Liên tục trong thời gian vừa qua có rất nhiều người là đối tượng thanh niên trẻ tuổi đã rơi vào tình trạng đột quỵ phải cấp cứu. Trong khi trước đây căn bệnh này thường xuất hiện ở đối tượng trung niên, người cao tuổi. Vì sao lại như vậy?
BS. Bùi Long – Trưởng khoa Tim mạch Can thiệp, BV Hữu Nghị cho biết, các bác sĩ vừa tiếp nhận cho bệnh nhân N.A.Đ. (nam, 31 tuổi, trú tại Hà Nội) bị đột quỵ tim. Đây là trường hợp bệnh nhân trẻ tuổi nhất bị đột quỵ tim mà bệnh viện từng tiếp nhận điều trị.
Khai thác tiền sử thấy, bệnh nhân không có tiền sử bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp, mỡ máu không tăng cao. Tuy nhiên, thanh niên này có tiền sử hút thuốc lá nhiều, 6-7 điếu mỗi ngày. Đến khi bệnh nhân có biểu hiện đau ngực thì mới đến bệnh viện khám.
Các bác sĩ nhận định ban đầu bệnh nhân có thể đau ngực do vấn đề co thắt mạch vành. Khi chụp mạch vành thấy tách hoàn toàn nhánh mạch chính. Bệnh nhân được đặt stent, sau can thiệp bệnh nhân còn mệt, vẫn còn dấu hiệu của suy tim – đây là hậu quả của nhồi máu cơ tim. May mắn, bệnh nhân có thể lực tốt, không mắc bệnh nền. Sau 4 ngày, bệnh nhân khỏe, huyết áp ổn định, không dùng thuốc trợ tim và đang dùng thuốc dự phòng.
Theo BS. Bùi Long, không quan trọng tuổi tác đối với các bệnh nhân tim mạch mà chính là các yếu tố nguy cơ. Đặc biệt người hút thuốc lá thường xuyên có yếu tố nguy cơ cao vì trong thuốc lá có chất nicotin gây hại trên mạch máu, suy giảm chức năng nội mạc động mạch. Điều này dễ làm lắng đọng các mảng xơ vữa dẫn đến chít hẹp động mạch. Khi các mảng xơ vữa này không ổn định, có thể nứt vỡ dẫn tới hình thành các cục máu đông thứ phát gay ra nhồi máu cơ tim, nhồi máu não gây đột quỵ.
Thứ 2 là vấn đề tăng mỡ máu, thường lưu ý yếu tố gia đình và đột biến gen. Với người trẻ mà mỡ máu tăng cao không liên quan đến chế độ ăn uống thì phải test gen gây ra tăng mỡ máu. Ở những người này, bệnh tim mạch có thể đến rất sớm.
Chính vì vậy, BS. Long khuyến cáo, người trẻ cần duy trì sinh hoạt điều độ, tăng cường vận động, tập luyện thể thao. Ăn uống điều độ, hạn chế thực phẩm nhiều dầu mỡ. Hạn chế các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá. Đặc biệt cần thăm khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm và điều trị kịp thời bệnh.
PGS.TS. Mai Duy Tôn – Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, BV Bạch Mai cũng khuyến cáo: “Với với người trẻ, để giảm nguy cơ đột quỵ cần khám sức khỏe định kỳ để tầm soát các yếu tố nguy cơ, nếu có cần điều trị sớm. Chẳng hạn điều trị tăng huyết áp, các bệnh lý chuyển hóa, béo phí… nên thay đổi thói quen, sinh hoạt khoa học, bỏ thuốc lá, bỏ rượu.
Với bệnh nhân trong gia đình có người từng bất thường mạch máu, tăng đông nên được tư vấn bởi các bác sĩ chuyên khoa để được sàng lọc loại trừ yếu tố nguy cơ”.
Chuyên gia đột quỵ chỉ rõ, khoảng 1/3 các ca đột quỵ xuất hiện sau khi có một hoặc nhiều cơn đột quỵ nhẹ hay còn gọi là cơn thiếu máu não thoáng qua. Cơn thiếu máu não thoáng qua xảy ra do tình trạng ngừng tạm thời việc cung cấp máu lên não.
Các dấu hiệu như mất thị lực đột ngột, yếu một cánh tay hoặc chân trong ít phút có thể xuất hiện do các cơn thiếu máu não thoáng qua. Sau đó khả nặng vận động có thể sớm trở lại, điều này tạo nên cảm giác chủ quan cho người bệnh, tuy nhiên sẽ rất nguy hiểm nếu bỏ qua. Đây thường là dấu hiệu cảnh báo sớm của bệnh lý đột quỵ não.
Khi bệnh nhân bị đột quỵ não, các triệu chứng sẽ xảy ra ngay lập tức sau vài phút hoặc sau vài giờ với các dấu hiệu sau:
– Đột ngột có cảm giác tê hay yếu liệt ở mặt, tay hoặc chân (các triệu chứng thường xảy ra ở một bên của cơ thể – nửa người);
– Đột ngột không nói được, giọng nói bị méo hoặc bệnh nhân bị nói nhảm, vô nghĩa, không hiểu được lời nói;
– Đột ngột mất thị lực, đặc biệt khi triệu chứng xuất hiện ở một bên mắt;
– Đột ngột đau đầu dữ dội;
– Chóng mặt, cơ thể bị mất thăng bằng hoặc không thể thực hiện vận động theo ý muốn…
Nếu bất cứ ai có biểu hiện bất cứ triệu chứng nào như trên, thậm chí không rõ ràng, ngay lập tức gọi cấp cứu 115, vận chuyển an toàn tới bệnh viện gần nhất tìm cơ hội điều trị trong giờ vàng để “cứu não”.