Xã hội chỉ có thể phát triển khi mỗi công dân phải biết xấu hổ từ những việc nhỏ nhất như vi phạm luật giao thông, xả rác bừa bãi, hôi của…
Thêm một vụ hôi của khiến dư luận không thể không bất bình. Chỉ trong vòng 15 giây, toàn bộ số tiền 30 triệu của một phụ nữ đánh rơi trên đường ở TP.HCM đã bị người đi đường và người xung quanh nhanh chóng lấy đi, thay vì nhặt trả lại cho người bị rớt.
Nhìn hành động trơ trẽn, vơ vét những đồng tiền rơi trên đường nhanh như chảo chớp của 6 người trong video ghi lại sự việc mà thấy đau lòng. Câu nói “nhặt được của rơi trả người đánh mất” còn có giá trị trong xã hội hiện đại hay không?
Đáng buồn hơn nữa trong số 6 người tham gia “lượm tiền” có người phụ nữ chở theo trẻ em. Hình ảnh người phụ nữ ngồi trên xe rồi để đứa bé xuống đường nhặt tiền khiến nhiều người không khỏi phẫn nộ. Sao có thể dạy con trẻ làm điều xấu xa như vậy được cơ chứ?
Hình ảnh kẻ tham lam lao vào nhặt tiền rơi trên đường này gợi nhớ đến dòng người hung hãn hôi bia trong vụ đổ xe bia ở TP.HCM hay vụ một thanh niên trẻ dừng ô tô giữa phố để nhặt chùm vải của một người bán hàng bị đổ ra đường.
Thật xấu hổ biết bao.
Đành rằng hôi của là vi phạm luật pháp và người hôi của sẽ phải nhận sự trừng phạt thích đáng của pháp luật nhưng tiếng xấu mà những kẻ “thừa nước đục thả câu” ấy sẽ phải mang theo cả đời.
Xã hội chỉ có thể phát triển khi mỗi công dân phải biết xấu hổ từ những việc nhỏ nhất như vi phạm luật giao thông, xả rác bừa bãi, hôi của… Nhật Bản là một ví dụ.
Một điều được nhiều người nhắc đến khi nói về sự an toàn khi ở Nhật Bản: “Nếu bạn làm mất ví, đừng quá lo lắng vì chúng sẽ tự tìm về thôi!”. Quả thực, thống kê từ Sở cảnh sát đô thị Tokyo năm 2017, tổng cộng ghi nhận gần 4 triệu tài liệu và vật phẩm đánh rơi được người dân giao cho cảnh sát. Trong khi đó, số vụ báo mất tài sản là khoảng 1 triệu 20 ngàn trường hợp. Điều này cho thấy số của rơi được tìm thấy nhiều gấp 4 lần số tài sản báo mất.
Theo ước tính của cảnh sát Tokyo, khoảng 73,2% tiền mặt đã về với “khổ chủ”. Và theo trang Live Japan, tổng số tiền người dân nhặt được và nộp cho cảnh sát trong năm 2017 lên tới 75,5 triệu yên, tương đương 15,7 tỷ đồng.
Chừng nào còn nhiều người không biết xấu hổ trước hành vi đớn hèn của con người, chừng đó xã hội còn kém văn minh và văn hóa. Biết xấu hổ là còn lòng tự trọng và mới mong mang lại điều tốt đẹp cho xã hội.
Ở Singapore những hành vi vi phạm nhỏ nhất như xả rác bừa bãi, đi vệ sinh bậy, hôi của… đều bị xử rất nghiêm. Phạt tiền, giam giữ, bị bôi xấu trên phương tiện truyền thông… là điều không thể tránh với các vi phạm này.
Với chúng ta, phải chăng cần tăng nặng hình phạt, thậm chí hình sự hóa đối với những hành vi vi phạm dù nhỏ nhất với môi trường, văn hóa, giao thông.
Chỉ khi con người nghiêm túc chấp hành pháp luật từ những việc nhỏ thì việc lớn mới mong thành công được.