Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 10 di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Phú Yên.
Theo thông tin từ trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, hồi 7h ngày 05/11, vị trí tâm bão ở khoảng 14,3 độ Vĩ Bắc; 111,6 độ Kinh Đông, cách bờ biển Quảng Ngãi đến Phú Yên khoảng 280km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 140km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 10-15km, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Phú Yên. Đến 7h ngày 06/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 13,8 độ Vĩ Bắc; 108,9 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.
Vùng nguy hiểm trên biển trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 12,0 đến 16,5 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 113,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.
Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 10km và suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 19h ngày 06/11, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 13,6 độ Vĩ Bắc; 106,9 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông Campuchia. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Tây của khu vực Bắc và Giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có mưa bão, gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10; sóng biển cao từ 4-5m; biển động rất mạnh.
Vùng biển từ Quảng Nam đến Ninh Thuận (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) gió mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7, giật cấp 9, sóng biển cao từ 3-4m, biển động mạnh.
Trên đất liền, từ chiều tối và đêm nay (05/11), trên đất liền ven biển Quảng Ngãi, Bình Định và Bắc Phú Yên có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8.
Trong ngày 05-06/11, ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 250-350mm/đợt; ở Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên có mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt. Từ ngày 05-07/11 ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt.
Từ đêm ngày 05-07/11, trên các sông từ Hà Tĩnh đến Phú Yên và khu vực Tây Nguyên sẽ xuất hiện một đợt lũ. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ thượng nguồn các sông ở Hà Tĩnh, các sông từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế, Phú Yên, Kon Tum, Gia Lai ở mức BĐ1-BĐ2, có sông trên BĐ2; các sông từ Quảng Nam đến Bình Định có khả năng lên mức BĐ2-BĐ3, có sông trên BĐ3.
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông và các khu đô thị tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Phú Yên và khu vực Tây Nguyên.
Để kịp thời ứng phó với bão số 10, các bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ đã có các Công điện chỉ đạo cơ quan, đơn vị trực thuộc, các địa phương chủ động triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp với diễn biến của bão số 10 và tiếp tục khắc phục hậu quả mưa lũ.
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo PCTT theo dõi sát diễn biến của bão, phối hợp cùng các cơ quan, địa phương liên quan trao đổi, chia sẻ, cung cấp thông tin, phục vụ tham mưu chỉ đạo điều hành.
Các cơ quan thông tấn báo chí thường xuyên cập nhật, cung cấp các thông tin cảnh báo, hướng dẫn người dân ứng phó với bão, mưa lũ.
UBND các tỉnh/thành phố: Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa đã có Công điện gửi các sở ngành, địa phương triển khai ứng phó với bão số 10 và tình hình mưa lũ sau bão (Trong đó tỉnh Bình Định đã thực hiện cấm biển từ 17h/03/11; tỉnh Phú Yên cấm biển từ 9h/04/11; tỉnh Khánh Hòa cấm biển từ 11h/04/11).
Các địa phương chỉ đạo các lực lượng tiếp tục khắc phục hậu quả mưa, bão, giúp dân sửa chữa nhà cửa, khôi phục giao thông, lưới điện, kiểm tra vận hành đảm bảo an toàn hồ chứa; rà soát các khu vực xung yếu có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; thống kê, đánh giá thiệt hại; sẵn sàng ứng phó với bão.