Con trai tôi trở nên ngang ngược, bướng bỉnh, vô cảm và rồi tôi nhận ra nguyên nhân sâu xa là do tôi mải mê làm việc kiếm tiền mà thờ ơ việc chăm sóc, gần gũi cháu.
Do đặc thù công việc nên hai vợ chồng tôi thường đi làm đến tối muộn mới về, nên nhờ bà nội trông và chăm cháu. Đến nay con đã học lớp 3, tính từ mẫu giáo đến giờ thì đã 6 năm vợ chồng tôi gần như phó thác việc nuôi dạy con cho bà nội. Thậm chí cuối tuần vợ chồng tôi cũng tăng ca nên thứ Bảy, Chủ nhật nào con cũng ‘đóng quân” bên nhà bà.
Nhiều khi thương con, tôi cũng muốn chuyển việc để lo cho con nhưng vừa lên chức trưởng phòng nên hơi tiếc. Với nghĩ bà nội chăm cháu cũng rất tốt rồi.
Cho đến một ngày, khi cô giáo điện thoại muốn gặp riêng mẹ, tôi mới thật sự hoảng hốt khi biết tình hình của con. Cô giáo phát hiện con trai tôi trong lớp bướng bỉnh, hung hăng với bạn và vô lễ với cô giáo. Do ngày thường khi đón con từ nhà bà về là lên giường ngủ luôn. Sáng sớm dậy tôi chỉ kịp chở con đến trường rồi cho tiền con tự ăn sáng. Hầu như trên suốt đoạn đường, con chẳng nói gì với mẹ. Đến lớp, con nhảy xuống xe rồi đi nhanh, chẳng hề chào mẹ một tiếng.
Điều này lặp đi lặp lại khiến tôi cảm thấy bình thường mà không hiểu rằng sợi dây liên kết giữa mẹ con ngày càng dài ra, khiến khoảng cách giữa mẹ và con ngày càng khó thu hẹp. Tôi đã thật sự mất “kết nối” với con mà không hề nhận ra.
Sau khi gặp cô giáo, tôi dành hẳn 2 ngày cuối tuần để ở nhà cùng con, tôi phát hiện con nói chuyện rất hỗn với người lớn. Một hôm, bà nội gọi con ra ăn cơm. Lúc đó, do đang mải xem tivi nên con đã quát lại: “Bà đừng có phiền phức nữa”. Có lần khi tôi bắt con tắt điện thoại, con không chịu còn lớn tiếng với mẹ: “Điện thoại của con, con muốn làm gì thì làm”. Tôi điên lên, giật phắt điện thoại con cầm trên tay, không ngờ thằng bé lao đến giằng điện thoại với mẹ một cách quyết liệt. Không thể kiềm chế, tôi đã lấy cây vụt liên tiếp vào người con. Thằng bé không hề tỏ thái độ sợ sệt, mắt nó long lên rồi quát lớn: “Mẹ cút đi”.
Đến lúc này, tôi ngã gục thật sự. Tôi không biết phải dạy lại con như thế nào khi tuổi thơ thiếu vắng tình cảm bố mẹ đã biến con thành một đứa trẻ vô cảm.
Cũng đúng thôi, tôi đã chẳng hề ở bên con lúc con cần tôi nhất. Tôi mải mê kiếm tiền vì cứ nghĩ cho con cuộc sống vật chất đầy đủ là được, việc dạy dỗ con phó thác hết cho giáo viên và bà nội. Mà bà lúc nào cũng chiều chuộng và đáp ứng mọi yêu cầu của cháu thành ra có nhiều việc cháu làm sai nhưng không ai nhắc nhở nên cháu không thể biết đó là điều không nên làm. 6 năm trôi qua là một khoảng thời gian quá đủ để con hình thành nhiều thói hư tật xấu do nguyên nhân này.
Tôi trằn trọc mấy đêm liền và đi đến quyết định đổi sang một công việc lương thấp hơn nhiều lần nhưng có thời gian gần gũi, chăm sóc con.
Hậu quả của việc cha mẹ không gần gũi, chăm sóc trẻ.
Được ông bà chăm sóc, yêu thương là một trải nghiệm tuyệt vời đối với mọi đứa trẻ. Tuy nhiên, sự thiếu hụt tình cảm, ít gần gũi con của bố mẹ đôi khi cũng có thể gây ra những tác dụng phụ, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển về thể chất, tinh thần của trẻ.
Con có thể không vâng lời: So với bố mẹ, ông bà thường có xu hướng nuông chiều con cháu nhiều hơn. Không ít ông bà có thói quen lấy lòng cháu, thậm chí làm ngược lại những biện pháp dạy dỗ con mà bố mẹ đã đề ra. Điều này sẽ gián tiếp khiến trẻ trở nên không nghe lời, thậm chí xem nhẹ lời của bố mẹ vì đã có ông bà bao che.
Con sợ hãi và khó chịu với bố mẹ: Trong khi các bậc cha mẹ luôn nghiêm khắc với con thì ông bà lại dễ tính hơn và để mặc con cháu được làm điều mình muốn. Cuối cùng, bố mẹ lại vô tình đóng “vai ác” trong mắt trẻ nhỏ. Trong khi bố mẹ cố gắng giành lại vị trí trong cuộc sống của con thì con lại sợ hãi và khó chịu.
Con thiếu hụt các hoạt động thể chất: Trẻ nhỏ tràn đầy năng lượng và luôn thích chạy nhảy, vui chơi để phát triển cơ thể đúng cách, khỏe mạnh. Tuy nhiên, nhiều khi con chỉ có thể ở cùng ông bà cả ngày trong nhà và thiếu hụt các hoạt động thể chất. Đây là điều không tốt cho sự phát triển toàn diện của con.
Con không có các kỹ năng xã hội: Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy, những đứa trẻ được đi học mẫu giáo thường năng động, nhanh nhẹn hơn so với những trẻ được bố mẹ gửi cho ông bà trông nom.