Thời gian qua, cục An toàn thực phẩm (bộ Y tế) đã phát hiện sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK) Viên Dưỡng khớp X3 đang bị quảng cáo sai sự thật, vi phạm quy định của pháp luật, lừa dối người tiêu dùng.
Qua công tác hậu kiểm việc quảng cáo TPBVSK trên internet và môi trường mạng, cục An toàn thực phẩm đã phát hiện trên website https://www.thaoduocgiatruyenvn.xyz/chuabenhxuongkhop? đang quảng cáo sản phẩm TPBVSK Viên Dưỡng Khớp X3 vi phạm quy định của pháp luật.
Theo đó, các quảng cáo TPBVSK Viên Dưỡng Khớp X3 đang gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh; Sử dụng hình ảnh, uy tín của đơn vị, cơ sở y tế, nhân viên y tế, thư cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm.
Sản phẩm TPBVSK Viên Dưỡng Khớp X3 đang quảng cáo vi phạm nêu trên có “Giấy tiếp nhận bản đăng ký công bố sản phẩm” số 4124/2020/ĐKSP và “Giấy xác nhận nội dung quảng cáo” số 1677/2020/XNQC-ATTP do công ty CP Công nghệ Dược mỹ phẩm Sunpharma (Địa chỉ: Nhà số 1 ngõ 77/20 phố Lụa, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, TP. Hà Nội) công bố và chịu trách nhiệm về sản phẩm.
Công dụng được phép quảng cáo chỉ có “hỗ trợ bổ huyết, hỗ trợ hoạt huyết, hỗ trợ làm giảm đau nhức xương khớp”.
Quá trình hậu kiểm, công ty CP Công nghệ Dược mỹ phẩm Sunpharma không thừa nhận website nêu trên là của công ty CP Công nghệ Dược mỹ phẩm Sunpharma và không chịu trách nhiệm về việc quảng cáo sản phẩm TPBVSK Viên Dưỡng Khớp X3 trên website nêu trên.
Hiện tại, cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng của bộ Thông tin & Truyền thông xử lý vụ việc.
Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng không mua, không sử dụng sản phẩm TPBVSK Viên Dưỡng Khớp X3 quảng cáo vi phạm trên website nêu trên.
Tại khoản 4, Điều 68, Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo như sau:
“4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Quảng cáo thực phẩm chức năng và các sản phẩm không phải là thuốc với nội dung không rõ ràng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc;
b) Lợi dụng hình thức thầy thuốc hướng dẫn cách phòng bệnh, chữa bệnh hoặc hướng dẫn sử dụng thuốc bằng các bài viết trên báo, bằng các chương trình phát thanh, truyền hình để quảng cáo thuốc;
c) Quảng cáo thuốc sử dụng một trong các thông tin, hình ảnh sau: hình ảnh người bệnh; sơ đồ tác dụng của thuốc mà chưa được nghiên cứu, đánh giá; hình ảnh, tên của thầy thuốc để giới thiệu thuốc.”