Những ngày tháng 3, khi hoa bưởi nở rộ cũng là lúc những hộ trồng bưởi đặc sản Phúc Trạch (Hương Khê) bắt đầu công việc thụ phấn cho cây để tăng năng suất, chất lượng cao.
Huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) nổi tiếng bởi giống bưởi đặc sản Phúc Trạch với vị ngọt thanh, thơm đặc trưng mà không nơi nào có được. Giống bưởi đặc sản này được bộ NN&PTNT công nhận là 1 trong 7 loại cây ăn quả quý hiếm cấm xuất khẩu giống vào năm 2002.
Hiện huyện Hương Khê có hơn 2000ha bưởi. Năm 2004, cục Sở hữu trí tuệ – bộ KHCN cấp giấy chứng nhận đăng ký sản phẩm nhãn hiệu hàng hóa. Năm 2010, bưởi Phúc Trạch được cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý Phúc Trạch.
Những ngày cuối tháng 2, đầu tháng 3, những cây bưởi bắt đầu ra hoa kết trái. Ngày trước cây tự thụ phấn tự nhiên thông qua gió, côn trùng, ong bướm nên năng suất đậu quả rất thấp. Sau này, khi có một cán bộ kỹ thuật từ Hà Nội về chỉ cho người dân cách chủ động thụ phấn thêm thì năng suất cây đậu quả rất lớn. Từ đó, người dân đã làm theo và hàng năm cho năng suất cao, góp phần tăng thu nhập cho người dân nơi đây.
Người dân cho biết, việc thụ phấn hoa sẽ bắt đầu vào tháng 3, thời gian thụ phấn hoa cho bưởi kéo dài từ 10 ngày đến 1 tháng. Có nhiều vườn cây ra hoa lần lượt, có những vườn sẽ ra đồng loạt nên việc thụ phấn hoa phải khẩn trương nếu không sẽ không kịp.
Bưởi Phúc Trạch có 2 loại là bưởi chua (nhân giống từ hạt) và bưởi đường (nhân giống từ cắt ghép, chiết cành). Bưởi đường sẽ ngon, năng suất quả hơn nhưng bưởi chua sẻ khỏe cây, cây cao hơn. Thông thường, người dân sẽ chọn hoa từ cây bưởi chua khỏe mạnh rồi thụ phấn cho bưởi đường để lấy quả.
Những bông hoa được chọn thụ phấn phải là bông hoa to, tròn, cánh mịn, phấn vàng đều, đẹp. Đây là những bông hoa sẽ cho quả ngon, to, khỏe.
Từ sáng sớm, người dân sẽ đi chọn và hái hoa bưởi chua, để vào rá rồi bắt đầu công việc thụ phấn cho bưởi. Những cây bưởi được người nông dân chăm sóc rất kỹ lưỡng. Những cây bưởi thấp, người dân sẽ trực tiếp dùng tay cầm bông hoa rồi quệt nhẹ vào những chùm hoa trên cây bưởi đường. Phấn của bông hoa sẽ bám dính vào nhụy hoa của cây bưởi, giúp khả năng đậu quả cao hơn.
Đối với những cây bưởi cao, người dân phải dùng cây sào kẹp 1-3 bông hoa rồi chấm vào từng bông hoa trên cây.
Bà Đinh Thị Thanh (51 tuổi) chia sẻ: “Mấy tuần nay sáng nào tôi và các thành viên trong gia đình cũng dậy từ 5h sáng đi hái hoa rồi thụ phấn. Phải làm khẩn trương cho kịp mua hoa thụ phấn. Trước đây để thụ phấn tự nhiên chỉ đạt 30-40%. Giờ mình chủ động đi thụ phấn thì cây đạt đến 80% năng suất”.
Nhiều gia đình có trang trại bưởi lớn, việc thụ phấn cần phải khẩn trương nên phải thuê thêm người làm cho kịp, với ngày công từ 200.000/đồng/1người/1 ngày. Công việc này không vát vả nhưng đòi hỏi người làm phải tỉ mỉ, nhẹ nhàng và khéo léo để chăm sóc cây được tốt nhất.
Sau khoảng thời gian hoa bưởi thụ phấn, người dân bóc tách những bông hoa héo, hỏng, loại bỏ hoa xấu. Đó là cách vệ sinh những chùm hoa bưởi mà người nông dân thường hay làm. Mỗi chùm hoa, họ chỉ để lại một vài bông hoa để đảm bảo chất lượng khi quả lớn.
Những chùm hoa bưởi đang đậu quả sẽ được người dân thăm nom, chăm sóc từng ngày để đảm bảo không bị sâu, hư hỏng.Có nhiều cây vừa ra hoa vừa đậu quả. 5 tháng sau, những quả bưởi này sẽ tới kỳ thu hoạch và được đưa đi tiêu thụ.
Thanh Huyền (T/h)