Trong cuộc sống mọi vật, mọi người trên đời đều không thể tránh khỏi vòng tròn của nhân quả. Nếu gieo "Nhân" tốt thì đừng vội chán nản khi mình chưa nhận được "Quả" ngọt. Luật nhân quả không bao giờ bỏ sót một ai.
Bài viết sau đây trích từ cuốn sách “Cách sống” của tác giả Inamori Kazuo. Hãy đọc bài viết dưới đây để suy ngẫm về câu chuyện chờ đợi kết quả của luật nhân quả.
Từ suy nghĩ và hành động tới khi có kết quả phải có thời gian và thường là thời gian phải tính bằng năm.
Đã bốn mươi năm qua kể từ khi tôi bắt đầu sự nghiệp.
Trong khoảng thời gian đó, tôi đã chứng kiến sự thăng trầm của rất nhiều người. Nếu nhìn cả quá trình 30 đến 40 năm thì hết thảy đều thấy được kết quả tương xứng với cách sống hàng ngày trong cuộc đời của từng người.
Nếu xem xét sự vật trong cả một quá trình dài thì những người cảm thấy tiếc nuối, ân hận vì đã không sống thành thực và không làm việc thiện sẽ thấy cuộc đời mình chỉ toàn gặp nỗi bất hạnh và cũng sẽ thấy những kẻ làm điều ác, những kẻ sống vô trách nhiệm cũng sẽ không thành công mãi được.
Mặt khác, trong thực tế cũng có kẻ làm việc xấu lại thành công do ăn may; người nỗ lực vì điều thiện lại gặp chuyện chẳng lành.
Nhưng thời gian trôi qua, mọi thứ dần dần thay đổi, cuối cùng tất cả sẽ thu được kết quả khớp với lời nói, việc làm, cách sống của từng người và hoàn cảnh do mình đó tạo ra. Chúng ta sẽ thấy “Nhân nào Quả ấy” thể hiện chính xác đến mức đáng sợ.
Từ suy nghĩ và hành động tới khi có kết quả phải có thời gian và thường là thời gian phải tính bằng năm.
Cách đây vài năm, Kyocera đã giúp đỡ Công ty công nghiệp Mita, một hãng sản xuất máy photocoppy đang rơi vào tình trạng phá sản. Sau khi lập ra công ty mới với tên gọi Kyocera Mita, tôi tiến hành tái thiết nó.
Một thời gian sau, kết quả kinh doanh dần dần được cải thiện, khoản nợ khổng lồ cũng được trả sớm hơn so với dự tính rất nhiều và giờ đây nó đã trở thành một trong những trụ cột của tập đoàn Kyocera.
Người có công trong quá trình tái thiết đó là người phụ trách bộ phận thiết bị thông tin của Kyocera, được bổ nhiệm làm giám đốc của Kyocera Mita và chịu trách nhiệm công cuộc tái thiết này. Thực ra, trước kia người đó đã từng là quản đốc nhà máy của một hãng chế tạo thiết bị điện tử viễn thông tiên tiến.
Công ty công nghiệp Mita trước đó đã phát triển mạnh mẽ đúng lúc đang rộ lên cơn sốt máy photocoppy, nhưng khi cơn sốt thoái trào thì công việc kinh doanh cũng xuống theo.
Sau khi nhận được lời đề nghị giúp đỡ, Kyocera đã chi viện tài chính và coi nó là một thành viên tập đoàn. Đây là câu chuyện đã xảy ra cách đây hơn hai mươi năm.
Chúng tôi cũng nếm đủ muôn vàn vất vả trong quá trình tái thiết. Số là trong các nhân viên của Mita có những thành viên công đoàn quá khích.
Họ đưa ra nhiều đòi hỏi vô lý khó chấp nhận, thậm chí còn kéo đến cả nhà tôi đặt điều, dèm pha ác ý. Bản thân tôi chịu nhiều điều phiền phức và Kyocera cũng chịu nhiều điều tiếng.
Kyocera đã dang tay giúp đỡ công ty cũng như toàn bộ nhân viên của họ đang bị dồn vào đường cùng, vậy mà chúng tôi phải chịu những chuyện thị phi và riêng bản thân tôi cũng chỉ biết im lặng chịu đựng.
Nhưng rồi trong quá trình tái thiết, nhiều người trong số họ đã hiểu ra, cảm ơn sự giúp đỡ của Kyocera, sự giúp đỡ của Inamori.
Một trong số họ là giám đốc đầu tiên của Kyocera Mita mà tôi đã đề cập. Từ chỗ là người trước kia đã được cứu giúp thì lần này đã đứng ở phía đi cứu giúp. Những điều anh nói với tôi đã cho tôi một cảm nhận sâu sắc:
“Có thời, tôi đã được người khác cứu. Dịp này tôi trở thành người đi cứu người khác. Tôi cảm nhận được vòng tròn của số mệnh. Với việc chịu trách nhiệm tái thiết công ty Kyocera Mita, cơ hội để tôi trả ơn đã tới. Tôi đã cảm nhận rõ luật nhân quả!”.
Sau khi nghe lời giãi bày của anh, tôi thực sự cảm động. Khi xem xét sự vật trong cả một quá trình dài thì quan hệ nhân quả rất rõ ràng.
Không thể nào cứ làm điều thiện mà kết thúc với kết quả xấu, có thể trong nhất thời tôi đã phải chịu nhiều sức ép nhưng kết cục tôi đã thành công trong công cuộc tái thiết và cũng đã nhận được lòng biết ơn từ các nhân viên Mita.
Tôi tin tưởng chắc chắn vòng tuần hoàn nhân thiện dẫn tới quả thiện sẽ còn mở rộng hơn nữa.
Trong cuốn sách “Thái căn đàm” thời nhà Minh của Trung Quốc có câu: “Làm việc thiện mà chưa nhìn thấy lợi ích của nó cũng giống như tìm quả dưa gang nằm khuất trong đám cỏ tạp”.
Câu này có nghĩa là mặc dù làm điều tốt nhưng kết quả tốt chưa xuất hiện thì cũng giống như quả dưa gang lặng lẽ phát triển lẫn trong đám cỏ mà chúng ta không nhìn thấy. Để nhân quả báo ứng thì cần có thời gian.
Khắc sâu điều này trong tâm, chúng ta không được nóng vội, sốt ruột về kết quả mà hãy lặng lẽ hàng ngày làm điều thiện. Sự nỗ lực rồi rồi sẽ được đền đáp.
Nhân quả báo ứng
Mỗi tôn giáo đều có phương thức lí luận nhân quả của riêng mình, nội dung cũng không giống nhau. Luật nhân quả báo ứng được quan niệm khác nhau, thậm chí đang tồn tại sự khác biệt khác lớn. Phật giáo, đối với “nhân quả báo ứng“, có cái nhìn đầy đủ và thấu triệt, bài viết này theo lí luận của Lời Phật Dạy để làm căn cứ cho vấn đề nghiên cứu nhân quả.
Nội dung lí luận nhân quả trong Phật pháp rất rộng. Nhân quả báo ứng thảo luận những vấn đề cốt yếu nhất của nhân quả báo ứng, song nó chỉ là hạt nước nhỏ bé trong biển luật nhân quả mênh mông của Phật giáo.
Nói một cách đơn giản, “nhân quả báo ứng” chính là làm thiện được quả báo thiện, còn làm các điều ác bị quả báo ác. “Luật nhân quả” chính là phương thức, qui tắc cùng định luật cố định của nhân quả báo ứng.
Còn nói rõ hơn, những hành vi thuộc ác chủ yếu là “thập ác và ngũ nghịch”. Mỗi
hành vi xấu ác, đều phải chịu ác báo tương xứng với hành vi đó. Vả lại, căn cứ vào những hành vi xấu ác nặng hay nhẹ mà có quả báo khác nhau. Làm mười điều ác, sau khi chết chắc chắn phải thọ khổ trong địa ngục, còn tạo ác nhẹ hơn, sau khi chết chuyển sinh thọ khổ trong loài ngạ quỉ, nếu tạo ác nhẹ hơn nữa, thọ khổ trong loài súc sinh. Sau khi thọ hết tất cả thống khổ trong các đường này rồi, sẽ được chuyển sinh trở lại làm người, và tiếp tục bị thọ các quả báo như dưới đây:
1. Sát sinh: Sẽ bị quả báo như: nhiều bệnh, tàn tật, chết yểu, nhiều tai họa, cốt nhục chia lìa… (Trực tiếp hoặc gián tiếp sát hại, đánh đập, ngược đãi, tổn hại người, động vật, đều thuộc hành vi sát sinh, đều bị những quả báo như trên).
2. Trộm cắp: Sẽ bị quả báo nghèo khổ, tài sản bị người khác chiếm đoạt… (Hễ tài vật hoặc đồ dùng của người khác,chưa được sự đồng ý của họ mà ta tự lấy dùng hoặc chiếm đoạt, đều thuộc trộm cắp).
3. Tà dâm: Bị quả báo gặp những người vợ (chồng) hung dữ, không chung thủy, vợ con bị người khác cưỡng hiếp, bà con không vừa lòng. ( Làm bậy, quan hệ với nam nữ, cho đến làm những việc có liên quan đến sắc tình, đều thuộc tà dâm).
4. Nói dối: Quả báo bị người phỉ báng, khinh khi. (Nói không đúng sự thật, làm chứng bậy, không giữ chữ tín, đều phạm vào tội nói dối).
5. Nói lời trau chuốt: Bị quả báo nói ra lời nào mọi người đều không tin, không tiếp thu, lời nói không rõ ràng, diễn đạt người ta không hiểu. (Nói những lời tà dâm, những lời khiến cho mọi người nghĩ chuyện ái ân, đều gọi là nói lời trau chuốt).
6. Nói lưỡi đôi chiều: Bị quả báo quyến thuộc chia lìa, thân tộc xấu ác. (Đâm bị thóc, thọc bị gạo, gây chia rẽ, đều phạm tội nói lưỡi đôi chiều).
7. Nói lời hung ác: Quả báo thường bị người mắng chửi, gặp nhiều chuyện kiện cáo tranh chấp. (Dùng lời tàn bạo, độc ác mắng người, đều thuộc nói lời ác).
8. Tham dục: Bị quả báo tâm không biết đủ, tham dục không chán. (Tham cầu hưởng thụ các loại như tiền tài, sắc đẹp, danh lợi… say mê không có ý niệm xa rời, tất cả những thứ này đều thuộc tham).
9. Sân nhuế: Bị quả báo thường bị người dị nghị, nhiễu loạn khiến cho phiền não, hoặc bị hãm hại. (Gặp chuyện không vừa lòng liền sinh tức tối oán hận, đây tức là sân nhuế).
10. Nghi: Bị quả báo sinh vào gia đình tà kiến, sinh ra nơi xa xôi hẻo lánh thiếu Phật pháp và văn minh, tâm nịnh nọt, không ngay thẳng, nhiều mưu mô quỉ kế, thích những người có tâm nịnh hót. (Nghi chỉ cho những người có cái nhìn tà, không tin nhân quả).
Thanh t/h