Bộ Tình báo Iran đã xác định được những cá nhân liên quan đến vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân Mohsen Fakhrizadeh.
Bộ Tình báo Iran đã xác định được những cá nhân liên quan đến vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân Mohsen Fakhrizadeh.
“Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran đã báo cáo về vụ việc. Bộ Tình báo nhờ nỗ lực đã phát hiện những động thái nhất định và đã thành công trong việc giành quyền kiểm soát khu vực. Bộ Tình báo đã xác định được các cá nhân có liên quan và tất cả các khía cạnh đang được điều tra. Khi hoàn tất, phản ứng đáp trả sẽ được lên kế hoạch”, phát ngôn viên chính phủ Iran Ali Rabiei trả lời phỏng vấn Press TV hôm 2/12.
Bình luận nói trên được đưa ra hai ngày sau khi Bộ trưởng Tình báo Iran Mahmoud Alavi cho biết, lực lượng an ninh của nước này đã tìm thấy nhiều manh mối mới về vụ ám sát tiến sĩ Fakhrizadeh.
Nhà khoa học quân sự và hạt nhân hàng đầu Iran Mohsen Fakhrizadeh bị ám sát hôm 27/11 sau một vụ nổ và một vụ xả súng tự động gần thủ đô Tehran của Iran.
Phát biểu trong lễ tang ông Fakhrizadeh hôm 30/11, phát ngôn viên Alavi cho biết, các lực lượng an ninh Iran đã nỗ lực hết mình kể từ khi nhà khoa học bị ám sát và đã thành công trong việc tìm ra nhiều manh mối bằng cách điều tra đầy đủ mọi khía cạnh của vụ tấn công khủng bố.
Động cơ gây án
Tổng thống Iran Hassan Rouhani hôm 28/11 tuyên bố “kẻ thù không đội trời chung” Israel đã làm “lính đánh thuê” cho Mỹ khi tiến hành ám sát Mohsen Fakhrizadeh, nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Tehran. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif trước đó cũng cáo buộc Israel đứng sau vụ tấn công và kêu gọi cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Liên minh châu Âu (EU), lên án hành động khủng bố này.
Nếu những nghi vấn trên là hiện thực, câu hỏi đặt ra là tại sao Israel thực hiện vụ ám sát vào lúc này, sau gần 10 năm không tiến hành những điệp vụ tương tự.
Khả năng đầu tiên là Israel có thể đang tìm cách khiêu khích Iran tiến hành phản ứng quân sự, tạo cớ để Mỹ tấn công chương trình hạt nhân của nước này trong những tuần cuối cùng của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Thủ tướng Israel trở nên cảnh giác sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden cam kết về “con đường ngoại giao” dành cho Iran. Một số nguồn tin giấu tên tiết lộ ông đang thúc đẩy ông Trump giáng đòn quyết định vào tham vọng hạt nhân của Tehran như một lời tạm biệt, bình luận viên Steve Hendrix và Shira Rubin của Washington Post nhận định.
Một mục tiêu khác mà Israel có thể nhắm đến thông qua vụ ám sát là giải quyết phần nào những rắc rối pháp lý và chính trị trong nước. “Nhìn chung, ông Netanyahu là người thận trọng trong hành động quân sự. Nhưng trong trường hợp này, ông ấy đang phải đối mặt với một loạt thách thức, không chỉ về các mục tiêu chiến lược, mà còn cả về chính trị. Ông Netanyahu cần những diễn biến mang tính đột phá để chứng minh ông ấy là lãnh đạo không thể thay thế của Israel”, Chuck Freilich, cựu phó cố vấn an ninh quốc gia Israel, đánh giá.
Phe “diều hâu” tại Iran đang thúc giục các lãnh đạo đáp trả mạnh mẽ, như tờ báo bảo thủ Kayhan kêu gọi tấn công thành phố cảng Haifa ở Israel nếu vai trò của nước này trong vụ ám sát được chứng minh. Tuy nhiên, Tehran vẫn chưa đưa ra hành động nào.
Meir Javedanfar, giảng viên về các vấn đề Iran tại Trung tâm Liên ngành Herzliya của Israel, đánh giá Tehran sẽ giải quyết vấn đề một cách thận trọng, bởi nước này đang đối mặt một loạt lệnh trừng phạt gây ảnh hưởng nặng nề, số ca nhiễm và tử vong vì COVID-19 cao nhất Trung Đông, cùng tình trạng bất ổn trong nước ngày càng gia tăng.
Việc Iran tới nay vẫn chưa có động thái nào cho thấy họ có thể kiềm chế và chờ đợi tình hình nhiệm kỳ tổng thống Mỹ tiếp theo.
Và dù vụ ám sát xuất phát từ lý do gì, sự việc cũng đặt ra thách thức nan giải hơn đối với Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời ông Biden. Ngay trước cái chết của nhà khoa học Fakhrizadeh, nhiều cuộc họp liên quan đến giới chức cấp cao Mỹ, Israel và Arab Saudi đã được tổ chức, cả công khai và bí mật.
Điều đó có nghĩa là những đồng minh của Mỹ đã tập hợp lại và sẵn sàng đối đầu với Iran, quốc gia mà họ coi là mối đe dọa chính, đồng thời muốn Mỹ coi trọng quan điểm của họ.