Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, ông “rất thất vọng” khi Trung Quốc vẫn chưa cho phép nhóm chuyên gia quốc tế nhập cảnh để điều tra nguồn gốc của đại dịch COVID-19.
AFP đưa tin, Tổng Giám đốc WHO cho hay, ngày 5/1, một nhóm chuyên gia quốc tế đã bắt đầu lên đường tới Trung Quốc để điều tra về nguồn gốc của đại dịch COVID-19, song Bắc Kinh chưa hoàn tất các thủ tục nhập cảnh cần thiết dành cho phái đoàn này.
Phát biểu trước báo giới, người đứng đầu WHO nói: “Ngày 5/1, chúng tôi được biết các quan chức Trung Quốc vẫn chưa hoàn tất những thủ tục cấp phép nhập cảnh cần thiết cho nhóm. Tôi rất thất vọng về thông tin này, bởi 2 thành viên đã bắt đầu chuyến đi và những người khác không thể lên đường vào phút cuối.”
Nhiệm vụ điều tra lần này do ông Peter Ben Embarek, chuyên gia hàng đầu của WHO, dẫn đầu. Ông Embarek từng đến Trung Quốc trong một nhiệm vụ sơ bộ vào tháng 7 năm ngoái.
Trước thềm chuyến đi của đội ngũ chuyên gia WHO, Bắc Kinh đã tìm cách “viết lại” câu chuyện về thời điểm và địa điểm bắt đầu bùng phát đại dịch khi Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho rằng ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy dịch COVID-19 xuất hiện ở nhiều khu vực.
Trung Quốc đã bác bỏ những lời chỉ trích về việc cách ứng phó giai đoạn đầu khi các ca nhiễm sớm xuất hiện vào cuối năm 2019. Trong khi đó, Mỹ kêu gọi tiến hành cuộc điều tra minh bạch, đồng thời chỉ trích WHO thiên vị Trung Quốc.
Cùng ngày, WHO đưa ra khuyến cáo người dân nên được chủng ngừa 2 mũi vắc-xin của hai hãng dược Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) với thời gian cách nhau từ 21-28 ngày trong bối cảnh nhiều nước đối mặt với nguồn cung vắc-xin hạn chế.
Phát biểu trong cuộc họp báo trực tuyến, ông Alejandro Cravioto – Chủ tịch Nhóm chuyên gia cố vấn chiến lược về miễn dịch (SAGE) của WHO cho biết, SAGE đề nghị các nước hạn chế về nguồn cung vắc-xin của hãng Pfizer có thể trì hoãn việc tiêm mũi thứ 2 thêm vài tuần để tối đa hóa số người được tiêm mũi đầu tiên. Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cho rằng mọi quyết định đều để ngỏ tùy thuộc vào tình hình của mỗi nước.
Hiện thế giới ghi nhận khoảng hơn 86,7 triệu ca nhiễm và 1,8 triệu ca tử vong do dịch COVID-19.