Theo quy định hiện hành, đối với hành vi cố tình ghi sai nhãn sản phẩm hoặc quảng cáo “thổi phồng” công dụng, ngoài bị xử phạt vi phạm hành chính còn buộc cải chính thông tin, tháo gỡ quảng cáo; thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu tái phạm nhiều lần. Tuy nhiên hiện nay, không ít cơ sở vẫn ngang nhiên vi phạm.
‘Thổi phồng’ công dụng sản phẩm: Vô tình hay cố ý?
Theo phản ánh của chị V.A. (Hà Nội), vừa qua, tìm hiểu về một số mặt hàng làm đẹp được quảng cáo trên các website, kênh bán hàng online để mua phục vụ nhu cầu sử dụng của cá nhân, chị thấy “lạ” khi nhiều mặt hàng mỹ phẩm lại được quảng cáo có công dụng như đặc trị hay điều trị. Điều này khiến chị cảm thấy khá hoang mang vì không biết công dụng thực sự của sản phẩm có đúng như những lời quảng cáo “có cánh” kia không.
Từ phản ánh của người tiêu dùng, qua tìm hiểu qua một số website kinh doanh về mỹ phẩm “ngoại”, đơn cử như: https://nava.vn/ của Công ty TNHH Mỹ phẩm Quốc tế NAVA.VN và https://smiraclevietnam.vn/ của Công ty TNHH GENESIS Châu Á, PV nhận thấy không khó để đặt mua các sản phẩm mỹ phẩm kem trị mụn, trị nám, mặt nạ trị mụn cấp tốc, gel tan hủy mỡ, dầu gội trị gàu…
Theo nhận định, đây chỉ là mỹ phẩm, không phải là thuốc, tuy nhiên, cả nhà sản xuất lẫn đơn vị phân phối đều “thổi phồng” tên và công dụng khiến người tiêu dùng hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh.
Để làm rõ hơn về vấn đề này, PV đã liên hệ với Công ty TNHH NAVA.VN. Tại buổi làm việc, đại diện hãng mỹ phẩm NAVA.VN đã tiếp nhận nội dung phản ánh, đồng thời cho biết, sẽ báo cáo lãnh đạo để sắp xếp một buổi làm việc gần nhất về vấn đề này.
Sau đó, liên lạc lại với đại diện công ty này, PV nhận được đề nghị gửi câu hỏi vào địa chỉ e-mail, phía công ty sẽ trả lời bằng văn bản. Tuy nhiên, nhiều ngày trôi qua, câu trả lời vẫn “bặt vô âm tín”.
Tương tự, với Công ty mỹ phẩm GENESIS Châu Á, qua trao đổi, đại diện công ty thừa nhận “có một chút sai sót về quảng cáo” và sẽ sửa đổi lại nội dung theo đúng quy định.
Quảng cáo gian dối có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Tại Hiệp định mỹ phẩm ASEAN cũng như Thông tư 06/2011/TT-BYT có quy định rõ về cách đặt tên và ghi công dụng đối với các sản phẩm mỹ phẩm. Theo đó, với một số từ mang ý nghĩa chữa khỏi như “trị”, “điều trị”, “chữa khỏi” hay “xóa sẹo”, “trị mụn”, “làm lành mụn” đối với các sản phẩm chăm sóc da sẽ không được phép sử dụng để đặt tên sản phẩm hoặc công dụng của sản phẩm.
Trường hợp nhà sản xuất biết luật nhưng vẫn cố tình ghi nhãn sản phẩm mỹ phẩm không đầy đủ nội dung theo quy định sẽ bị chi cục quản lý thị trường xử phạt vi phạm hành từ 15.000.000 – 30.000.000 đồng (theo Điểm a, Khoản 1, Điều 53, Nghị định 176/2013/NĐ-CP). Mức phạt này cũng áp dụng đối với các nhãn ghi tính năng, công dụng sai với bản chất vốn có của sản phẩm.
Cùng với xử phạt vi phạm hành chính, cơ sở vi phạm còn buộc tiêu hủy mỹ phẩm.
Đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động quảng cáo mỹ phẩm như: Quảng cáo gây hiểu lầm như thuốc chữa bệnh, thổi phồng công dụng không đúng theo quy định đều bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10.000.000 – 20.000.000 đồng. Đồng thời, buộc cải chính thông tin và tháo gỡ hoặc xóa quảng cáo theo quy định tại Điều 69, Nghị định 158/2013/NĐ-CP.
Trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng vẫn tiếp tục quảng cáo gian dối, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội quảng cáo gian dối theo Điều 197 Bộ Luật hình sự 2015, sửa đổi 2017 với các hình thức như: phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ tùy theo mức độ vi phạm.
Trước thực trạng quảng cáo “thổi phồng” công dụng sản phẩm tràn lan như hiện nay, để tránh gây hiểu lầm cũng như đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, thiết nghĩ cần phải có sự vào cuộc kịp thời củ
a cơ quan chức năng, cơ quan quản lý để làm rõ, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh sai phạm theo quy định của pháp luật.