Mưa sao băng Quadrantids sẽ đạt cực đại vào đêm 3/1, rạng sáng 4/1.
Theo Space, mưa sao băng Quadrantids đã xuất hiện từ cuối tháng 12 năm ngoái và sẽ duy trì đến tuần thứ 2 của tháng 1/2021. Không giống như các trận mưa sao băng khác thường duy trì mức độ cực đại trong khoảng 1-2 ngày, mưa sao băng Quadrantids chỉ đạt cực đại trong vài giờ, vì thế bạn cần canh đúng đêm “cực đỉnh” để tận hưởng được vẻ rực rỡ của nó.
Định vị tại TP.HCM, trang Time and Date cho biết đêm đẹp nhất của mưa sao băng Quadrantids sẽ là đêm 3/1, rạng sáng 4/1. Thời điểm quan sát tốt nhất là rạng sáng 4/1, khoảng 2h cho đến trước khi mặt trời lên. Lúc này, số sao băng rơi mỗi giờ có thể lên đến 120, tức gấp vài lần so với hầu hết các trận mưa sao băng khác. Các quốc gia ở Bắc Bán cầu sẽ thuận lợi để chiêm ngưỡng Quadrantids.
Mưa sao băng Quadrantids bắt nguồn từ Quadrans Muralis, chòm sao nằm giữa Bootes và Draco. Tuy nhiên, người quan sát không cần nhìn liên tục về phía đó vì các sao băng sẽ xuất hiện khắp bầu trời. Những sao băng siêu sáng và tồn tại lâu hơn mức trung bình cũng sẽ hiện diện trong mưa sao băng Quadrantids.
Mưa sao băng xảy ra khi Trái Đất đi xuyên qua những luồng bụi vũ trụ phía sau sao chổi, đôi khi là tiểu hành tinh. Quadrantids là một trong số ít mưa sao băng do các mảnh vụn từ tiểu hành tinh gây ra. Tiểu hành tinh này mang tên 2003 EH1, rộng hơn 3 km và hoàn thành một vòng quỹ đạo quanh Mặt Trời mỗi 5 năm.