Mới đây, trong cùng đợt kiểm tra, lực lượng QLTT tỉnh Hải Dương đã phát hiện và liên tiếp xử phạt 3 cơ sở kinh doanh sa tế giả mạo nhãn hiệu, điều này làm lên dấy lên lo ngại về sức khỏe của người tiêu dùng khi lỡ ăn phải.
Xử phạt 3 cơ sở bán sa tế giả tại Hải Dương
Thông tin từ cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Hải Dương, thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường về việc phối hợp với cục Nghiệp vụ QLTT kiểm tra, xử lý một số cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh Hải Dương bày bán sản phẩm “Sa tế tôm ngon Thuận Phát ” có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu theo đơn đề nghị của đại diện chủ sở hữu nhãn hiệu.
Theo đó, đội QLTT số 1 và đội QLTT cơ động số 5 đồng loạt ra quân phối hợp với cục Nghiệp vụ QLTT kiểm tra 3 cơ sở kinh doanh hàng hóa có dấu hiệu vi phạm trên địa bàn thành phố Hải Dương.
Tại thời điểm kiểm tra phát hiện tại các điểm kiểm tra có bày bán nhiều sản phẩm “Sa tế tôm ngon Thuận Phát” có dấu hiệu vi phạm, toàn bộ số hàng hóa này đã bị tạm giữ theo quy định.
Qua xác minh làm rõ, cục QLTT tỉnh Hải Dương đã ban hành 03 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 24 triệu đồng, tịch thu 2.789 lọ “Sa tế tôm ngon Thuận Phát và hình” (loại 85g) giả mạo nhãn hiệu, đình chỉ hoạt động kinh doanh hàng hóa vi phạm 01.
Sử dụng phải sa tế giả sẽ rất có hại cho sức khỏe
Sa tế là loại gia vị không thể thiếu trong các món thịt nướng và lẩu, nước lèo. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu sử dụng sa tế không rõ nguồn gốc, giả mạo, không biết cách bảo quản thì sa tế cũng có thể gây tổn thương cho gan, thận dẫn tới ung thư.
Theo các chuyên gia, nguyên liệu chính để làm sa tế là ớt bột chưng với dầu và một số gia vị khác. Thời gian qua nhiều mẫu ớt bột được chứng minh có chứa chất RhodamineB gây nguy cơ ung thư cao.
Vì vậy, sa tế cũng có nguy cơ nhiễm chất này. Mặt khác, ớt bột là thành phần chính tạo màu sắc đỏ, độ cay. Nhưng hầu hết các nhà sản xuất sa tế đều không công bố nguồn gốc loại ớt, thậm chí có loại còn không có tên cơ sở sản xuất hoặc nhập nhèm hạn sử dụng… cho thấy độ an toàn của sa tế thấp.
Ngoài ra, nguy cơ gây hại của sa tế với cơ thể còn ở chỗ dầu ăn dùng để chiên ớt và các thành phần khác rất dễ bị ôxy hóa, nếu không được bảo quản đúng sẽ gây ra các mầm bệnh. Về cảm quan, sa tế có màu đỏ (trên thị trường nhiều hũ sa tế có màu nâu đỏ), khi cho phụ gia khác có thể biến màu, biến chất gây độc hại cho cơ thể. Nếu sử dụng sản phẩm không an toàn lâu ngày, hóa chất độc hại sẽ tích tụ trong cơ thể gây ra bệnh mãn tính như tổn thương gan, thận và dẫn đến ung thư. Với những người cơ địa yếu, gan kém, sự đào thải qua gan kém có thể bị ngộ độc cấp tính.
Cùng với đó, khâu bảo quản sa tế cũng rất quan trọng. Nếu người dùng mua sản phẩm được sản xuất đúng mà dùng sai hay không biết bảo quản thì vẫn biến sản phẩm thành không chất lượng. Người tiêu dùng mở nắp hũ sa tế, dùng không hết, bảo quản kém trong thời gian dài cũng khiến các thành phần bị biến đổi hoặc khi lấy ra dùng có thể bị dây các loại thức ăn khác hay nước lạnh vào khiến sa tế dễ bị thiu, lần ăn sau dễ mắc các bệnh tiêu chảy…