻ, yêu đời.
Tâm trạng thay đổi thất thường
Nồng độ estrogen mất ổn định kéo theo hiện tượng tâm trạng thay đổi thất thường. Một nghiên cứu tại đại học Wisconsin đã chỉ ra, đây là lý do khiến phụ nữ có nguy cơ mắc chứng rối loạn cảm xúc hơn nam giới. Nồng độ estrogen ở phụ nữ thay đổi nhiều nhất khi mang thai và bước vào thời kỳ mãn kinh. Đây cũng là thời gian chị em phụ nữ có nguy cơ cao mắc chứng trầm cảm. Nồng độ estrogen dao động khi chuyển tiếp sang thời kỳ mãn kinh có thể gây thay đổi tâm trạng và dẫn đến tăng cân.
Thường xuyên bị mất ngủ
Mất ngủ là dấu hiệu rối loạn nội tiết tố cực kỳ nghiêm trọng, cảnh báo cơ thể đang có nồng độ progesterone thấp. Progesterone là hormone giúp chúng ta cảm thấy thoải mái, bình tĩnh, duy trì giấc ngủ ổn định. Tuy nhiên, nếu không có vấn đề về sức khỏe nào khác mà vẫn bị mất ngủ thì đây là một dấu hiệu đáng lo ngại và chị em phải nghĩ ngay đến việc bị rối loạn nội tiết tố.
Nếu xuất hiện các dấu hiệu của rối loạn nội tiết tố nữ chị em nên thực hiện những giải pháp sau để cải thiện tình hình và có được vòng eo thon gọn:
– Ngủ đủ giấc 7 – 8 tiếng mỗi đêm, ngủ trước 10h tối.
– Hạn chế căng thẳng, giữ tâm trạng luôn thoải mái, vui vẻ.
– Tập thể dục thường xuyên và chọn bài tập phù hợp với thể trạng để cơ thể tăng tiết estrogen.
– Có chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế ăn đồ nhiều đường, dầu mỡ, tăng cường rau xanh và bổ sung chất béo lành mạnh. Đặc biệt chị em nên bổ sung thêm 38g protein/ngày để thúc đẩy hormone tăng trưởng và cân bằng lại estrogen.
Minh Hoa (t/h)