Theo ghi nhận của PV tối 25/2 (tức 14 tháng Giêng Âm lịch), tình trạng chen lấn, ngồi tràn ra đường dự lễ cầu an tại chùa Phúc Khánh đã không còn. Trái lại, chỉ lác đác một vài người dân đứng trước cửa chùa vái vọng, theo dõi đại lễ thông qua màn hình điện thoại.
Ở bên ngoài, lực lượng dân phòng liên tục nhắc nhở, điều tiết phương tiện để tránh xảy ra hiện tượng tập trung đông người.
Vì không vào được bên trong nên nhiều người đứng ngoài vái vọng.
Người dân cầm đồ lễ đứng ở bên ngoài chùa Phúc Khánh.
Đúng 20h, những tiếng chuông vang lên từ phía bên trong khuôn viên nhà chùa, báo hiệu đại lễ cầu an bắt đầu. Trước cổng chùa, một vài người dân đứng vái vọng, hoàn toàn không diễn ra tình trạng chen lấn, xô đẩy.
Người dân thành tâm vái vọng, cầu cho một năm mới bình an.
Bên ngoài chùa Phúc Khánh không còn cảnh đông đúc như các năm trước. Mặt đường Tây Sơn giao thông đi lại thông thoáng, không xảy ra cảnh ùn tắc cục bộ.
Theo thông báo của nhà chùa, Tổ đình Phúc Khánh sẽ tổ chức cầu an trực tuyến vào lúc 20h tối 25/2 trên trang Facebook “Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội”.
Là một trong số những người dân có mặt tại chùa Phúc Khánh tối ngày 25/2, chị Nghiêm Thuý Hằng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) nán lại trước cổng chùa và theo dõi lễ cầu an qua điện thoại. Chị cho biết bản thân rất ủng hộ phương án tổ chức của nhà chùa: “Theo tôi đây là việc làm đúng đắn để hạn chế tình trạng tập trung đông người. Bản thân tôi không thấy có điều gì bất tiện cả”, chị Hằng nói.
Lượng người đổ về chùa Phúc Khánh không đông đúc như mọi năm.
Đây là năm đầu tiên chùa Phúc Khánh tổ chức cầu an trực tuyến. Đến giờ hành lễ, 10 nhà sư sẽ ngồi ở chính điện đọc kinh cầu nguyện, máy quay ghi lại hình ảnh và phát trực tiếp trên trang mạng xã hội. Sớ của các gia đình đã gửi trước Tết Nguyên đán được dâng lên chính điện. Sau ngày này, phật tử đến lễ tạ và nhận lộc như đã đăng ký.