Không được Huyền đáp lại tình cảm, Đức lên kế hoạch thuê đồng bọn bắt cóc thiếu nữ này, đòi tiền chuộc, sau đó, Đức sẽ đóng vai “anh hùng giải cứu mỹ nhân”. Vậy theo quy định, hành vi bắt giam người của Đức sẽ bị xử lý như thế nào?
Vừa qua, báo chí đồng loạt đưa tin về vụ việc “anh hùng giải cứu mỹ nhân” xảy ra ở Hà Nội. Theo đó, khoảng tháng 10/2020, Đức có quen biết với Huyền (SN 2002, trú tại Hà Nội) và từng nhiều lần bày tỏ tình cảm nhưng chưa được Huyền đáp lại. Do đó, Đức bàn bạc với Miều lên kế hoạch bắt cóc Huyền rồi dựng lên “vở kịch” đòi tiền chuộc.
Khoảng 19h ngày 04/3 vừa qua, Đức hẹn Huyền đến cổng chùa Phúc Khánh (phường Ngã Tư Sở). Khi Huyền đến điểm hẹn thì bị các đối tượng Triệu Ồng Nhất (SN 1996, trú tại Nậm Dạng, Văn Bàn, Lào Cai), Hoàng Ồng Nhất (SN 1998, trú tại Phú Nhuận, Bảo Thắng, Lào Cai) và Lương Thanh Miều (SN 1998, trú tại Võ Lao, Văn Bàn, Lào Cai) bắt ép lên xe đưa về một ngôi nhà tại thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh.
Theo kế hoạch đã bàn bạc, Miều lấy điện thoại của Huyền gọi cho Đức, yêu cầu số tiền chuộc là 500 triệu đồng. Với kịch bản “anh hùng giải cứu mỹ nhân”, Đức đến địa chỉ giam giữ Huyền, trao đổi tiền chuộc với mục đích khiến cô gái này rung động.
Thế nhưng, không như ý định của Đức, sau khi thoát ra ngoài, Huyền đã đến cơ quan công an trình báo.
Tiếp nhận thông tin, Công an quận Đống Đa đã khẩn trương vào cuộc, làm rõ và bắt khẩn cấp 4 đối tượng trên. Tại cơ quan công an, các đối tượng khai nhận được Đức thuê bắt giữ Huyền và dựng lên màn kịch bắt cóc tống tiền trên.
Vậy hành vi bắt giam người của Đức và các đối tượng trên sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư Duyên Trần – Công ty Luật MTV FDVN.
Theo Luật sư Duyên Trần, quyền bất khả xâm phạm về thân thể là một trong những quyền tự do cá nhân rất quan trọng của công dân, đã được quy định tại Điều 20 Hiến pháp 2013: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm. Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt, giam, giữ người do luật định”. Vấn đề này cũng đã được cụ thể hoá trong Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 bằng nguyên tắc đảm bảo quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân (Điều 10) cùng các quy định về căn cứ, thẩm quyền và thủ tục áp dụng các biện pháp bắt, giữ hoặc giam người. Ngoài ra, việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính cũng được quy định chặt chẽ trong Luật xử lý vi phạm hành chính. Do đó, bất cứ hành vi tự ý bắt, giữ, giam người hoặc bắt, giữ, giam người không đúng quy định của pháp luật được coi là hành vi trái pháp luật.
Đối chiếu với hành vi bắt, giữ hoặc giam người của Đức và đồng bọn nêu trên, đây là hành vi xâm phạm nghiêm trọng đến quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân; là hành vi cố ý bắt, giữ, giam người trái pháp luật và có thể bị xử lý theo Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật quy định tại Điều 157 Bộ luật hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017). Tuỳ theo tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi, người phạm tội sẽ chịu một trong ba khung hình phạt sau đây
– Khung một (khoản 1): Có mức hình phạt là cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Được áp dụng đối với trường hợp phạm tội có đủ dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này.
– Khung hai (khoản 2): Có mức hình phạt là phạt tù từ 02 năm đến 07 năm. Được áp dụng đối vôi một trong các trường hợp phạm tội sau đây:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Đối với người đang thi hành công vụ;
d) Phạm tội 02 lần trở lên;
đ) Đối với 02 người trở lên;
e) Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
g) Làm cho người bị bắt, giữ, giam hoặc gia đình họ lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn;
h) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
– Khung ba (khoản 3): Có mức hình phạt là phạt tù từ 05 năm đến 12 năm. Được áp dụng đối vôi một trong các trường hợp phạm tội sau đây:
a) Làm người bị bắt, giữ, giam chết hoặc tự sát;
b) Tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục nhân phẩm của người bị bắt, giữ, giam;
c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.
Ngoài việc phải chịu một trong các hình phạt chính như nêu trên, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Theo Luật sư Duyên Trần, đây là mức hình phạt tương đối nghiêm khắc cho những ai xem thường tính mạng, sức khỏe, quyền dân sự bất khả xâm phạm của công dân.
Cũng theo luật sư, hiện nay hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật có dấu hiệu gia tăng trong xã hội với nhiều mục đích khác nhau, trong đó có đánh ghen, đòi nợ hay giải quyết mâu thuẫn cá nhân…. Các cơ qu
an chức năng cần xử lý nghiêm khắc, nhằm kiên quyết đấu tranh với dạng tội phạm này để ổn định trật tự, giữ gìn kỷ cương xã hội.