Người yêu thiên văn sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng hiện tượng hiếm gặp trên bầu trời khi “bộ ba”sao Thủy, sao Mộc và sao Thổ sẽ cùng xuất hiện.
Từ ngày 9 đến 12/1, sao Thủy, sao Mộc và sao Thổ sẽ xuất hiện trên bầu trời phía tây nam. Sự kiện thiên thể được gọi là “sự kết hợp ba”, có nghĩa là ba hành tinh gặp nhau trên bầu trời trong một khoảng thời gian ngắn.
Ngay sau khi mặt trời lặn vào ngày 9/1, nhìn lên phía trên đường chân trời tây nam và bạn sẽ thấy sao Thủy ở bên trái sao Thổ và sao Mộc nằm ngay trên sao Thổ.
Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ NASA cho biết: “Từ tối thứ Sáu tuần này đến tối thứ Hai tuần sau”, hành tinh sao Thủy sẽ xuất hiện trước gần sao Thổ và sau đó là sao Mộc. Bạn có thể nhìn thấy ba hành tinh sau khi mặt trời lặn trên bầu trời phía tây tây nam”.
Theo các chuyên gia, cả ba hành tinh sẽ xuất hiện nằm gọn trong tầm quan sát của ống nhòm. Những người theo dõi bầu trời nên tìm chọn nơi thoáng đãng không bị cản trở tầm nhìn hướng về phía đường chân trời. Khoảng thời gian lý tưởng là sau khi mặt trời lặn khoảng 45 phút.
Theo cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ NASA, các hành tinh sẽ tạo thành một tổ hợp ba lần nữa vào ngày 13/2.
Bên cạnh sự xuất hiện của “bộ ba” sao Thủy, sao Mộc, sao Thổ cùng hội tụ trên bầu trời, năm 2021, người yêu thiên văn có thể được chiêm ngưỡng nhiều sự kiện khác:
Ngày 11/2: Sao Kim, sao Mộc trùng tụ
Những người dậy sớm sẽ có cơ hội bắt gặp 2 trong số các hành tinh sáng nhất trên bầu trời nằm rất gần nhau vào lúc bình minh: sao Kim và sao Mộc. Hiện tượng này gọi là trùng tụ, khi 2 hành tinh ở rất gần nhau trên bầu trời.
Khi nhìn bằng mắt thường, chúng sẽ hiện lên như 2 ngôi sao rất sáng trên trời. Nếu dùng kính viễn vọng thông thường, ta có thể thấy cùng lúc 2 hành tinh này. Thêm vào đó, nếu nhìn về phía trên bên phải của cặp đôi, ta còn có thể thấy được sao Thổ.
Để có thể chiêm ngưỡng hiện tượng này, chúng ta cần chọn thời gian thích hợp, lý tưởng nhất là 20-30 phút trước khi Mặt trời nhú lên khỏi đường chân trời. Bộ đôi hành tinh sẽ nằm gần Mặt trời, vì thế ta sẽ quan sát chúng được một lúc trước khi ánh bình minh lấn át tầm nhìn.
Ngày 9, 10/3: Hội tụ 4 thiên thể
Một cảnh tượng lý thú sẽ xuất hiện trên toàn cầu khi có 4 thiên thể cùng xuất hiện trên nền trời ở rất gần nhau. Sao Thủy, sao Mộc và sao Thổ sẽ gần như nằm thẳng hàng, trong khi đó Mặt trăng lưỡi liềm sẽ nằm cạnh bộ ba này.
Mỗi hành tinh sẽ là một chấm sáng trên trời, sáng nhất là sao Mộc. Ta có thể quan sát bằng mắt thường. Khi nhìn bằng ống nhòm, người yêu thiên văn có thể thấy được 4 mặt trăng lớn của sao Mộc, còn khi nhìn bằng kính thiên văn, ta còn thấy được vành đai của sao Thổ.
Bởi vị trí tương đối của Trái Đất so với sao Thủy và Mặt trời, chỉ có một phần của sao Thủy phát sáng. Vào ngày này, sao Thủy sẽ trông như một Mặt trăng khuyết phiên bản “mini” khi nhìn qua kính thiên văn.
Ngày 26/5: “Trăng máu”
Khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng hiện tượng “trăng máu” bởi nguyệt thực toàn phần. Nguyệt thực toàn phần xảy ra khi Mặt trời, Trái Đất và Mặt trăng thẳng hàng sao cho bóng của Trái đất che phủ hoàn toàn bề mặt Mặt trăng.
Trong khi diễn ra pha toàn phần, ánh sáng Mặt trời khi chiếu qua khí quyển của Trái Đất sẽ bị bẻ cong (khúc xạ) và để lại ánh sáng màu đỏ lên bề mặt Mặt trăng. Vì vậy vào lúc này, “chị Hằng” sẽ chuyển từ màu xám sẫm sang màu cam đỏ nên hiện tượng này còn được gọi là “trăng máu”.
Đặc biệt, lần nguyệt thực toàn phần này trùng hợp với lúc Mặt trăng ở gần Trái Đất nhất, thường gọi là hiện tượng “siêu trăng”. Vì thế Mặt trăng sẽ to và sáng hơn thông thường.
Ngày 10/6, “Vòng lửa” trên trời; Ngày 12/7, sao Kim, sao Hỏa trùng tụ; Ngày 12, 13/8, mưa sao băng Perseid; Ngày 18/8s ao Hỏa, sao Thủy trùng tụ; Ngày 8/10, mưa sao băng Draconid; Ngày 19/11, nguyệt thực một phần; Ngày 4/12, nhật thực toàn phần