Nghiên cứu công bố trên tạp chí quốc tế đã trình bày về cách Việt Nam xét nghiệm chuẩn RT-PCR cho 100.000 người ở Đà Nẵng chỉ trong 14 ngày.
Phương pháp giúp xét nghiệm COVID-19 'thần tốc' của Việt Nam được lên tạp chí quốc tế chính là phương pháp “mẫu gộp”. Công trình được thực hiện bởi các tác giả từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng, sở Y tế Đà Nẵng, đại học Kỹ thuật Y – Dược Đà Nẵng, viện Pasteur Nha Trang, bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, đơn vị Nghiên cứu lâm sàng đại học Oxford đặt tại TP.HCM, khoa Y Nuffield từ Trung tâm Y học Nhiệt đới và sức khỏe toàn cầu đại học Oxford (Vương Quốc Anh).
Theo bài công bố trên tạp chí The American Journal of Tropical Medicine and Hygiene, phương pháp xét nghiệm SARS-CoV-2 mẫu gộp đã giúp giải quyết mẫu dịch phết mũi họng của 96.123 cá nhân chỉ trong vòng 14 ngày. Thay vì xét nghiệm từng mẫu đơn lẻ theo cách truyền thống, 96.123 mẫu này được chia thành 22.290 mẫu gộp, mỗi mẫu gộp chứa dịch phết mũi họng của 2-7 cá nhân.
Sau đó, họ đã phát hiện SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 trong 24 mẫu gộp, chứa dịch phết mũi họng của 104 cá nhân. Sau khi lấy lại mẫu và xét nghiệm đơn lẻ một lần nữa, 32 người được xác định dương tính với SARS-CoV-2.
Theo nhóm nghiên cứu, với tổng năng lực xét nghiệm tại khu vực xảy ra dịch bệnh thời điểm đó, nếu xét nghiệm đơn lẻ từng mẫu như kiểu truyền thống có thể mất đến 64 ngày. Như vậy, gộp mẫu khi xét nghiệm đã giúp tiết kiệm được 50 ngày, có ý nghĩa rất lớn trong việc khoanh vùng các chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng.
Cách làm này còn giúp tiết kiệm đến 77% sinh phẩm khi xét nghiệm. Điều này không những tiết kiệm chi phí mà còn rất ý nghĩa ở các quốc gia xảy ra lây nhiễm cộng đồng trên diện rộng, nhu cầu xét nghiệm tăng đột biến, các phòng xét nghiệm bị quá tải.
Các tác giả cũng đã làm những thử nghiệm để so sánh độ nhạy của phương pháp RT-PCR khi xét nghiệm mẫu gộp và khi xét nghiệm mẫu lẽ. Kết quả cho thấy độ nhạy không hề thay đổi.
Theo bộ Y tế, COVID-19 là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm A do virus SARS-CoV-2 gây ra, lây truyền từ người sang người và có thời gian ủ bệnh trong khoảng 14 ngày. Người mắc bệnh có triệu chứng viêm đường hô hấp cấp tính như: sốt, ho, đau họng, khó thở, có thể dẫn đến viêm phổi nặng, suy hô hấp cấp và tử vong, đặc biệt ở những người có bệnh lý nền, mạn tính, người cao tuổi.
Có một tỷ lệ cao người nhiễm virus SARSCoV-2 không có biểu hiện lâm sàng (40-50%) và có thể là nguồn lây trong cộng đồng, gây khó khăn cho việc giám sát và phòng chống dịch.