Thời tiết giao mùa khiến trẻ bị viêm mũi họng, ngạt mũi gia tăng. Để thuận tiện, nhiều gia đình tự ý mua thuốc nhỏ mũi cho trẻ nhưng thói quen này có thể dẫn tới biến chứng nặng, nhất là ngộ độc.
Cấp cứu vì tự ý nhỏ mũi
Theo thông tin từ Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Bắc Giang, khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực và Chống độc của bệnh viện vừa tiếp nhận cấp cứu cho cháu B.G.N (11 tháng tuổi, trú tại xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) nhập viện trong tình trạng lơ mơ, da tái, chân tay lạnh, vã mồ hôi, hạ thân nhiệt, nhịp tim nhanh, rối loạn nhịp thở do ngộ độc .
Theo người nhà, do bé N bị ngạt mũi nên buổi chiều 5/11, gia đình đã mua thuốc nhỏ mũi Naphazolin về nhỏ cho bé. Khoảng 2 giờ sau khi nhỏ mũi thì thấy bé có hiện tượng da tái toàn thân, chân tay lạnh, vã mồ hôi nên gia đình đã đưa trẻ đi viện.
Trước đó, ngày 30/8/2020, Khoa Cấp cứu Nhi, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển, TP.Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận hai bé tên Q.H và Q.B (sinh tháng 5/2020, ở phường Quang Trung, TP.Uông Bí) trong tình trạng lơ mơ, da tím tái, nhịp thở không đều, nhịp tim chậm 70 – 80 lần/phút.
Trước đó, gia đình tắm cho hai bé, thấy cả hai thở khò khè nên đã tự mua thuốc nhỏ mũi cho con. Khi hết khoảng 2 đến 3 lọ thuốc, thấy cả hai bé đều vã mồ hôi, da tái, tay chân lạnh… Các bé phải thở máy, truyền dịch, theo dõi sát dấu hiệu sinh tồn.
Bác sĩ (BS) chẩn đoán hai bé ngộ độc cấp Naphazolin – loại thuốc mà trong hướng dẫn sử dụng chỉ ghi dùng cho trẻ 6 tuổi trở lên! Do thuốc này hiệu quả tác dụng nhanh nên được dùng rất rộng rãi, có điều không ít người lớn “vô sư vô sách” không đọc hướng dẫn sử dụng nên đã làm hại con, cháu mình.
Một trường hợp khác bé N.T. C (18 tháng tuổi, ở Q1, TP. HCM) được bố mẹ hút mũi và rửa bằng nước muối sinh lý. Mẹ bé thuận tay nhỏ liên tiếp vào 2 mũi thuốc Naphazolin rồi ru bé ngủ. Chưa đầy 1h, bé vật vã, toàn thân vã mồ hôi, chân tay lạnh ngắt, thở ngắt quãng… Khi đến viện, bé đã hôn mê sâu, rối loạn nhịp tim và may mắn đã được cứu sống.
Naphazolin rất dễ gây ngộ độc
PGS Nguyễn Thị Hoài An – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa An Việt, Hà Nội, nguyên Trưởng khoa tai mũi họng trẻ em, bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương cho biết bà cũng thường xuyên gặp các trường hợp trẻ bị ngộ độc thuốc Naphazolin do cha mẹ tự ý sử dụng.
Theo PGS An Naphazolin là một loại thuốc nhỏ mũi hay được người dân tự ý mua về dùng do thuốc có giá thành rẻ (chỉ vài ngàn đồng/lọ), tính sẵn có (hầu hết có ở các nhà thuốc) và tính “hiệu nghiệm” của thuốc (khi bị ngạt mũi nhỏ thuốc vào là mũi thông làm cho người bệnh dễ thở ngay). Vì thế người dân tín nhiệm và còn mách bảo nhau dùng, coi thuốc như “thần dược” chữa ngạt mũi… mua thuốc tích trữ trong nhà.
Tuy nhiên, loại thuốc này không được dùng liên tục quá 3 ngày. Sử dụng nhiều lần trong ngày hoặc dùng liên tục trên 1 tuần có thể gây ra tình trạng quen thuốc, làm cho nghẹt mũi nhiều hơn… Đặc biệt gây ra tình trạng ngộ độc do quá liều khi dùng tại chỗ liều quá cao hoặc uống nhầm có thể gây ức chế hệ thần kinh trung ương, gây hạ thân nhiệt, tim đập chậm, ra mồ hôi, buồn ngủ, co giật, hôn mê đặc biệt ở trẻ em.
Vì vậy, PGS An khuyến cáo thuốc nhỏ mũi Naphazolin không nên dùng cho trẻ dưới 6 tuổi. Đối với người lớn và trẻ em trên 12 tuổi: Nhỏ 1-2 giọt Naphazolin 0,05% vào mỗi lỗ mũi, 3-6 giờ 1 lần. Thời gian dùng không nên quá 3-5 ngày.
Hiện nay, thời tiết thay đổi nóng lạnh đột ngột, môi trường ô nhiễm khiến đường thở của trẻ dễ bị kích ứng, sung huyết, khi bị nghẹt mũi, trẻ sẽ có biểu hiện khó ngủ, bỏ bú và quấy khóc. Những lúc như vậy, vì quá lo lắng mà các bậc phụ huynh thường tự ý dùng các loại thuốc nhỏ mũi cho trẻ dù không hiểu hết về thành phần cũng như tác dụng của thuốc.
PGS An cho biết các thuốc trị nghẹt mũi thường là chỉ tạm thời do tác dụng co mạch, nếu dùng trên trẻ nhỏ dễ gây tụt huyết áp, shock, thậm chí tử vong. Các thuốc ho sổ mũi nếu dùng kéo dài có thể gây viêm mũi do thuốc, cuối cùng lại làm tình trạng viêm mũi nặng hơn.
Theo PGS An với trẻ nhỏ dưới 6 tuổi, nếu trẻ ngạt mũi trước hết nên dùng nước muối 0,9% và nước muối phun sương Sterimar (nhóm thuốc sát trùng). Khi dùng thuốc co mạch và chống viêm phải có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.