Trong cuốn sách viết về quê hương Đaghextan của mình, nhà thơ Raxun Gamzatop có viết: “Suối nhỏ ở đâu cũng ước về biển lớn/Biển cũng nhớ về suối nhỏ khôn nguôi”…
Gần đây, tôi hay nghĩ về hai câu thơ này, khi gia đình có một người em đã hết thời gian học tại Ấn Độ nhưng vẫn phải lưu lại nước bạn vì giao thông gián đoạn bởi dịch bệnh COVID-19. Em nhớ nhà; còn ở nhà, người thân đếm từng ngày đến khi em được xếp lịch bay về nước. Với diễn biến dịch bệnh trên thế giới hiện nay, việc về được Việt Nam đồng nghĩa với sự an tâm khi dịch bệnh đang được kiểm soát ở nước ta. Chính vì vậy, chủ trương toàn bộ người nhập cảnh vào Việt Nam (ngoại trừ những chuyến bay giải cứu), đều thực hiện cách ly trả phí đã được đông đảo người dân đồng tình, nghiêm túc chấp hành.
Nhưng cũng liên quan tới việc đưa – đón công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước, mới đây, một chuyến bay của Vietjet Air từ Hàn Quốc về Việt Nam đã xảy ra cảnh tượng không ai muốn thấy: Khoảng 100 hành khách từ khi về đến Tân Sơn Nhất đã chọn cách… ở lại sân bay, không chịu cách ly ở khách sạn với lý do mức phí 5 triệu đồng một ngày là quá cao, không như Vietjet công bố ban đầu là khoảng 100 USD. Một số người bức xúc livestreams trên Facebook. Sự việc thu hút sự quan tâm của dư luận, trong đó có tờ báo nước ngoài đưa ý kiến người dân theo kiểu “bắt ép” vào khách sạn cách ly…
Từ chỗ một sự thoả thuận chưa đạt, sự việc đang dần theo hướng làm xấu đi hình ảnh của đất nước đang hết sức nỗ lực chống dịch bệnh; đồng thời tích cực, khẩn trương để đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài về với quê hương.
Với vụ việc cụ thể này, rõ ràng, việc cách ly trả phí là quy định đã có, và người hồi hương đã nhất trí với chủ trương này. Mâu thuẫn xảy ra là do việc thông báo chưa rõ ràng, đẫn tới khả năng nhiều người sẽ phải sử dụng những dịch vụ với mức phí cao hơn khả năng/ý định chi trả.
Rất nhanh, sự việc đã được giải quyết. Trong 158 khách của chuyến bay này, có 17 người đồng ý cách ly ở khách sạn với giá phòng 1,3 triệu đồng/ngày. Số khách không đồng ý trả mức phí cao thì được đưa về khu cách ly tập trung tại Cần Giờ để bảo đảm an toàn chống dịch.
Tuy nhiên, để không còn những sự việc tương tự, và cũng để thúc đẩy quá trình đón người Việt tại các nước hồi hương, các cơ quan quản lý phải nhanh chóng rà soát, bổ sung, tổ chức nhiều hơn nữa số địa điểm cách ly có thu phí và đa dạng hơn nữa mức phí để có thể đáp ứng được mọi nhu cầu của đồng bào khi hồi hương. Thực tế, không phải kiều bào nào cũng có điều kiện kinh tế dư giả, để chấp nhận mức phí cách ly cao.
Đồng thời, việc trao đổi thông tin về chi phí cách ly cần được minh bạch, rõ ràng hơn nữa để người dân có căn cứ xác định khả năng chi trả của mình khi ký cam kết.
Song song với đó, bản thân những Việt kiều hồi hương cũng phải có tinh thần hợp tác hơn trong việc cam kết và tuân thủ các quy định cách ly phòng dịch khi được về quê hương trong thời điểm dịch bệnh đang hoành hoành trên thế giới như hiện nay.
Đất nước, đối với những người quê hương, chính là “Đất Mẹ”. Cha mẹ nào cũng yêu thương, có trách nhiệm với mọi người con. Trách nhiệm của Đất Mẹ là giang rộng vòng tay đưa- đón những người con xa xứ về môi trường hiện nay đang được đánh giá là khá an toàn bởi kiểm soát được dịch bệnh. Các cơ quan, ban ngành liên quan cần huy động nhiều hơn nữa để đảm bảo số lượng các cơ sở lưu trú có thể đáp ứng được hết những yêu cầu về cách ly có thu phí của đồng bào. Còn những người con, bên cạnh việc đón nhận sự yêu thương, cũng cần thể hiện tinh thần trách nhiệm, cùng sẻ chia, gánh vác những khó khăn hiện hữu của Đất Mẹ. Trách nhiệm không chỉ trong việc chia sẻ những gánh nặng về kinh tế, mà còn thể hiện trong ý thức bảo vệ cộng đồng, bản thân, đất nước. Trách nhiệm ấy cũng thể hiện rõ trong hành vi ứng xử của mỗi người, để kể cả khi phản biện cũng cần thể hiện sự hiểu biết và tinh thần xây dựng.
Sòng phẳng, rõ ràng là những điều chúng ta học hỏi được khi tiếp cận những nền văn minh khác trên thế giới; còn đạo nghĩa chính là giá trị lâu đời của dân tộc Việt Nam chảy trong huyết quản, được Đất Mẹ truyền cho mỗi người con.