Theo nữ thủ khoa kép Học viện Cảnh sát Nhân dân, tích lũy kiến thức không có nghĩa chỉ học trong sách vở, học để thi mà sinh viên có thể học hỏi kiến thức trên nhiều lĩnh vực khác nhau để có ích cho tương lai.
Nguyễn Hồng Phượng (sinh năm 1998, Vĩnh Phúc) là thí sinh có điểm tuyển sinh đầu vào cao nhất khối A1 của học viện Cảnh sát nhân dân năm 2016. Sau 4 năm, cô lại được vinh danh là thủ khoa đầu ra với điểm trung bình tích lũy 3.76/4.
Phóng viên Infonet đã có cuộc trò chuyện với Nguyễn Hồng Phượng – thủ khoa kép học viện Cảnh sát về những nỗ lực và bí quyết trong quá trình học tập của em:
Cơ duyên nào khiến em chọn học viện Cảnh sát Nhân dân mà không phải trường khác?
Gia đình em không có ai trong ngành Công an, bố em là quân nhân, mẹ làm nội trợ. Mong muốn của bố mẹ là em sẽ trở thành bác sỹ, nhưng ước mơ của em là trở thành một chiến sỹ công an.
Vì thế năm lớp 12 em đã đăng ký 2 nguyện vọng là vào đại học Ngoại Thương – Khoa Kinh tế đối ngoại và học viện Cảnh sát Nhân dân. Khi biết tin đã trúng tuyển vào cả hai trường, em quyết định chọn học viện Cảnh sát Nhân dân để thực hiện ước mơ khoác lên mình màu xanh áo lính.
Bí quyết học tập giúp em có thành tích xuất sắc tại học viện Cảnh sát Nhân dân là gì?
Trong 4 năm học tại học viện Cảnh sát, em không chỉ học trên giảng đường, học trong giáo trình mà cũng hay tìm kiếm tài liệu từ thư viện của nhà trường, hoặc là tài liệu nước ngoài liên quan đến kiến thức chuyên ngành để học hỏi.
Ngoài học tập, em còn tham gia nhiều hoạt động như văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao để vừa có thêm kiến thức thực tế vừa trau dồi được thêm nhiều kỹ năng mềm, điều mà em cho là rất cần thiết.
Được biết học viện Cảnh sát là nơi môi trường giáo dục rất nghiêm khắc và vất vả, là một cô gái, Phượng làm gì để vượt qua những thử thách đó?
Là nữ sinh trong môi trường rèn luyện nghiêm khắc như trường công an, quân đội đúng là một thử thách lớn. Thời gian đầu em khá là bị choáng ngợp bởi phải tuân thủ nghiêm kỷ luật – đặc biệt là về vấn đề thời gian, rèn luyện thể lực cũng như ý thức tổ chức.
Mỗi sáng thức dậy lúc 5h để tập thể dục, dọn vệ sinh khuôn viên trường, sau đó về ký túc xá dọn dẹp trật tự nội vụ, đi ăn sáng ở bếp ăn tập thể rồi điểm danh lên lớp, với những bạn gái đúng là có nhiều khó khăn hơn các bạn nam.
Những ngày đầu tập điều lệnh dưới cái nắng chói chang, hay những buổi học võ thuật, bắn súng, những bài kiểm tra thể lực đều đòi hỏi những nữ sinh như em phải nỗ lực rất nhiều.
Bù lại, vì trong môi trường chỉ có khoảng 10% sinh viên là nữ nên các bạn nữ cũng có những sự ưu tiên nào đó, và thường được gọi với cái tên “những bông hồng thép” và em rất thích cái tên đó.
Hiện nay không ít sinh viên mất phương hướng khi học đại học. Vậy theo Phượng, khi ngồi trên ghế giảng đường, sinh viên phải tích lũy cho mình những kỹ năng gì?
Theo em, điều mà mỗi sinh viên đều cần phải làm là tích lũy cho mình thật nhiều kiến thức và kỹ năng. Nhiều bạn học đại học gặp phải những giai đoạn khủng hoảng hay mất phương hướng vì cách dạy và học ở trường đại học khác hẳn với bậc học phổ thông, lượng kiến thức khổng lồ đôi khi làm ta bị choáng.
Tuy nhiên, tích lũy kiến thức không có nghĩa chỉ học trong sách vở, học để thi, sinh viên có thể học hỏi kiến thức trên nhiều lĩnh vực khác nhau như học ngoại ngữ, học luật,…
Nhiều kỹ năng sẽ được trau dồi qua việc tham gia các hoạt động ngoại khóa, các chương trình thanh niên,… và biết đâu chúng ta sẽ tìm được điều mà mình thật sự hứng thú, say mê để làm.
Có một câu nói mà em không nhớ đã được nghe ở đâu nhưng em lại rất tâm đắc là: “Điều quý giá nhất mà trường đại học dạy cho ta là cách học”.
Học là quá trình cả đời, không chỉ gói gọn trong 4 năm trên giảng đường đại học, nhưng hãy tận dụng 4 năm tuổi trẻ đẹp nhất ấy để làm những điều thật sự đáng quý và có ích cho tuơng lai.
Cảm ơn em về cuộc trò chuyện!