Bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái, là một trong những vi phạm nhân quyền phổ biến nhất trên thế giới.
Tình trạng này không có ranh giới về xã hội, kinh tế hay lãnh thổ quốc gia bởi nó xảy ra trong mọi tầng lớp xã hội, từ nông thôn tới thành thị, từ những quốc gia phát triển cho tới những nước đang phát triển.
Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã dành nhiều sự quan tâm tới việc phòng, chống bạo lực gia đình, ban hành nhiều văn bản pháp luật trực tiếp và gián tiếp như: Hiến pháp, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Bộ luật Dân sự… Tuy nhiên, để các quy phạm pháp luật này thực sự đi vào cuộc sống, cần sự chung tay, góp sức của toàn xã hội.
Bạo lực với phụ nữ vẫn rất nghiêm trọng
Báo cáo của Liên hợp quốc cho thấy, có khoảng 52% số phụ nữ trên toàn cầu đã từng là nạn nhân của bạo lực về thể chất từ phía người chồng hoặc bạn trai. Theo thống kê của vụ Gia đình (bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho thấy có 58% phụ nữ Việt Nam cho biết, họ từng chịu ít nhất 1 trong 3 hình thức bạo lực là thể chất, tinh thần và tình dục. Khoảng một nửa số nạn nhân này chưa từng nói với ai về tình trạng bạo lực mà họ phải chịu đựng; 87% nạn nhân bị bạo lực gia đình chưa tìm kiếm sự hỗ trợ từ các dịch vụ công.
Bạo lực về thể chất, nhất là bạo lực tình dục đối với phụ nữ đã để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng và dễ dàng nhận thấy. Đó là việc phá thai, mang ngoài ý muốn. Phá thai, nạo thai ngoài ý muốn có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng tới sức khỏe người phụ nữ. Phụ nữ trong quá tình mang thai bị hành hạ, đánh đập dễ có nguy cơ sảy thai, tử vong cho người mẹ; đứa trẻ dễ bị đẻ non, suy dinh dưỡng hoặc thiếu máu; trẻ sinh ra không được ai chăm sóc và không được phát triển toàn diện. Tình trạng bạo lực gia đình, bạo lực chống lại phụ nữ như tiếng chuông cảnh báo về sự gia tăng các hành vi bạo lực vi phạm đến quyền con người, danh dự, nhân phẩm và tính mạng của mỗi cá nhân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, làm xói mòn đạo đức, mất tính dân chủ xã hội, làm ảnh hưởng xấu đến thế hệ tương lai và sự bền vững của gia đình.
Theo nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam được Chính phủ Việt Nam và Liên hợp quốc công bố cho thấy, cứ ba phụ nữ có gia đình hoặc đã từng có gia đình thì có một người đã từng bị chồng mình bạo hành thể xác hoặc tình dục. Số phụ nữ đang có hoặc từng có gia đình hiện đang phải chịu một trong hai hình thức bạo hành này chiếm 9%.
Phó tổng cục trưởng tổng Cục Thống kê Trần Thị Hằng cho biết, đây là kết quả một cuộc nghiên cứu đầu được tiến hành trên phạm vi cả nước nhằm tìm hiểu những thông tin chi tiết về mức độ phổ biến và các loại hình bạo lực đối với phụ nữ, các hậu quả về mặt sức khỏe của bạo lực gia đình, các yếu tố rủi ro, phòng ngừa bạo lực, cách xử trí của phụ nữ khi gặp phải bạo lực gia đình cũng như các dịch vụ trợ giúp mà họ đã sử dụng.
Các số liệu mới được đưa ra đã nêu một thực trạng là đa số phụ nữ Việt Nam đều có nguy cơ tiềm tàng bị bạo lực gia đình ở một hay một vài thời điểm nào đó trong cuộc sống của họ. Tại một số vùng ở Việt Nam, cứ mười phụ nữ thì có bốn người nhận thấy gia đình không phải là nơi an toàn đối với họ.
Cần sự chung tay của toàn xã hội
Trước thực trạng trên, Liên hợp quốc đã lấy ngày 25/11 hàng năm là Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và từ đó Chiến dịch 16 ngày hành động xóa bỏ bạo lực với phụ nữ, từ ngày 25/11 đến ngày 10/12 là ngày nhân quyền thế giới, đã được nhiều quốc gia hưởng ứng nhằm thúc đẩy các cam kết hành động để sớm chấm dứt tình trạng này.
Những năm qua, Tháng hành động đã tạo thành đợt truyền thông cao điểm, thu hút sự tham gia vào cuộc của các bộ, ngành, cơ quan trung ương, tổ chức quốc tế, tổ chức xã hội và 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, góp phần lan tỏa rộng rãi các hình ảnh, thông điệp, kêu gọi các tầng lớp nhân dân cùng nỗ lực thực hiện bình đẳng giới, chung tay chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.
Theo Thứ trưởng bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, thông qua chiến dịch truyền thông hằng năm, các thông điệp hướng tới kêu gọi thực hiện bình đẳng giới, chung tay chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em đã lan tỏa ngày một xa hơn, rộng hơn, góp phần tạo nên những chuyển biến tích cực trong việc đối diện với các hành vi bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em.
Nhiều vụ bạo hành đã được nạn nhân, người thân, cộng đồng dư luận kịp thời lên tiếng tố cáo, phản ánh để cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc xử lý theo quy định của pháp luật, tạo niềm tin cho người dân.
Phó Chủ tịch Trung ương hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Trần Thị Hương cho biết, là quốc gia sớm tham gia Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW), trong những năm qua Việt Nam đã có nhiều nỗ lực thực hiện cam kết quốc gia bằng nhiều biện pháp đảm bảo quyền bình đẳng nam nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và đã đạt được nhiều thành quả đáng khích lệ.
Một trong những biện pháp quan trọng mà Việt Nam áp dụng để hoàn thành trách nhiệm của một quốc gia thành viên CEDAW, đó là việc xây dựng chính sách, thiết lập và thực thi những quy định của pháp luật để nâng cao vị thế của phụ nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và đảm bảo quyền bình đẳng của phụ nữ so với nam giới. Sự ra đời của Luật Bình đẳng giới năm 2006 và Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2007 là những cơ sở pháp lý quan trọng để bảo vệ quyền và lợi ích của các thành viên trong gia đình, nhất là người cao tuổi, phụ nữ và trẻ em rất dễ trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình.
Để nâ
ng cao hiệu quả điều chỉnh của pháp luật với vấn đề bạo lực gia đình, nhiều chuyên gia cho rằng, điều đầu tiên là cần làm rõ một số khái niệm quan trọng trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Nghĩa là, muốn định hướng hành vi trước tiên cần phải định hướng về nhận thức, phải quy định một cách rõ ràng và cụ thể những hành vi mà pháp luật quy định là bạo lực gia đình và cần phải phòng chống.
Thực tiễn về vấn nạn bạo lực gia đình ở nước ta cho thấy, việc thông tin, tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình để nâng cao sự hiểu biết, từ đó làm thay đổi về nhận thức vấn đề là hết sức quan trọng và cần thiết, nhưng dường như chưa được chú ý đúng mức. Pháp luật đã quy định nhưng lại không đề ra cơ chế cho việc thực thi trên thực tế, mà chỉ quy định chung trong Chương 4 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình về trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan, tổ chức trong thi hành Luật. Theo nhiều chuyên gia, cần có những quy định chi tiết hơn về vấn đề này, đồng thời đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về cơ sở, nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề bình đẳng giới; kêu gọi sự chung tay của toàn xã hội để bảo vệ phụ nữ vì một cuộc sống bình an, hạnh phúc…